Mùa cá linh ven biên giới

on .

Dọc tuyến biên giới An Giang mùa lũ lên, người dân đầu nguồn chộn rộn thu hoạch cá linh, dù con nước năm nay không như kỳ vọng.

Đầu mùa lũ, ông năm Hải ở xã Vĩnh Hội Đông (An Phú) bỏ 350 triệu đồng để được trúng thầu luồng đáy, với hi vọng sẽ trúng nhiều cá. Tuy vậy, cả tháng nay, mỗi ngày, luồng đáy của ông chỉ “chạy” được khoảng 300kg (giảm 500-600kg so các năm trước).

Lũ thấp, cá rất ít

Năm Hải bí xị: “Hổm rày, những luồn đáy trên nước bạn Campuchia cũng “chạy” yếu. Theo đà con nước này, thì những người đặt đáy như tui sẽ lỗ nặng. Mỗi tháng, tiền thuê 8 nhân công hết 48 triệu, nhưng bán cá linh mỗi ngày chỉ có 3 triệu…”.

Những luồng đáy của bà con ở đầu nguồn đìu hiu

Vì nguồn cá ít, nên thương lái “bu” miệng đáy rất đông. Năm Hải tự an ủi: “Năm 2000 lũ lớn, bạn hàng mua như vầy chắc tui giàu to…”.

Cá linh dính chỉ đủ ăn cả nhà

“Nhớ lại mùa lũ năm đó, cá linh nhiều đến nỗi cho dân vùng biên cũng chẳng thèm ăn. Sụp tối, sợ cá chạy bể đáy, phải xả bỏ, còn cá chết thì vớt lên ủ mắm. Cá nhiều quá, không đủ lu, khạp đựng, tui còn đào hầm dùng bạt lót chứa làm phân bón. Còn bây giờ cá linh hiếm quá trời! Nghe đâu, đầu mùa ở Long Xuyên giá lên đến 150.000-200.000 đồng/kg, muốn bằng thịt bò…”, ông năm Hải nói.

Bà con vùng biên giới Tịnh Biên tranh thủ xúc cá bán tại các chợ lẻ

Dọc kênh Vĩnh Tế những ngày lũ thấp, dân nghèo vùng biên lại tham gia dỡ đú cá linh. Trong cây chuyện về cá mắm với người viết, ai cũng lắc đầu vì... cá quá ít.

Chỉ những luồng đáy nhất đầu nguồn chạy cá linh “rặt” mới thu hoạch được nhiều cá

“Hộ bám nghề ít dần. Nếu như những năm trước, có hàng trăm hộ đặt đú cá linh, thì năm nay phần lớn đã bỏ nghề, đi làm thuê ở các khu công nghiệp”. Với 6 luồng đú, trung bình mỗi ngày tui đổ đú, dính khoảng 10-15kg, đủ sống qua ngày”, ông tám Lới, ngư dân ở Vĩnh Tế cho biết.

Bạn hàng thu mua cá linh còn sống bán lẻ tại địa phương

Cá linh bị ngộp đáy chết trắng.

Cá chết được bạn hàng cân đem ủ mắm hoặc dùng làm mồi cho cá tra

Đã bước sang giữa tháng Tám âm lịch, con nước vẫn lên chậm, nên khi nhắc chuyện “mùa nước nổi, mùa làm ăn, mùa sinh lợi”, cư dân vùng sông nước biên giới ai nấy cũng cười buồn!

Theo L.M/ An Giang online

Nguồn: http://www.baomoi.com/Mua-ca-linh-ven-bien-gioi/c/17669760.epi