Tranh cãi về camera ‘mắt thần’ của Trung Quốc vi phạm đời tư

on .

TTO - Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để kích hoạt hệ thống camera đám mây 500 megapixel, các nhà khoa học Trung Quốc đã tạo ra máy ảnh có thể chụp và xác định được chi tiết một khuôn mặt trong bức ảnh có hàng ngàn người.

Tranh cãi về camera ‘mắt thần’ của Trung Quốc vi phạm đời tư - Ảnh 1.

Hệ thống camera mới của Trung Quốc giống với các camera quan sát các thiên hà xa xôi trong không gian có đặc điểm "khoảng cách siêu xa" và "hình ảnh siêu nét" đã nhận được phản ứng trái chiều - Ảnh: Technocracy

 

Theo Thời báo Hoàn Cầu, camera ‘siêu điệp viên’ được các nhà khoa học thuộc Đại học Phúc Đán và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc phối hợp phát triển. Hệ thống camera có độ phân giải 500 magapixel, gấp năm lần độ phân giải 120 triệu pixel của mắt người, có thể chụp được những hình ảnh cực kỳ chi tiết.

Các nhà khoa học cho biết camera có thể chụp một bức hàng chục ngàn người trong sân vận động, với hình ảnh rõ nét của từng khuôn mặt.

Khi được tích hợp với AI nhận dạng khuôn mặt, hệ thống giám sát thời gian thực và công nghệ điện toán đám mây, camera này có thể phát hiện và nhận dạng khuôn mặt người hoặc các vật thể khác dựa trên dữ liệu lớn và ngay lập tức tìm thấy các mục tiêu cụ thể.

"Bên cạnh đó, nhờ hai con chip đặc biệt gắn bên trong, hệ thống camera còn có khả năng tạo ra các video có độ phân giải cực cao giống như hình ảnh chụp. Các video và hình ảnh này cũng có thể được tải lên một trung tâm dữ liệu đám mây để mọi người trên khắp thế giới có thể đăng nhập để lấy dữ liệu", ông Zeng Xiaoyang, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

Hầu hết các nhà khoa học và người dân Trung Quốc đều bày tỏ sự vui mừng và tin tưởng vào tính ứng dụng cao của phát minh mới này trong quân sự, quốc phòng và an ninh công cộng.

"Nếu cảnh sát bố trí hệ thống camera này ở trung tâm Thượng Hải và các thành phố lớn thì có thể giám sát việc di chuyển của đám đông trong thời gian thực và ngăn ngừa tai nạn hay các sự cố an ninh một cách nhanh chóng nhất", Zeng cho biết.

Giáo sư Li Daguang (Đại học Quốc phòng Trung Quốc) nhận định hệ thống này có thể ứng dụng trong một cơ quan giám sát tại các căn cứ quân sự, căn cứ phóng vệ tinh và biên giới quốc gia để ngăn chặn những đối tượng khả nghi xâm nhập bất hợp pháp hoặc thoát ra ngoài.

Tuy nhiên, một số người cũng bày tỏ lo ngại về an toàn cá nhân và quyền riêng tư dữ liệu.

 

Ông Wang Peiji, một bác sĩ tại Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, cho rằng hệ thống an ninh công cộng giám sát bình thường là đủ, không cần phải quá chi tiết. Trong khi đó, việc thiết lập lắp đặt lại một hệ thống mới rất tốn kém mà lợi ích lại không cao.

Hệ thống camera quá chi tiết cũng có thể vi phạm quyền riêng tư cá nhân.

Hiện nay, Trung Quốc có khoảng 170 triệu camera giám sát được lắp đặt khắp các cơ quan công cộng, đường phố. Điều này tương đương với cứ 12 người sẽ có một camera theo dõi.

Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã triển khai một công cụ giúp nhận dạng dáng đi, giúp ngăn chặn kẻ xấu bằng cách xác định chính xác một đối tượng ở khoảng cách 50m thông qua cách đi bộ, ngay cả khi quay lưng hoặc che mặt.

Bên cạnh camera "siêu điệp viên", Trung Quốc cũng đang nghiên cứu công nghệ khác để theo dõi giám sát công dân của mình. Hiện chưa rõ cơ quan nào đã đặt mua sản phẩm này.

MINH HẢI

Nguồn: https://congnghe.tuoitre.vn/tranh-cai-ve-camera-mat-than-cua-trung-quoc-vi-pham-doi-tu-20191007103455626.htm