Công nghệ trí tuệ nhân tạo Qualcomm Zeroth: nhận diện đối tượng, gương mặt, chữ viết tay

on .

Zeroth là nền tảng điện toán có khả năng tự nhận thức mà Qualcomm đã mất nhiều năm nghiên cứu. Nó có khả năng mô phỏng hoạt động của não người và hệ thần kinh, nhờ vậy các thiết bị có thể phần nào sở hữu tri thức giống như con người. Nói cách khác, Zeroth là một công nghệ trí tuệ nhân tạo được gói gọn trong con chip Snadragon 810 hoặc 820, chính vì thế mọi thao tác nhận diện đều có thực hiện trực tiếp trên thiết bị di động chứ không cần đưa dữ liệu lên máy chủ xử lý như nhiều công nghệ tương tự. Tính năng và ứng dụng của Zeroth thì có khá nhiều, nhưng ở MWC 2015 thì Qualcomm trình diễn ba tính năng chính là nhận diện cảnh vật/đối tượng, nhận diện gương mặt và nhận chữ viết tay.

 

Ở phần trình diễn nhận dạng cảnh vật, Qualcomm chuẩn bị một vài tấm ảnh chụp các chủ thể khác nhau, ví dụ như chụp mèo, chụp kiến trúc, phong cảnh, hoa lá, xe hơi... Một chiếc tablet mẫu sẽ được đặt ra, bên trong là chip Snapdragon 810 (hoặc 820). Nó sử dụng camera để nhận diện bức ảnh để rồi hiển thị lên thông tin trong bức ảnh đó có gì. Ví dụ, khi quét bức ảnh chụp các chú mèo thì máy sẽ hiện chữ "thú vật", "mèo", "không có người". Một lát sau khi đã xử lý thêm nhiều thông tin hơn thì Zeroth thậm chí còn đổi thứ tự ưu tiên của chữ, cụ thể là đưa chữ "mèo" lên trước cả chữ "thú vật".

Tương tự như vậy, khi mình đưa cổ tay của mình vào và có đeo đồng hồ trên đó (lưu ý là hàng thật, không chỉ là ảnh chụp), Zeroth biết các chủ thể có trong khung cảnh hiện là "bàn tay", "đồng hồ". Để làm được điều đó Qualcomm đã chuẩn bị sẵn rất nhiều các chi tiết mẫu của nhiều sự vật trong thế giới xung quanh ta, dựa vào các mẫu này Zeroth sẽ học hỏi bằng các kĩ thuật các nhau (machine learning) để thiết lập nên tri thức. Quá trình này cũng giống với cách não người hoạt động khi chúng ta học hỏi một thứ gì đó mới: đầu tiên là xem vật mẫu, học hỏi, sau đó mỗi khi thấy vật tương tự thì chúng ta vẫn nhận biết được đó là gì.



Phần trình diễn thứ hai thì liên quan đến việc nhận dạng gương mặt. Tính năng này không quá mới nhưng Zeroth thực hiện nó bằng cách học hỏi gương mặt của từng người và biết đó là ai, tương tự như cách mà con người nhớ mặt người khác chứ không chỉ dựa vào hình thái cố định.



Phần thứ ba là nhận dạng chữ viết tay với cách hoạt động gần giống phần đầu tiên, đó là Zeroth cũng học hỏi nét nào là chữ gì, để khi có ai đó viết tay với các kiểu nghiêng ngả khác nhau thì Zeroth vẫn biết được. Nó gần giống với kĩ thuật OCR hiện tại (Optical character recognition), tuy nhiên OCR thì khó áp dụng với chữ viết tay, nó chỉ nhận chính xác chữ đánh từ máy tính ra rồi chuyển thể thành văn bản mà thôi.


Hãy nhìn vào chữ trên màn hình, nó là văn bản đã qua nhận biết của tờ giấy viết tay đặt bên dưới. 

Hiện tại chúng ta chưa có các thông tin đầy đủ hơn về Snapdragon 820 , chỉ biết là nó sẽ sử dụng nhân được Qualcomm thiết kế lại là nhân Kryo thay vì Cortex-A57 như Snapdragon 810 hiện tại và chế tạo trên tiến trình tiên tiến hơn để tiết kiệm năng lượng. Snapdragon 820 sẽ có các phiên bản mẫu để gửi đến các nhà sản xuất vào cuối năm nay, tức bạn phải đợi hơn một năm nữa mới thấy nó xuất hiện trên thị trường. Và kể cả khi bạn mua một máy dùng SnapDragon 820 thì chưa chắc nó đã có thể tự "suy nghĩ", khả năng này còn phụ thuộc và nhà sản xuất nữa. Qualcomm chỉ nhấn mạnh rằng chip Snapdragon 810 và 820 đủ sức mạnh để thực hiện các tác vụ xử lý trí tuệ nhân tạo.

Nguồn: http://www.baomoi.com/MWC-2015-Cong-nghe-tri-tue-nhan-tao-Qualcomm-Zeroth-nhan-dien-doi-tuong-guong-mat-chu-viet-tay/136/16078150.epi