Học và 'hành' ông Miura
Các nhà làm đang rất sung sướng với chiến tích của HLV vừa giúp các học trò vào vòng chung kết U.23 châu Á rồi tính xa cho những mục tiêu khác mà quên đi mình đang có gì và cần gì...
Bóng đá Việt Nam học ông Miura rất nhiều... - Ảnh: Bạch Dương
Sau 3 trận vòng bảng U.23 châu Á với 2 trận thắng, 1 thua, đội tuyển U.23 Việt Nam đã trở thành 5/10 đội nhì bảng có thành tích tốt giành vé đến Qatar. Một giải đấu cam go bởi trận ra quân cũng là trận quyết định gặp chủ nhà U.23 Malaysia, thầy trò ông Miura đã thắng 2-1. Hai trận còn lại (thua U.23 Nhật Bản 0-2 và thắng U.23 Macau) chẳng khác gì thủ tục vì nó đều không nằm ngoài dự đoán của ông Miura.
Trận thắng U.23 Malaysia phần nào đã rửa mối hận cách đây 4 tháng, chính ông Miura từng là bại tướng của người Mã khi gục ngã trên thánh địa Mỹ Đình ở bán kết lượt về AFF Cup 2014.
Chiến thắng ấy có thể chưa oanh liệt như thời cha ông Tam Lang từng vô địch Merdeka Cup (giải đấu mừng quốc khánh Malaysia) năm 1966 và 42 năm sau, ông Mai Đức Chung cùng lứa U.22 Việt Nam tái lặp chiến tích nhưng vẫn mở ra một trang sử mới cho thầy trò ông Miura vào chơi ở một vòng chung kết U.23 châu Á.
Vẫn còn nhiều tranh cãi về đội tuyển U.23 của ông Miura không có kiểu đá kỹ thuật đẹp mắt như lứa U.19 năm ngoái làm mưa làm gió ở các giải đấu quốc tế dẫu còn nửa đội hình từng thọ giáo thầy Guillaume.
Thế nhưng cái cách ông thầy người Nhật tính toán cho mỗi trận với việc bày binh bố trận lúc cương lúc nhu để đạt mục đích cuối cùng lấy vé vòng chung kết thì không phải ai cũng làm được.
Người ta luôn trầm trồ về lối chơi lãng mạn và quyến rũ của U.19 Việt Nam dưới thời ông Guillaume đồng thời khó quên tính thực dụng của HLV Miura chơi giải nào thì để lại dấu ấn ở giải nấy.
Nhớ hồi năm ngoái, khi người hâm mộ lẫn người trong cuộc VFF không mấy tin tưởng vào đội Olympic thì ông Miura lặng lẽ dẫn dắt học trò lọt vào tốp 16 đội mạnh nhất ASIAD làm ngỡ ngàng mọi giới. Thậm chí, đội tuyển quốc gia bị loại ở bán kết AFF Cup nhưng HLV Miura không vì thế bị “ném đá” như cái cách nhiều người thích làm sau mỗi thất bại.
Rõ ràng bóng đá Việt Nam đang học hỏi chuyên gia người Nhật rất nhiều từ những chiến dịch mùa vụ trong thời gian có khi rất ngắn.
Dễ thấy nhất là tính kiên nhẫn và tinh thần trách nhiệm của ông Miura từ việc nhồi thể lực cho cầu thủ lẽ ra phải có nền tảng từ CLB cho đến cái cách cầm tay chỉ việc cơ bản về kỹ thuật lẫn kỹ, chiến thuật.
Một số dấu ấn của ông Miura qua các giải đấu đã khiến VFF mừng như bắt được vàng sau cả chục đời thầy ngoại mới thấy trường phái Nhật có vẻ phù hợp với bóng đá Việt Nam.
Cho nên sau ASIAD, AFF Cup, vòng loại U.23 châu Á, ông Miura lại xoay tít mù với mục tiêu chung kết SEA Games 28 song song với giám sát vòng loại World Cup 2018 cho hai đội tuyển khác nhau có chung một giáo án.
HLV Miura đã chứng minh mình không phải là “hàng dỏm” với nhiều bài học thực tế sinh động mà học trò lẫn các nhà làm bóng đá Việt Nam đều gật gù tấm tắc khen hay.
Cái chính là người ta tiếp thu và thực hành ra sao bài học của Miura sau những giải đấu hay đến hẹn lại lên, ông thầy Nhật lại tiếp tục giáo án là các bài nhồi thể lực và dạy lại vỡ lòng kỹ, chiến thuật.
Bóng đá Việt Nam học ông Miura rất nhiều nhưng tiếc là vẫn “hành” ông rất giỏi để điểm trang cho bộ mặt các đội tuyển mà không phải xây nhà từ móng bắt đầu từ nền tảng CLB
Nguồn : http://www.baomoi.com/Hoc-va-hanh-ong-Miura/87/16317883.epi