Sinh viên rộn ràng làm thêm dịp giáp Tết

on .

Đối với nhiều sinh viên, Tết là thời điểm của các công việc mùa vụ. Nhiều sinh viên mong muốn đi làm thêm để sắm Tết, mua quà cho gia đình đã chọn được những công việc bán thời gian phù hợp với mình như bán hàng, dọn dẹp nhà cửa, làm mứt Tết…

“Thời điểm vàng” của những công việc bán thời gian

Bạn Thu Trang (sinh viên Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) đã lựa chọn công việc bán bánh kẹo trong ngành giáp Tết: “Công việc bán bánh kẹo khá nhàn, nhưng tốn nhiều thời gian và chịu không ít áp lực. Mỗi ngày chủ hàng sẽ quy định mình phải bạn một lượng bánh kẹo nhất định. Vì mới làm nên mình khá lóng ngóng trong khâu bọc, gói giỏ quà cũng như tiếp thị khi có khách mua hàng.”

Còn Lan Hương (Sinh viên Cao đẳng Sư phạm Hà Nội) thì chọn công việc làm hoa giả bằng nhựa – một công việc tương đối mới dành cho những sinh viên, lao động muốn làm thêm tại nhà. “Mỗi bình hoa có giá từ 300 ngàn - 2 triệu đồng, trừ chi phí mua nguyên vật liệu thì mình lãi khoảng 50-200 ngàn 1 bình.”

“Khó khăn lớn nhất của mình là tìm khách hàng, hơn nữa, việc vận chuyển hàng đến các tỉnh xa nhiều lúc cũng khá bất tiện” Lan Hương tâm sự.
Còn với Bích Diệp ( Đại học sư phạm Hà Nội) thì mấy ngày này của cô nàng chỉ xoay quanh mấy việc “Đi học- làm mứt- đưa hàng”, hỏi ra mới biết, cô nàng và mẹ cùng làm mứt dừa handmade và bán mứt trên mạng : “Năm nay mình nhập thêm nguyên liệu để làm mứt dừa với nhiều hương vị mới, ngon và lạ như: vani atiso, sầu riêng, chanh leo, trà xanh, lá dứa…để thu hút khách hàng. Công việc ngày giáp Tết khá tất bật vì khách đặt hàng chủ yếu để biếu, tặng trước Tết.”

Lên mạng hoặc đến một số các cửa hàng trên phố, các bạn sinh viên có thể dễ dàng kiếm được những công việc bán thời gian vào dịp Tết này, khi nhu cầu mua sắm, sử dụng dịch vụ của người dân đang tăng dần lên theo từng ngày.

Cẩn trọng với những việc làm thời vụ

Tuy làm thêm để kiếm thêm thu nhập mang lại rất nhiều lợi ích cả về vật chất và tinh thần cho các bạn sinh viên. Tuy nhiên, nhiều bạn sinh viên đã quá ham mê đi làm thêm mà xao nhãng công việc học hành – vốn là việc quan trọng nhất của các bạn sinh viên.



Vài tuần trở lại đây, bạn bè trong lớp tò mò khi Bích Diệp thường xuyên nghỉ học, xin về sớm với lý do: “Bận làm mứt vì khách đặt hàng nhiều quá!” Sau 3 tuần làm việc và kinh doanh vất vả, cô nàng bơ phờ, mệt mỏi đi trông thấy, do “đêm nào cũng phải thức để trông nồi mứt” và đáng kể hơn là việc học lại 1 môn thi lại 3 môn do cô nàng không có thời gian ôn thi và nghỉ quá số buổi quy định.

Các cửa hàng thời trang, nhà hàng quán ăn, quán nước hiểu được tâm lý muốn tìm việc của sinh viên đều đồng loạt treo bảng “cần tuyển nhân viên bán hàng cận Tết” với mức lương khá thấp và không có phụ cấp ăn uống hay đi lại. Nhiều bạn sinh viên còn bị chủ ép giá, không thanh toán đủ tiền lương như đã thỏa thuận.

Thủy Anh (Sinh viên Đại học Công đoàn) nức nở kể lại: “Năm ngoái, mình từng đi làm nửa tháng tại một cửa hàng bán bánh kẹo Tết với giá 100 ngàn/ngày. Đến 29 Tết, mình xin nghỉ để về quê thì chủ hàng trừ 500 ngàn vì: “gói quà không đẹp nên bị khách hàng phàn nàn”. Mình cảm thấy ức chế lắm mà không làm gì được.

Nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm của sinh viên dịp cận Tết là chính đáng, thiết thực. Tuy nhiên, sinh viên nên cẩn trọng với những chiếc “bẫy” mà công việc làm thêm mang lại.