Phát triển di động băng rộng sắp lên bàn nghị sự

on .

Sáng ngày 26/5/2015, tại khách sạn Melia Hà Nội, Cục Tần số Vô tuyến điện và Hiệp hội thông tin di động thế giới (GSMA) sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Tương lai của di động băng rộng tại Việt Nam”.

Các chuyên gia viễn thông bàn chuyện phát triển di động băng rộng ở Việt Nam.

“Tương lai của di động băng rộng tại Việt Nam” là một chủ đề đang rất được quan tâm và cũng là một câu hỏi lớn được thảo luận tại nhiều diễn đàn trên thế giới.

Tham dự hội thảo có đại diện các đơn vị của Bộ TT&TT, Bộ Tư Lệnh Thông tin Liên lạc (Bộ Quốc phòng); Cục Thông tin liên lạc, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ I và Cục An ninh Thông tin và Truyền thông (Bộ Công an); Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ), cùng đại diện các doanh nghiệp viễn thông và các nhà cung cấp thiết bị viễn thông.

Bà Areewan Haorangsi, Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông châu Á Thái Bình Dương (APT) và bà Suvi Linden - Đặc phái viên Ủy ban Vô tuyến băng rộng của Liên hiệp Quốc sang tham dự và thuyết trình tại Hội thảo.

Hội thảo này là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục Tần số vô tuyến điện và Hiệp hội thông tin di động thế giới GSMA - một tổ chức quốc tế uy tín hàng đầu thế giới về thông tin di động. Việc hợp tác này nhằm trao đổi thông tin và triển khai các nghiên cứu chuyên sâu về băng rộng cho di động giúp tăng cường quản lý hiệu quả tài nguyên tần số đối với thông tin di động băng rộng.

Tại Hội thảo, kinh nghiệm của những chuyên gia tới từ các các cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực di động băng rộng như: Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông châu Á Thái Bình Dương (APT), chuyên gia của Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), GSMA, Telstra, Axiata, Ericsson, Huawei, Qualcomm, Alcatel Lucent …sẽ được chia sẻ và thảo luận đa chiều, trên nhiều phương diện của tương lai vô tuyến băng rộng tại Việt Nam. Đặc biệt, hội thảo sẽ tập trung trao đổi về khía cạnh đánh giá tác động kinh tế - xã hội của việc phân bổ tần số cho các dịch vụ di động băng rộng tại Việt Nam với các kịch bản, các chiến lược khác nhau chuyển đổi tần số từ lĩnh vực khác sang sử dụng cho IMT.

Những chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ giúp ích nhiều cho Việt Nam trong việc định hướng phát triển hạ tầng băng rộng trong tương lai, cũng như giúp chuẩn bị tốt hơn cho chương trình nghị sự về băng tần cho di động băng rộng sẽ được xem xét tại Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới (WRC-15) được tổ chức vào cuối năm nay.

 

Nguồn: http://www.baomoi.com/Phat-trien-di-dong-bang-rong-sap-len-ban-nghi-su/76/16690659.epi