Hãy để những đồng tiền lẻ nuôi dưỡng giấc mơ học hành

on .

Những đồng tiền lẻ gây lúng túng trong giao dịch hằng ngày có thể tạo thành nguồn lực tài chính cho các em học trò nghèo. Bằng cách nào vậy?

Chương trình học bổng "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ đã bước sang năm thứ 15. Năm nay, câu chuyện về chàng trai trẻ Viết An qua bài báo "An, đi tiếp hay dừng lại?" (báo Tuổi Trẻ ngày 16-9) đã không chỉ khiến tôi rưng rưng mà còn suy nghĩ nhiều về một khuôn mặt chân chất, chịu thương chịu khó.

Sự chia sẻ, trong xu hướng mới với sự hỗ trợ của công nghệ sẽ tạo ra những tác động lớn lao không ngờ. Chúng ta luôn cần những mạnh thường quân hào phóng với số tiền đóng góp lớn, nhưng số đông những khoản đóng góp nhỏ nhiều khi lại có kết quả bất ngờ

Tôi tin hàng ngàn bạn trẻ nhận học bổng năm nay như An cũng vậy. Họ là những người trẻ có nghị lực phi thường, và hơn hết, họ có mong ước mãnh liệt để vượt khó vươn lên. 

Những người này, khi được tạo điều kiện, khả năng thành công rất cao và khi đó ảnh hưởng của họ trở lại với cộng đồng là rất lớn. Vì hơn ai hết, họ thấu hiểu giá trị của nhận và trao. 

Vì vậy, cần nhiều hơn nữa nguồn tài chính để hỗ trợ những bạn trẻ này. 

Rồi tôi nhớ đến một bài báo viết về chuyện tiền lẻ được thối bằng kẹo ở một số siêu thị khiến người mua hàng không thoải mái. 

Tiền đồng mệnh giá nhỏ hiện nay ít được lưu hành vì rất nhiều người không muốn cầm giữ, nhưng trong giao dịch mua bán thì phải phát sinh, nên cả bên bán và mua đều cảm thấy không thoải mái. 

Thế là tôi tự hỏi: liệu có thể áp dụng quy luật số lớn, tập hợp từ rất nhiều khoản tiền lẻ để hình thành một nguồn quỹ lớn cho các hoạt động xã hội?

Sau khi tìm hiểu trên Internet, tôi thấy mô hình micro-donation (là hình thức cho/tặng tiền lẻ, nhưng dựa trên số đông thì số tiền thu được sẽ không ít) với sự hỗ trợ của công nghệ đã được áp dụng ở nhiều nước như Mexico, Đức, Anh, Pháp. 

Tiêu biểu trong số này là sáng kiến Pennies ở Anh (http://pennies.org.uk/) và l'arrondi ở Pháp (https://www.larrondi.org/). 

Với Pennies, họ đã thu nhận được hơn 40 triệu khoản đóng góp với giá trị khoảng 10 triệu bảng Anh. Còn với l’arrondi, hơn 5 triệu euro đã được thu nhận, và riêng năm 2016 đã có hơn 3 triệu lượt đóng góp.

Việc đóng góp từ những khoản rất nhỏ, như tiền lẻ, có thể được thực hiện ở các quầy tính tiền trong các siêu thị, cửa hàng, nhà hàng. 

Ngoài ra, đóng góp có thể thông qua việc làm chẵn tiền lương hằng tháng. Ví dụ một người có tiền lương số lẻ đơn vị là trăm đồng, ngàn đồng, hay thậm chí nhiều hơn, có thể cho đi phần lẻ này. 

Bên cạnh đó, việc đóng góp còn có thể thực hiện qua việc làm tròn các hóa đơn dịch vụ như điện, điện thoại, Internet, dịch vụ truyền hình..., thậm chí có thể làm tròn số dư tài khoản ngân hàng hay khi mua hàng online.

Các hoạt động xã hội và thiện nguyện ở Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện mô hình micro-donation này, vì chúng ta không thiếu những người có tấm lòng, thời gian và kỹ năng.

TS VÕ ĐÌNH TRÍ (ĐH Kinh tế TP.HCM & IPAG Business School Paris)