Gần 10 điểm mỗi môn vẫn rớt đại học: Lỗi ở đâu ?

on .

Điểm thi cao hơn điểm chuẩn nhưng vẫn trượt nguyện vọng là một hiện tượng của kỳ xét tuyển năm nay. Nguyên nhân của sự bất hợp lý này là gì?

Nhiều nghi vấn được đặt ra: do quy định làm tròn điểm số? Việc sử dụng tiêu chí phụ trong xét tuyển thí sinh (TS) đồng điểm? Hay có nguyên nhân sâu xa nào khác?
Bức xúc vì làm tròn điểm
 
Mấy ngày qua, nhiều TS bức xúc cho biết sau khi thực hiện làm tròn điểm số theo quy định của Bộ GD-ĐT thì tổng điểm thi của TS giảm xuống, ngược lại có TS vì làm tròn điểm lại được nâng lên. Nhiều TS cho rằng nếu tính điểm gốc trước khi làm tròn thì TS đã đủ điều kiện trúng tuyển mà không cần dùng đến tiêu chí phụ.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM bắt đầu làm thủ tục nhập học cho thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1	 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM bắt đầu làm thủ tục nhập học cho thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1.

 
 
Khuyến khích dùng tiêu chí phụ là điểm số chưa làm tròn
Về vấn đề làm tròn điểm, theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), việc sử dụng tiêu chí phụ nào là quyền tự chủ của các trường. Tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi TS, Bộ đã từng có thư điện tử khuyến khích các trường nên sử dụng tiêu chí phụ là điểm số chưa làm tròn. 
 
 
 
 
 
Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, quy định làm tròn điểm đã có từ nhiều năm qua. Nếu phân tích kỹ, cách tính điểm làm tròn như năm 2017 khoa học và hợp lý hơn, nhưng tại sao TS và phụ huynh lại bức xúc? Các chuyên gia này cho rằng lý do quan trọng nhất là năm nay có quá nhiều TS đạt điểm cao và bằng điểm nhau nên nhiều TS quan tâm và coi trọng việc làm tròn điểm.
 
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng quy định làm tròn điểm số chỉ ảnh hưởng đến những TS đồng điểm. Đặc biệt là những ngành nhiều TS quan tâm, có điểm chuẩn cao trong khi điểm số TS san sát nhau. Còn những ngành ít TS tham gia xét tuyển, điểm chuẩn không cao sẽ không bị ảnh hưởng.
 
Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, phân tích: “Trước đây cả nước chỉ có vài ba thủ khoa, nhưng năm nay số lượng này là gần 20 TS ở 4 khối thi, trong đó 13 TS được 30 điểm 3 môn thi. Số TS có tổng điểm 3 môn từ 27 trở lên là gần 12.500. Từ đó cho thấy đề thi đã không phân định được TS xuất sắc với TS rất xuất sắc, TS giỏi với TS xuất sắc. Rồi khi xét tuyển, số TS ngưỡng điểm dưới đó cũng được nhoi lên nhờ điểm ưu tiên. Điều này vừa gây khó khăn cho nhiều trường nóng, ngành nóng trong việc xác định điểm xét tuyển, vừa tạo sự bức xúc trong dư luận”.
 
Tuy nhiên, theo ông Tùng, nhiều ý kiến cho rằng việc làm tròn điểm là không cần thiết vì ngay cả khi không làm tròn, nhiều trường vẫn phải dùng đến các tiêu chí phụ khác và quan trọng là nguyên nhân gây bức xúc vẫn còn. “Về mặt cảm quan, với thang điểm 30, không ai nghĩ là TS 29,19 điểm học kém hơn TS 29,20 điểm. Trong khi đó thì vẫn phải có người trượt, người đỗ. Giả sử không làm tròn điểm, TS 29,20 điểm đỗ, ai dám chắc là TS 29,19 không ấm ức, vì hơn thua 0,01 là không có ý nghĩa chút nào với thang điểm 30. Vấn đề ở chỗ mục tiêu xét tuyển sinh hoàn toàn khác mục tiêu xét tốt nghiệp, trong khi đề thi dùng vào mục đích xét tốt nghiệp là chính. Chúng ta lại đồng nhất hai cái với nhau nên mới có chuyện”, ông Tùng nói.
 
Dư luận càng bức xúc hơn khi có trường lấy điểm chuẩn là điểm đã làm tròn, có trường lại dùng điểm thực tế.
 
Trường ĐH Y Dược TP.HCM là nơi dùng điểm đã làm tròn, và lý giải đây là quy định của Bộ, trường chỉ sử dụng điểm đã làm tròn có sẵn trên phần mềm của Bộ để xét tuyển.
 
Trong khi đó, với quan điểm cần ưu tiên cho những TS có điểm số thực cao hơn để đảm bảo công bằng, tránh tình trạng TS có điểm cao hơn chuẩn nhưng sau khi làm tròn bị rớt, còn TS điểm thấp hơn nhưng nhờ được làm tròn lại đỗ, nhiều năm nay Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM luôn dựa vào điểm số thực để xét TS. Năm nay trường vẫn sử dụng điểm chuẩn đã làm tròn nhưng tiêu chí phụ đầu tiên để xét TS đồng điểm là điểm số chưa làm tròn. Tương tự, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng lấy điểm chưa làm tròn làm tiêu chí đầu tiên khi xét TS đồng điểm, sau đó mới đến các tiêu chí khác. Nhiều trường ĐH lớn phía bắc cũng có cách tính điểm tương tự.
 
