Giá xe Tết tăng vọt, nhiều sinh viên “khốn đốn”

on .

Tết Nguyên Đán là dịp các bạn sinh viên xa nhà về quê sum vầy cùng gia đình. Tuy nhiên, những ngày này giá xe đồng loạt tăng cao khiến nhiều sinh viên không khỏi lo lắng làm sao để kiếm được một tấm vé.

Giá xe “cắt cổ”

Từ ngày 20 tháng Chạp, giá vé tại một số bến xe trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu tăng. Càng về cận Tết, giá vé càng tăng do nhiều sinh viên các trường đại học bắt đầu rời Thủ đô để về quê ăn Tết. Tận dụng cơ hội kiếm lời, nhiều chủ xe đã đẩy giá vé lên mức "cắt cổ", tăng gấp 2, gấp 3 lần bất chấp việc đã có quy định đăng kí số phần trăm tăng giá cước.

Để bắt chẹt khách hàng, các nhà xe liên kết với nhau cùng tăng giá, đặc biệt là những chuyến xe xa về miền Trung.

Sinh viên về quê nghỉ Tết những ngày này rất đông

Hà Văn Tiến (chủ xe về Nam Định, Mỹ Đình) cho biết: “Cước xe tăng gấp đôi là bình thường. Khách về rất đông, hét giá thế nào người ta cũng phải đi. Ngày này thì khách cần xe chứ xe không cần khách”.

Chẳng hạn, bình thường giá xe về Nam Định khoảng 60.000 đồng đến 80.000 đồng. Mấy ngày này đã tăng lên 150.000 đồng đến 200.000 đồng. Hay tuyến Hà Nội – Kỳ Anh, tăng từ 200.000 đồng lên đến 400-500.000 đồng. Tuy giá vé tăng cao như thế nhưng vẫn nhét khách chật ních không còn một khoảng trống, khách được “nhồi” đầy cả lối đi.

Sinh viên gặp khó

Là một sinh viên xa nhà, bạn Thùy Linh (lớp Xã hội học, HV Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Mọi năm mình có đặt vé trước nên giá đỡ chát hơn. Năm nay đặt muộn quá nên hết vé nên đành ra bến xe có xe nào đi xe đó. Không ngờ giá đắt đến thế. Bình thường về Vinh, giá xe giường nằm tầm 200.000 đồng nhưng bây giờ giá đã tăng lên 500.000 đồng. May năm nay mình chi tiêu tiết kiệm nếu không thì chẳng đủ tiền về”.

Những người đi làm cũng bắt đầu nghỉ Tết. Sinh viên càng khó khăn hơn trong việc về quê nhưng các chủ xe ít quan tâm đến điều đó, họ chỉ quan tâm làm thế nào “moi” được càng nhiều tiền của khách càng tốt. Với rất nhiều sinh viên, mua vé tàu xe trong dịp Tết luôn là nỗi sợ hãi của họ. Năm nay cũng không phải ngoại lê, mặc dù đã chuẩn bị mua vé từ bây giờ, tham khảo nhiều trang web bán vé trực tuyến qua mạng, nhưng xem ra việc mua được một tấm vé ưng ý trong những ngày cao điểm không phải là điều dễ dàng.

Khách xếp hàng dài chờ lên xe

Bạn Hòa (sinh viên đại học Bách Khoa) lo lắng cho biết: “Mình ở tận Quảng Bình. Mọi năm với 500.000 đồng là có thể về nhà. Năm nay giá tăng cao quá. Mình phải gọi điện cho bố mẹ gửi thêm tiền mới đủ tiền về quê. Nhà xe họ “chặt chém” ghê quá mà chẳng ai quản lý cả”.

Nắm bắt được tình trạng khó khăn này, đã có nhiều chuyến xe nghĩa tình đồng hương phục vụ các bạn sinh viên, nhưng phải đặt vé trước. Tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội có nhiều chính sách hỗ trợ bán vé cho sinh viên nghèo. Các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp chủ động liên hệ với doanh nghiệp vận tải hành khách tổ chức bán vé cho học sinh, sinh viên tại trường hoặc tại ký túc xá. Giá tàu giai đoạn này cũng đỡ “chát” hơn so với giá xe khách nên cũng là lựa chọn của nhiều bạn trẻ.

Nguon: http://www.baomoi.com/Gia-xe-Tet-tang-vot-nhieu-sinh-vien-khon-don/59/15970252.epi