Giáo dục đại học chưa phải là “máy cái” tạo ra “nguồn nhân lực chất lượng cao”

on .

GS Đặng Văn Soa: “Hệ thống các trường đại học phát triển rất nhanh, nhưng thực sự chưa mạnh về nội lực, chưa phải là “máy cái” đủ sức tạo ra “nguồn nhân lực chất lượng cao”, đáp ứng cho sự phát triển mọi mặt của đất nước và nhu cầu xã hội, nhất là chưa thể hội nhập sâu vào thị trường lao động quốc tế”. 

 

GSĐặng Văn Soa giảng bài tại ĐH Hoàng giaThái Lan
GS Đặng Văn Soa giảng bài tại ĐH Hoàng gia Thái Lan.

Hành trình nghiên cứu và sự thành công 

GS-TS Đặng Văn Soa sinh năm 1962 tại xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang trong một gia đình nghèo, có truyền thống nhiều đời làm nhà giáo. Tốt nghiệp cấp III đỗ đầu với tấm bằng giỏi, anh lựa chọn và thi đỗ vào trường Đại học Tổng hợp khoa Vật lí.

 

Năm 1983 tốt nghiệp đại học, Đặng Văn Soa trở thành giảng viên trường đại học. Ông đi sâu vào nghiên cứu khoa học về chuyên ngành Lý thuyết trường và Hạt cơ bản, đây là lĩnh vực nghiên cứu rất khó, nhất là trong điều kiện của Việt Nam. 

Đầu năm 1996, ông bảo vệ xuất sắc luận án Phó tiến sĩ “Sự chuyển hóa của Photon thành các hạt nhẹ trong trường điện từ ngoài”. Những kết quả khoa học của luận án được đăng trên những tạp chí quốc tế có uy tín rất cao như Phys.Lett.B, Phys. Lett.A, Mod.Phys.Let. A,..

Ông kiên trì theo đuổi con đường nghiên cứu, tập chung vào các đề tài có tính thời sự của khoa học quốc tế nhưng rất “gai góc” như : Sóng hấp dẫn, Mô hình chuẩn mở rộng (Lý thuyết thống nhất tương tác), Vi phạm CP mạnh- Vật lí Axion,Vật lí Neutrino, Vật lí Hisggs và gần đây là Vật chất tối và Năng lượng tối, nghiên cứu về không gian mở rộng thêm chiều. 

Ông vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu cơ bản cấp Quốc gia (Nafosted ) giai đoạn 2013-2015, mang tên: “ Hiện tượng luận của hạt vô hướng trong các mô hình thống nhất ”. Kết quả của đề tài là 6 bài báo quốc tế với 4 bài báo trong hệ thống ISI, trong đó có 2 bài đăng trên tạp chí khoa học hàng đầu của Mỹ là Phys.Rev D ( một bài đã qua phản biện). 

Được sự giúp đỡ của bạn bè trong nước và quốc tế, bằng niềm đam mê, sự nỗ lực phi thường của bản thân, nghiêm túc và sáng tạo trong nghiên cứu, ở lĩnh vực nào ông cũng thu được những kết quả khoa học có giá trị, được đồng nghiệp trong nước và quốc tế đánh giá cao, được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín hàng đầu trên thế giới như: Phys.Rev. D,. Phys.Lett.B, Nucl.Phys, Eur.Phys.C, JHEP…với độ trích dẫn quốc tế cao. 

Từ những kết quả nghiên cứu, nhà khoa học đã tham gia tích cực các Hội thảo Khoa học quốc tế, từ đây một chân trời khoa học rộng mở. Đặng Văn Soa được giới khoa học quốc tế quan tâm và liên tục nhận được nhiều học bổng nghiên cứu ở nước ngoài, được các Trung tâm khoa học có uy tín và các trường Đại học danh tiếng trên thế giới như Trung tâm Vật lý quốc tế ICTP, Trường khoa học quốc tế SISA (Italy), Viện nghiên cứu hạt nhân Châu Âu CERN( Thụy sĩ). Viện Năng lượng cao KEK, Viện Yukawa, các trường Đại học Kyoto, Tokyo, Chuo, Aichi, Kobe (Nhật Bản), Đai học Hoàng gia Thái Lan, Đại học NCU (Đài Loan)… mời cộng tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy. 