Nên có kỳ thi riêng ?
 
Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng các trường đều xác định tính tương đối của kết quả thi THPT quốc gia. Do đó, sự công bằng được đo bằng việc tất cả các bên tham gia có tuân thủ “luật chơi” đã được định trước đó hay không. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn dùng kết quả thi này để xét tuyển vì nhận thấy những TS đã đạt trên 20 điểm là có thể theo học ĐH. “Có một quan niệm sai lầm là em 21 điểm sẽ giỏi hơn 20 điểm. Thực tế cho thấy, trong các cuộc thi chọn những em tài năng để đào tạo riêng ở trường, những em 29 - 30 điểm làm bài 2 môn toán, lý do trường ra đề chỉ đạt 6 - 7 điểm/2 môn, trong khi có những em dù điểm thi thấp hơn lại đạt 16 - 17 điểm”, ông Điền nói.
 
Tuy nhiên, theo ông Điền, việc nên có một kỳ thi riêng để tuyển sinh cho trường chứ không dùng kết quả thi nằm trong một kế hoạch dài hạn chứ chưa phải là ngay năm sau. “Trước mắt, trường vẫn ủng hộ kỳ thi của Bộ GD-ĐT, chọn những TS tạm gọi là từ khá trở lên vào trường. Còn để chọn tài năng (khoảng 300 trong số 6.000 TS trúng tuyển) mà đào tạo đỉnh cao, chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc thi tiếp theo sau khi các em đã trúng tuyển”, ông Điền cho biết.
 
Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng với những trường có ngành 29 - 30 điểm mà TS vẫn không đỗ, có lẽ cần phải tiếp tục tìm kiếm công cụ tốt hơn. Luật Giáo dục ĐH đã quy định các trường có quyền tự chủ. Ngay trong năm nay, nhiều trường có đề án riêng, tách hẳn khỏi kỳ thi THPT quốc gia này, có trường thì chỉ xem kết quả thi như một yếu tố để xét tuyển.
Còn ông Lê Trường Tùng cho rằng các trường có TS 29 - 30 điểm mà vẫn trượt nguyện vọng 1 cần nâng cao tính tự chủ. Bộ GD-ĐT vẫn cứ tổ chức một kỳ thi, nhưng các trường không nên quá phụ thuộc vào kết quả này mà cần phải sử dụng một cách sáng tạo, vừa có được nguồn tuyển tốt, vừa không gây bức xúc không đáng có.
 
Theo ông Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, nhà trường buộc phải sử dụng kết quả thi chừng nào Bộ GD-ĐT vẫn còn tổ chức. Tuy nhiên, nếu có một nhóm trường đứng ra tổ chức thi riêng, trong đó có những trường mạnh về khoa học cơ bản thì Trường ĐH Y Hà Nội sẵn sàng tham gia.
 
Vấn đề là độ phân hóa của đề thi
 
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhìn nhận quy định làm tròn điểm số năm nay cơ bản không khác so với năm 2016. Quy định này đã tốt hơn nhiều so với cách làm tròn điểm số của những năm trước đó. Cụ thể năm nay chỉ làm tròn điểm bài thi trắc nghiệm đến 2 chữ số thập phân, chỉ làm tròn đến 0,25 với tổng điểm 3 môn xét tuyển (không làm tròn đến 0,25 ở từng bài thi như năm 2015). Điều tất yếu sẽ có những TS sau khi làm tròn được tăng điểm và ngược lại. Tuy nhiên tiến sĩ Nghĩa cho rằng trong mỗi cuộc thi có nhiều TS tham gia, việc làm tròn hoặc không làm tròn sẽ có những tác động khác nhau đến TS. Nếu không áp dụng quy định làm tròn như năm nay thì những TS có điểm thấp hơn điểm chuẩn dù chỉ 0,01 điểm sẽ bị trượt. Do vậy quy định này đã công bố từ đầu thì TS phải chấp nhận “luật chơi” chung.
 
Theo tiến sĩ Nghĩa, vấn đề cần đặt ra là độ phân hóa của đề thi. Đề thi phải có sự phân hóa nhất định để khi xét tuyển không xảy ra trường hợp trượt “oan” gây bức xúc cho TS. “Với phổ điểm và điểm chuẩn thực tế của các trường đã công bố có thể thấy độ phân hóa của đề ở khoảng 15 - 25 điểm khá tốt. Nhưng với khoảng điểm sau mức này thì đề thi phân hóa chưa tốt dẫn đến hệ quả điểm chuẩn nhiều trường “đụng trần”, những TS điểm cao dù chênh nhau từng điểm lẻ trong khoảng 0,12 điểm (một nửa điểm khi làm tròn) cũng có thể từ rớt thành đậu, đậu thành rớt", tiến sĩ Nghĩa nói.