NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Mì quảng Phan Thiết - món ăn gây ‘sốc văn hóa’

on .

TTO - Người dân ở Phan Thiết nói riêng và Bình Thuận nói chung chắc chắn không ai là không biết đến món mì quảng. Thế nhưng, không phải ai cũng biết mì quảng nào là mì quảng nào.

Sinh ra và lớn lên ở Phan Thiết, tốt nghiệp cấp 3 xong tôi khăn gói lên TP.HCM trọ học. Tôi còn nhớ trước khi mình vào Sài Gòn đã nghe nhiều anh chị "cảnh báo" rằng vào Sài Gòn nhớ đừng ăn mì quảng, vì "ăn không được đâu".

Đứa nhỏ gần 20 năm ăn mì quảng trong tôi khi ấy tự nhủ rằng quái lạ, món ngon như thế, ai ở Phan Thiết cũng thích, sao lại không cho ăn? Lúc ấy, tôi vẫn nghĩ mì quảng là một món mì có tên... quảng, tương tự như mì hoành thánh mà thôi.

Rồi cuộc sống xa nhà lên thành phố cũng chính thức bắt đầu. Do không biết nấu ăn nên ngày ba bữa tôi đều ăn hàng quán, nhờ vậy mà cũng thử được nhiều món ăn mới lạ mà ở quê chưa thấy bao giờ.

Cái ngày tôi biết đến món mì quảng "không ăn được" ở Sài Gòn cũng đến. Tô mì quảng trước mặt tôi là một tô mì… gì đó mà tôi không hề quen, nước lèo chỉ xăm xắp sợi bánh, sợi mì cũng to hơn sợi mì quảng ở quê, bên trên còn có cả tôm ram, gà kho, thịt heo, trứng cút…

Ủa, rồi cái góc tư đùi vịt của tôi đâu? Và tất nhiên là tô mì quảng đó cũng chả có vị gì giống như mì quảng ở quê tôi cả.

Mì quảng Phan Thiết - món ăn gây ‘sốc văn hóa’ - Ảnh 2.

Mì Quảng chỉ ăn với nước lèo chan xăm xắp - Ảnh: NGỌC ĐÔNG

 

Sau lần đó tôi mới biết món mà tôi ăn là mì Quảng, tức là món mì có xuất xứ từ Quảng Nam. Đây có lẽ cũng là món mì Quảng "quốc dân" mà cả đất nước Việt Nam này ai cũng sẽ hình dung ra khi nhắc đến mì Quảng, chứ không phải là món mì quảng ở Phan Thiết.

Sợi mì Quảng thường có màu trắng hoặc vàng, bản to, dẹt, nước lèo thơm lừng mùi củ nén đặc trưng, có phần nhân cơ bản là gà, tôm, thịt heo, trứng cút…, ăn kèm rau sống (thường là cải mầm) và bánh tráng nướng. Khi ăn chỉ chan nước lèo xăm xắp sợi bánh chứ không ngập.

Mì quảng Phan Thiết - món ăn gây ‘sốc văn hóa’ - Ảnh 3.

Mì Quảng có thịt heo, thịt gà, tôm, trứng cút... ăn kèm với bánh tráng - Ảnh: NGỌC ĐÔNG

Trong khi đó, mì quảng ở Phan Thiết thường được ăn với một trong hai loại sợi cơ bản là sợi mì vàng hoặc sợi bánh phở vuông nhỏ hơn, nước lèo được chan ngập mặt bánh. Nước lèo thường được tạo màu bằng hạt điều màu.

Đặc biệt, mì quảng ở Phan Thiết chỉ có hai loại thịt là thịt heo (thường là thịt nạc, cốt lết, giò, móng) và thịt vịt được hầm rất mềm. Món này cũng ăn kèm rau, giá sống, đậu phộng rang và không có bánh tráng.

Tôi không rõ mì quảng Phan Thiết có phải là phiên bản biến tấu của món mì Quảng quá đỗi nổi tiếng của người Quảng Nam hay không, nhưng do cách chế biến hoàn toàn khác nhau nên điểm khác biệt lớn nhất giữa hai loại mì này là hương vị. Mì quảng Phan Thiết cũng nhiều phần thiên ngọt do khẩu vị địa phương.

Mì quảng Phan Thiết - món ăn gây ‘sốc văn hóa’ - Ảnh 4.

Mì quảng Phan Thiết khác hẳn mì Quảng cả về phần nhìn lẫn phần vị - Ảnh: NGỌC ĐÔNG

Tính tôi không ngại thử ẩm thực các vùng miền, và rất chịu đón nhận những khác biệt trong ăn uống nên không mất quá lâu để tôi thêm món mì Quảng vào danh sách các món yêu thích của mình, bên cạnh mì quảng.

Tuy nhiên, không chỉ có người Phan Thiết khó đón nhận món mì Quảng, mà người ở nơi khác đến cũng "sốc văn hóa" khi ăn món mì quảng ở xứ biển này.

Có lần, một người bạn của tôi đáp chuyến xe từ Sài Gòn đến Phan Thiết khi trời đã khuya. Bước ra khỏi bến xe thấy hàng "mì quảng", anh chàng mừng thầm vì có món khoái khẩu ấm bụng giữa đêm. Nào ngờ đâu anh "đứng hình" luôn không thể ăn được vì tô mì đó không phải là tô mì Quảng trong hình dung của anh!

Mì quảng Phan Thiết - món ăn gây ‘sốc văn hóa’ - Ảnh 5.

Một tô mì quảng Phan Thiết cả heo lẫn vịt - Ảnh: NGỌC ĐÔNG

Khi nghe kể chuyện đó, tôi phá lên cười và mắng anh là "cái đồ không biết ăn", nhưng mà ngẫm lại, nếu ai đó bưng ra trước mặt tôi tô phở mà bảo đó là bánh canh rồi bắt mình ăn thì chắc tôi cũng không chấp nhận được. Thêm vào đó, nhiều người ở nơi khác đến cũng không quen với khẩu vị khá ngọt ở Phan Thiết.

Vậy nên nếu có dịp đến Phan Thiết, bạn nhất định nên thử qua món mì quảng để có cảm nhận riêng cho mình. Một "bí kíp" bỏ nhỏ nếu bạn là người không thích ăn ngọt thì nên ăn mì quảng Phan Thiết vào lúc gần cuối buổi, khi đó nước lèo gần cạn, sẽ "sắc" lại, có vị đậm đà và bớt ngọt hơn.

Và khi đã biết đến mì quảng Phan Thiết rồi, đừng vội nghĩ rằng bạn đã biết hết tất cả các loại mì quảng/Quảng ở đất nước này, hãy chuẩn bị tâm lý khi đến với một món mì quảng hoàn toàn khác nữa ở "xứ sở của nắng và gió" Phan Rang.

NHÃ XUÂN

Nguồn: https://tuoitre.vn/mi-quang-phan-thiet-mon-an-gay-soc-van-hoa-20220420194654112.htm