Đại học chuẩn quốc gia giải quyết được gì?

on .

Đọc kỹ 10 tiêu chuẩn để một đại học (ĐH) có thể đạt chuẩn quốc gia trong bản dự thảo thông tư lần 3 của Bộ Giáo dục – Đào tạo quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục ĐH, có thể thấy phía sau đó là mong muốn “nâng tầm quy chuẩn” ĐH. Nhưng liệu chuẩn quốc gia có giải quyết được hết các vấn đề cốt lõi của ĐH ở Việt Nam để tương thích, đáp ứng được nhu cầu của xã hội?

Những giá trị để ĐH được độc lập và thúc đẩy kết nối với bên ngoài theo cơ chế thị trường là điều mà ĐH tại Việt Nam đang thiếu. Ành chụp tại một giảng đường ĐH Kinh Tế TP.HCM.

10 tiêu chí tập trung vào: sứ mạng mục tiêu, cơ chế tổ chức quản lý, sự đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đào tạo – nghiên cứu, hoạt động khoa học công nghệ, tài chính, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục, kết quả xếp hạng và sự hài lòng của sinh viên, nơi sử dụng nguồn lao động do nhà trường đào tạo.

Đáng chú ý nhất trong dự thảo lần này đó là mức độ hài lòng của sinh viên và nhà tuyển dụng. Có thể thấy, vấn đề đầu ra của ĐH đang được chú trọng. Theo đó, một trường ĐH đạt chuẩn quốc gia bắt buộc phải có ít nhất 75% sinh viên, cựu sinh viên hài lòng về chương trình đào tạo, nghiên cứu (với số mẫu phiếu nghiên cứu phải bằng số sinh viên của một khóa đào tạo) và có ít nhất 80% nơi sử dụng lao động do nhà trường đào tạo hài lòng về chất lượng sinh viên tốt nghiệp (với mẫu ý kiến tối thiểu là 200).

Như vậy, nếu dự thảo này đi vào thực tế thì sẽ có thêm lý do các trường đặt mình vào vào trong áp lực của nhu cầu thực tế đời sống; gắn kết chương trình đào tạo với những mục tiêu cụ thể mà người học (với tư cách khách hàng) và xã hội (người sử dụng nhân lực do ĐH đào tạo) mong muốn.

Nhưng khi nhìn lại phần “sứ mạng mục tiêu” (tiêu chuẩn 1) của dự thảo này, sẽ thấy được mô tả khá máy móc hành chính. Cụ thể, có hai điểm: "1/ Sứ mạng và mục tiêu được xác định rõ ràng, phù hợp với quy định phân tầng các cơ sở giáo dục đại học; 2/ Kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và chiến lược phát triển dài hạn phù hợp với sứ mạng và mục tiêu đã công bố, được rà soát thường xuyên và được cơ quan quản lý trực tiếp thông qua".

Việc phân tầng ĐH mang tính cục bộ quốc gia liệu có cần thiết hay không trong bối cảnh giáo dục ĐH theo hướng toàn cầu hóa hiện nay? Những vấn đề như “tầm nhìn, sứ mạng và mục tiêu” bao giờ cũng được hầu hết các trường nêu ra rất “kêu” để chiêu sinh, những cụm từ như “nguồn nhân lực phát triển hội nhập”, “mục tiêu phát triển đất nước”, “nghiên cứu chuyển giao các thành tựu” quá sức phổ biến… nhưng trên thực tế, nhiều chuyên gia từ những hội thảo về giáo dục ĐH quy mô gần đây đã chỉ ra vướng mắc duy nhất để những khẩu hiệu rất “kêu” đó trở nên không tưởng, đó là không gian đào tạo và nghiên cứu thiếu sự tự trị học thuật và cơ chế trao đổi tự do về nguồn nhân lực đào tạo, nghiên cứu với bên ngoài, cơ chế tự chủ tài chính chưa đảm bảo hoàn toàn. Và những điều này, sâu xa, xuất phát từ bản chất triết lý giáo dục bất ổn nhưng khó tháo gỡ.

Chừng nào những vấn đề trên chưa giải quyết được thì việc tự tạo ra những chuẩn quốc gia có thể một lần nữa đặt ĐH Việt Nam vào trong thế tự khoanh vùng tiêu chuẩn, tự “phân tầng” thành tích với nhau và xa lạ với các giá trị của ĐH tiến bộ trên thế giới (mặc dù trong 10 tiêu chuẩn trên thì có quy định ít nhất 20% các chương trình đào tạo được kiểm định bởi một tổ chức kiểm định của Việt Nam hoặc một tổ chức kiểm định quốc tế được Bộ Giáo dục Đào tạo công nhận, nhưng chương trình đào tạo chỉ là một phần rất nhỏ trong sự thay đổi nền tảng chung).

Thực tế đã cho thấy rằng, mọi thành tích thi đua xếp hạng, người ta đều có thể dễ dàng hợp thức hóa cách này hay cách khác để đạt được.Câu trả lời cuối cùng vẫn là sự tháo gỡ tự do cho một môi trường học thuật, nghiên cứu ở ĐH. Cần trở lại trả lời cho được câu hỏi về giá trị căn bản và cốt lõi mà môi trường giáo dục ĐH phải có: sự tự trị ĐH thì mới mong có những thay đổi tích cực cho ĐH Việt Nam.

 

Nguyễn Vinh

Nguồn: http://www.baomoi.com/Dai-hoc-chuan-quoc-gia-giai-quyet-duoc-gi/59/16348425.epi