Ba chìa khóa phát triển

on .

Năm 2015, Việt Nam kỉ niệm 70 năm ngày độc lập. Nếu tính cuộc đời làm việc trung bình của mỗi người là 30 năm, thì Việt Nam đang ở giữa thế hệ thứ ba sau ngày độc lập. Cha ông ta nói, không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Hy vọng trong thế hệ thứ ba này, Việt Nam sẽ vươn lên chạm ngưỡng nước phát triển. Muốn vậy, những cánh cửa phát triển phải được mở ra. Vấn đề đặt ra: Đâu là chìa khóa, và ai đang nắm giữ những chìa khóa, để mở cánh cửa phát triển này?

Ba chia khoa phat trien

Năng lực lãnh đạo

Chìa khóa đầu tiên và phát huy tác dụng ngay tức thì, đó là năng lực lãnh đạo của những người cầm lái, ở bất cứ lĩnh vực và cấp độ nào. Năng lực lãnh đạo hiện đang không tương xứng với các đòi hỏi của phát triển. Các mô-típ lãnh đạo thời chiến hoặc nặng tính quan trường kiểu phong kiến đã lạc hậu, nhưng vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong thời bình, mà điển hình là sự áp đặt máy móc bởi những mệnh lệnh ‘hành là chính’, hoặc các chính sách trên giời, từ trên xuống dưới…

Để giải quyết rốt ráo bài toán năng lực lãnh đạo, không có cách nào khác là cải cách cơ chế bầu cử, bổ nhiệm công chức và trọng dụng người tài.

Câu chuyện năng lực lãnh đạo và trọng dụng người tài đã được nhiều người gióng lên suốt hàng chục năm qua nhưng không có chuyển biến gì đáng kể. Vậy những người thuộc thế hệ thứ ba, tức những người vẫn được coi là trẻ, lại không ở trong hệ thống, cũng không thuộc diện được ‘cơ cấu’, sẽ làm gì trong bối cảnh này?

Rất may là năng lực lãnh đạo ngày nay không còn chỉ bó hẹp trong lĩnh vực chính trị. Dù rằng, chính trị là lĩnh vực quan trọng nhất cần phải cải cách để tạo sự phát triển, nhưng các lĩnh vực khác cũng đang rất cần những tài năng lãnh đạo trẻ để thổi thêm luồng sinh khí mới và để được dẫn dắt. Đó có thể là trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, hoặc các hoạt động thuần túy dân sự v.v…

Trong sự liên thông mang tính bản chất, sự thay đổi tích cực trong đời sống dân sự sẽ có tác động trở lại với các hoạt động chính trị. Vì suy cho cùng, mục đích tối hậu của chính trị là để phục vụ người dân, giúp họ sống tốt hơn, làm việc hiệu quả hơn. Nếu không thì chính trị không thể tồn tại lâu dài.

Vậy nên, nếu bạn là thủ khoa mà thi trượt công chức thì cũng đừng lấy đó làm buồn. Sẽ đáng buồn hơn nếu bạn tìm cách yên phận ở trong hệ thống, thay vì bước ra ngoài để trở thành một lãnh đạo trẻ, tham gia vào việc dẫn dắt đời sống phát triển. Nhìn xa hơn thì chính các bạn sẽ là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của đất nước chứ không phải những công chức “sáng cắp ô đi tối cắp về”.

Có chìa khóa trong tay, nhưng có dám dùng nó để mở cánh cửa phát triển hay không thì lại đòi hỏi lòng quả cảm để vượt qua thói quen nương tựa đã trở thành cố hữu.

Đổi mới sáng tạo

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, một trong những nút thắt cổ chai phát triển của Việt Nam hiện thời là năng suất lao động quá thấp so với các nước phát triển. Cùng khoảng thời gian làm việc, cùng sức vóc mà một người của họ làm việc bằng hàng chục người của mình, thì làm sao ta có thể cạnh tranh với họ được? Giải pháp là đâu? Là thực sự đổi mới sáng tạo, vì đâu còn đường nào khác.

Không chỉ dừng ở sáng tạo công nghệ, lĩnh vực quản trị kinh tế - xã hội và ngay cả trong việc quản trị đời sống cá nhân cũng đang cần những đổi mới sáng tạo rốt ráo (trong cuộc chạy đua này, ai quản trị cá nhân tốt, ai biết rõ mục tiêu, ai sử dụng được thời gian hiệu quả, người đó sẽ chiến thắng).

Đó là những việc có thể làm ngay, và quan trọng hơn, lợi thế của việc thực hành đổi mới sáng tạo thuộc về thế hệ thứ ba, những người trẻ tuổi.Khi tiến hành đổi mới sáng tạo, cái giá phải trả chỉ là sự trì trệ bế tắc, ngắc ngoải lâm sàng, nhưng cái được là cả không gian phát triển mới. Vậy thì còn chần chừ gì nữa? Sao còn ngồi đó than vãn, thay vì đứng lên, cầm chiếc chìa khóa đổi mới sáng tạo này để mở ra những chân trời mới.

Phát triển giáo dục

Chiếc chìa khóa thứ ba, được nói đến nhiều nhất và cũng có tác động lâu dài nhất, là phát triển giáo dục. Vậy những người thuộc thế hệ thứ ba này có thể làm được gì trong một môi trường giáo dục nhằm đào tạo con người công cụ nặng tính áp đặt? Câu trả lời là rất nhiều, thậm chí không giới hạn.

Sự phát triển công nghệ, đặc biệt là của giáo dục số, đã gỡ bỏ hầu hết các rào cản giáo dục mà thế hệ trước phải gánh chịu. Giờ đây, nếu muốn thì bất cứ ai cũng có thể tự bù đắp những khiếm khuyết của hệ thống giáo dục hiện thời, thông qua tiếp cận các chương trình giáo dục trực tuyến toàn cầu của các đại học danh tiếng trên thế giới.

Như thế, thay vì trông chờ một sự thay đổi được ban phát không biết bao giờ mới tới, những người thuộc thế hệ thứ ba hoàn toàn có thể tự thân khai sáng, tự kiến tạo sự thay đổi theo cách của riêng mình. Đến đây, những chìa khóa phát triển đã hiện ra trước mắt. Và chính thế hệ thứ ba này, trong đó có bạn và tôi, là người đang nắm giữ những chiếc chìa khóa của phát triển.Vấn đề là có đủ muốn để đứng lên và mở những cánh cửa phát triển hay không mà thôi.

Singapore chỉ cần một thế hệ để vươn lên từ một làng chài nghèo thành quốc gia ‘hạng nhất’; Hàn Quốc cũng chỉ cần chưa đầy hai thế hệ sau cuộc chiến tàn khốc để vươn lên từ nước đói nghèo thành nước phát triển.


Nguồn: http://www.baomoi.com/Ba-chia-khoa-phat-trien/122/16014546.epi