Chuyển đổi số, doanh nghiệp phải sẵn sàng

on .

Chưa bao giờ Việt Nam thể hiện rõ sự quyết tâm thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mà cụ thể là công cuộc chuyển đổi số, mạnh mẽ như bây giờ. Cả hệ thống chính trị đều đã nhập cuộc.

Ngày 27-9, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký. Trên cơ sở nghị quyết này, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ cụ thể hóa thành những chương trình hành động, kế hoạch triển khai cho ngành, địa phương mình. Ngay sau đó, trong 2 ngày 2 và 3-10 tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương Đảng đã phối hợp cùng các bộ, ngành tổ chức Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghệ 4.0 với chủ đề "Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư".

 

Phát biểu tại buổi khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh Công nghệ 4.0 là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ mà nòng cốt là công nghệ số, làm thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, đời sống văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh; tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia. Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư", làm cơ sở để ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho biết thực tế, mức độ chủ động tham gia của nước ta còn thấp. Thể chế cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo chưa được hình thành đồng bộ...

Theo một khảo sát do Bộ Công Thương tiến hành năm 2018 về mức độ sẵn sàng cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, 81,3% doanh nghiệp (DN) Việt Nam chưa có chiến lược tiếp cận công nghệ 4.0. Trong bối cảnh chỉ có mức độ tiếp cận tương đối thấp ở tất cả trụ cột, DN đạt mức tiếp cận thấp nhất ở các trụ cột quan trọng nhất là chiến lược, tổ chức, sản phẩm thông minh.

Rào cản số của Việt Nam hiện nay trên con đường tiếp cận Công nghệ 4.0 chính là tình trạng chưa sẵn sàng. Nhiều DN phân bua rằng lâu nay, họ phải dồn hết tâm trí và tài nguyên cho cuộc cạnh tranh trên thị trường để tồn tại rồi mới phát triển. Chỉ các hoạt động truyền thống thôi cũng đã "ná thở, hại não". Chủ yếu họ chưa nghĩ tới Công nghệ 4.0 là do nhận thức của nhà lãnh đạo DN và nguồn lực của DN. Đó là lý do mà nhiều nhà chuyên môn cho rằng trong công cuộc chuyển đổi số gắn với Công nghệ 4.0, nhà nước phải thể hiện rõ vai trò chủ đạo.

Có lẽ điều mà cả DN lẫn các nhà chuyên môn thống nhất cao là việc nhà nước nên tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ và khuyến khích DN tiến hành chuyển đổi số sớm và thành công. Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra nhiều thứ mà DN đang chờ đợi. Vấn đề là nghị quyết này sẽ được thực thi cụ thể ra sao?