Lương 'dàn hàng ngang mà tiến', sao giữ được thầy cô giỏi?

on .

Dạy giỏi và dạy bình thường cũng đồng lương như nhau thì người giỏi tìm cách ra đi tìm là điều tất yếu. Không chỉ vậy, họ cũng không bị "một đống dây nhợ" buộc vào người.

Nhiều ý kiến đã gửi đến Tuổi Trẻ Online bày tỏ quan điểm xung quanh câu chuyện nhiều giáo viên ở TP.HCM xin nghỉ trường công để chuyển sang trường tư. Xin giới thiệu đến bạn đọc một số ý kiến:

Để đào tạo, phấn đấu trở thành một giáo viên giỏi có ‘thương hiệu” không dễ gì một sớm một chiều có được mà phải trải qua sự khổ luyện, phấn đấu bền bỉ của người thầy. Nhưng việc “giữ chân”, phát huy tài năng giảng dạy đó trong nhà trường lại là bài toán không đơn giản.

 

Lương 'dàn hàng ngang mà tiến', sao giữ được thầy cô giỏi?

Một tiết học tiếng Anh của học sinh Trường tiểu học Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: H.HG.

 

Dạy giỏi và dạy bình thường cũng đồng lương như nhau, cũng cào bằng như nhau thì người giỏi tìm cách ra đi để “khẳng định mình”, tìm nơi "đất lành” là quy luật của xã hội.

Trường tư có sự đãi ngộ xứng đáng vì họ tự chủ hoàn toàn về thu chi. Bên cạnh đó, ở trường tư không có hàng chục cuộc thi “trên trời dưới biển”. Trường tư cũng không có họp hành liên miên (tổ chuyện môn, công đoàn, phụ nữ, ma túy, các phong trào…); bỏ phiếu bình chọn thi đua... - vốn là nỗi ám ảnh của giáo viên ở trường công.

Sự thoải mái về tinh thần giúp giáo viên qua trường tư cảm thấy đã được cởi bỏ nhiều thứ “dây nhợ” bấy lâu nay ràng buộc trên người. Mặc dù cường độ lao động ở trường tư cao nhưng họ vẫn vui vẻ chấp nhận vì “tiền nào của ấy”, không thể dạy qua loa mà được nhận thù lao đâu!

Trong khi hệ thống trường công vận hành ì ạch, chậm đổi mới tiền lương cho giáo viên thì hệ thống trường tư luôn năng động, nhanh nhạy, nắm bắt kịp thời những nhu cầu của giáo viên để có quyết sách thu hút, giữ chân giáo viên giỏi cho mình. Vì có giáo viên giỏi thì mới thu hút được học sinh vào học, đó cũng là quy luật cung - cầu trong nền kinh tế thị trường.

Điều đáng buồn ở đây là “chất xám”, là nguồn giáo viên giỏi của trường công bị “rút ruột” một cách… tự nguyện! Những động thái cứu vãn tình hình dù được đưa ra nhưng có lẽ do nhiều tầng nấc nên chưa giải quyết kịp thời. Theo tôi, nếu có chăng nữa thì cũng mang tính chất chắp vá, bị động chứ chưa có hướng đi bài bản, lâu dài, bền vững.

Quy luật của cuộc sống là vậy! Người giỏi phải được trọng dụng, trả lương xứng đáng cho sự lao động sáng tạo. Với đồng lương “ba cọc ba đồng”, đồng lương “dàn hàng ngang mà tiến” như hiện nay thì rất khó giữ chân được giáo viên giỏi trong trường công.

“Tiếng gọi trường tư” hấp dẫn bởi vì giáo viên được đối xử công bằng, được tôn trọng tiếng nói, được chia sẻ và giáo viên làm việc hết sức mình để “ghi điểm” trong con mắt của nhà trường, của phụ huynh và học sinh.

 * Nghề bác sĩ, nghề giáo viên là hai nghề ít được chú trọng nhất, và là hai nghề đang quá tải nhất. Bệnh viện công thì mỗi ngày một đông, người bệnh phải đến thiệt sớm để xếp hàng.

Sĩ số học sinh mỗi lớp ngày một tăng từ một lớp 40 em nay đã lên thành một lớp hơn 50 em. Trong khi đó, lương bác sĩ và giáo viên không đủ. Ai cũng phải cày thêm. Bác sĩ mở phòng mạch tư, giáo viên thì phải dạy thêm. 

Thiết nghĩ nếu đồng lương đủ sống thì không ai phải cực công đi cày thêm, hoặc phải nhảy việc như vậy.

(Bạn đọc Thanh Minh)

* Trường tư lương thỏa thuận, hưởng theo năng lực, còn trường công thì lương theo hệ số, 3 năm mới lên 1 lần, lương một tháng sau 10 năm vẫn chưa bằng trường tư năm đầu, chưa kể ai cũng như ai, bất phân năng lực.

Lương nhà giáo như thế thì sao thu hút được nhân tài, sao làm động lực cho người khác phấn đấu?

(Bạn đọc Văn Nhân)

* Có nhiều hình thức cạnh trạnh thì các loại trường công và tư mới phải thay đổi theo chiều hướng tốt hơn cho học sinh, thầy cô giáo, và nhân viên quản lý... Tôi ủng hộ cạnh tranh lành mạnh...

(Bạn đọc Le Nghia Huy)

Lam Hồng

Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20170817/luong-dan-hang-ngang-ma-tien-sao-giu-duoc-thay-co-gioi/1370557.html