Tin nhắn rác: Phạt như… gãi ngứa!

on .

Chỉ thị 82/CT BTTTT được kỳ vọng sẽ ngăn chặn triệt để tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo nhưng sau 3 tháng triển khai, điện thoại di động của người dùng vẫn liên tục bị “dội bom” dù hàng loạt doanh nghiệp đã bị xử phạt

Mới đây, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã có quyết định phạt 6 doanh nghiệp (DN) 265 triệu đồng do phát tán tin nhắn rác. Tuy nhiên, diễn biến trong thời gian qua, nhất là sau khi Chỉ thị 82/CT được Bộ TT-TT ban hành, cho thấy chuyện phạt tiền không ăn thua.

Như “bắt cóc bỏ dĩa”

Theo Cục An toàn thông tin Bộ TT-TT, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, có tổng cộng 28.000 số thuê bao điện thoại đã bị các DN viễn thông chặn do phát tán tin nhắn rác. Đại diện Vinaphone cho hay năm 2014, nhà mạng này đã khóa gần 700.000 đầu số sim rác và 78 tổng đài dịch vụ vi phạm.

Anh Lê Minh Hùng - ngụ quận Gò Vấp, TP HCM - cho biết: “Trước Tết, tôi thấy tin nhắn rác có giảm và rất mừng. Tuy nhiên gần đây, tin nhắn rác lại liên tục “dội bom”. Có ngày tôi nhận đến 10 tin nhắn rác với đủ các nội dung như quảng cáo bán nhà đất, căn hộ, sim số… Không hiểu sao các DN lại có được số điện thoại di động của tôi để gửi tin nhắn rác liên tục như thế”.

Tin nhắn rác vẫn tiếp tục tràn ngập trên điện thoại di động của người tiêu dùng dù đã có nhiều giải pháp xử lý

 

Trong khi đó, theo Sở TT-TT TP HCM, trong quý I/2015, số lượng tin nhắn rác quảng cáo, lừa đảo trên địa bàn nhìn chung có giảm. Tuy nhiên, việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật, chính sách quản lý thông tin thuê bao di động chưa thống nhất giữa các nhà mạng đã dẫn đến tin nhắn rác vẫn phát tán. “Tin nhắn rác cứ như đùa giỡn với người dùng và cơ quan quản lý bởi khi xử lý mạnh tay thì có giảm nhưng nếu bớt kiểm soát thì lại bùng lên. Việc phạt tiền các DN, cá nhân phát tán tin nhắn rác như bắt cóc bỏ dĩa” - một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhận xét.

Báo cáo tổng kết năm 2014 và dự báo xu hướng năm 2015 của Công ty An ninh mạng Bkav công bố mới đây cho thấy năm 2014, có đến 90% người dùng thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền, trong đó 43% là nạn nhân của tin rác hằng ngày, gần gấp đôi năm 2013. Theo Bkav, ước tính số tiền thiệt hại do mã độc gửi tin nhắn đến đầu số thu phí lên tới 3,9 tỉ đồng/ngày.

Trước vấn nạn gây bức xúc người dùng này, ngày 24-12-2014, Bộ TT-TT đã ban hành Chỉ thị số 82/CT-BTTTT về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng. Nhiều giải pháp quản lý, chế tài đã nêu ra trong chỉ thị này được kỳ vọng sẽ là “đòn chí tử” đánh vào tin nhắn rác. Thế nhưng, 3 tháng trôi qua sau khi chỉ thị này ban hành, tin nhắc rác vẫn “dội bom”.

“Hiện nay, chi phí cho việc sử dụng dịch vụ qua tin nhắn quảng cáo hợp pháp rất cao, khoảng 600 đồng/tin. Trong khi đó, chi phí cho việc gửi tin nhắn rác chỉ khoảng 250 đồng/tin, khi có khuyến mãi từ nhà mạng thì thậm chí giảm chỉ còn 100-150 đồng. Vì chênh lệch giá như vậy nên các DN, cá nhân có nhu cầu quảng cáo thay vì sử dụng các kênh hợp pháp của nhà mạng sẽ chọn hình thức dùng sim rác. Bên cạnh đó, với dân số 90 triệu người nhưng có trên 130 triệu thuê bao, rõ ràng thuê bao ảo, sim rác đến nay vẫn còn quá lớn. Chính các thuê bao ảo này là nguồn phát tán tin nhắn rác chủ yếu hiện nay” - đại diện Cục Viễn thông Bộ TT-TT lý giải.

Cần quy rõ trách nhiệm của nhà mạng

Các chuyên gia công nghệ cho rằng nguyên nhân tin nhắn rác vẫn hoành hành như hiện nay là do chúng ta đã không có giải pháp quản lý, ngăn chặn hiệu quả, cụ thể là với thuê bao trả trước và sim rác. Bên cạnh đó là vấn đề lợi ích và trách nhiệm của nhà mạng. Các nhà mạng đã thiếu trách nhiệm với người dùng và cũng không bị xử lý trong vấn nạn tin nhắn rác.

Các chuyên gia cho rằng nếu cơ quan quản lý không quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của nhà mạng thì sẽ không thể ngăn chặn triệt để tin nhắn rác bởi nhà mạng mới là người chặn trực tiếp, cũng chính là gốc rễ của vấn đề tin nhắn rác. “Việc xây dựng một hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn tin nhắn rác là hoàn toàn có thể làm được song vấn đề đặt ra là tin nhắn rác đang mang lại nguồn lợi “khủng” cho các nhà mạng. Do vậy, chỉ khi nào nhà mạng thực sự dám hy sinh nguồn lợi trước mắt và vì quyền lợi của người sử dụng thì khi đó mới mong tin nhắn rác hết đất sống” - một chuyên gia thẳng thắn.

Tại TP HCM, nơi được chọn để thí điểm thực hiện Chỉ thị 82, cuối tháng 1-2015, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT-TT, đã yêu cầu các đơn vị chức năng phải mạnh tay với tin nhắn rác. Tiếp đó, ngày 6-2, Sở TT-TT TP Hà Nội cũng đã buộc các DN viễn thông quản lý tổng đài cung cấp dịch vụ nội dung, DN cung cấp dịch vụ thông tin di động… phải cam kết nhằm “trói” trách nhiệm của các đơn vị này trong việc xử lý, ngăn chặn tin nhắn rác.

Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 27-3, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP HCM, cho biết tin nhắn rác xuất phát từ các sim trả trước không được quản lý đúng quy định. Để giải quyết tận gốc tình trạng phát tán tin nhắn rác, đại diện Sở TT-TT TP cho rằng phải tập trung thực hiện cho bằng được việc quản lý thuê bao di động trả trước. Đồng thời, các nhà mạng phải cương quyết xử lý những trường hợp phát tán tin nhắn rác, áp dụng các giải pháp kỹ thuật để chặn triệt để tin nhắn rác. Sở sẽ phối hợp với các quận, huyện để kiểm soát chặt việc đăng ký thuê bao di động trả trước.

Cần xử lý những đối tượng lợi dụng

Ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, Giám đốc Công ty Emerald Digital Marketing, cho rằng nguyên nhân chủ yếu của tình trạng tin nhắn rác ở Việt Nam hiện nay là do các cá nhân, DN đã lợi dụng công cụ quảng bá qua tin nhắn. Nhiều DN đã cung cấp các tin nhắn quảng bá sản phẩm, dịch vụ một cách bừa bãi với số lượng lớn đến người tiêu dùng mà hoàn toàn không quan tâm đến việc người dùng có đồng ý hay không. Do đó, để ngăn chặn tin nhắn rác thì cần xử lý triệt để những đối tượng này.

Bài và ảnh: CHÁNH TRUNG

Nguồn: http://www.baomoi.com/Tin-nhan-rac-Phat-nhu-gai-ngua/76/16290846.epi