Ông đã tham gia và báo cáo khoa học ở nhiều Hội thảo khoa học quốc tế. Năm 2009 ông là trưởng Ban tổ chức của Hội thảo quốc tế “Vật lí vị” tổ chức tại tại Việt Nam có hơn 60 đoàn khoa học quốc tế tham dự. 

Tích cực tham gia giảng dạy và nghiên cứu, ông còn hướng dẫn hàng chục NCS bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với chất lượng cao. Bằng mối quan hệ quốc tế rộng rãi, ông giới thiệu nhiều sinh viên trẻ xuất sắc của Việt Nam, đến các trung tâm khoa học lớn trên thế giới để đạo tạo đại học và sau đại học. 

Năm 2002, Đặng Văn Soa được Nhà nước phong học hàm Phó giáo sư khi ông còn đang công tác ở Nhật Bản. Năm 2007, ông vinh dự trở thành tân giáo sư trẻ tuổi nhất Việt Nam năm đó.

Trăn trở với sự phát triển giáo dục Thủ đô 

Chúng tôi đến thăm GS-TS Đặng Văn Soa, nhân dịp trường Đại học Thủ đô (ĐHTĐ) Hà Nội (nơi GS đang giữ cương vị Bí thư chi bộ, Chủ nhiệm Khoa Vật lý), vừa được công bố thành lậpQua trò chuyện với ông, chúng tôi hiểu được những suy nghĩ cũng như tâm huyết, trăn trở của Giáo sư về khoa học và giáo dục nước nhà và cũng hiểu vì sao GS Soa đang có một vị trí thuận lợi ở một trường đại học trọng điểm của ngành giáo dục lại chuyển về một trường “địa phương”, Trường cao đẳng sư phạm Hà Nội. 

Theo GS Soa, Trường ĐH Thủ Đô Hà Nội được thành lập, là tin vui, là niềm tự hào về sự trưởng thành của cán bộ giáo viên và học sinh nhà trường và cũng là ước mơ của người dân Hà Nội, có một trường Đại học đa ngành chất lượng cao của Thủ đô. Giờ đây ước mơ lớn đã trở thành hiện thực, đó chính là tin vui đặc biệt với ngôi trường này.

Nói về sự phấn đấu của cá nhân mình, GS Soa rất ngập ngừng và kiệm lời, nhưng khi nói về trường ĐH Thủ Đô Hà Nội, ông tỏ ra cởi mở. Chúng tôi nhận ra đó là tấm lòng của nhà khoa học với nền giáo dục nước nhà và với Thủ đô Hà Nội.

Theo GS Soa, nền giáo dục nước nhà những năm qua không ngừng phát triển, tuy nhiên còn nhiều bất cập, trong đó có hệ thống các trường đại học phát triển rất nhanh, nhưng thực sự chưa mạnh về nội lực, chưa phải là “máy cái” đủ sức tạo ra “nguồn nhân lực chất lượng cao”, đáp ứng cho sự phát triển mọi mặt của đất nước và nhu cầu xã hội, nhất là chưa thể hội nhập sâu vào thị trường lao động quốc tế. Điều này được thể hiện rõ trong sự phân hạng đại học thế giới, Việt Nam chưa có trường đại học nào được đứng TOP 500. Thậm chí một số ngành đào tạo ở Việt Nam, khi ra nước ngoài các em phải đào tạo lại.

Giáo sư chia sẻ: Trong nhiều đợt công tác tại Nhật Bản, tôi được mời đến báo cáo khoa học tại trường Đại học thủ đô Tokyo (Tokyo Metropolitan University-MTU). Đây là trường đại học đa ngành, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng Thủ đô Tokyo với khoảng hơn 13 triệu dân. TMU rất có uy tín ở Nhật Bản và quốc tế, trường quy tụ khoảng gần 300 giáo sư, đứng đầu ở tất cả lĩnh vực nghiên cứu quan trọng.

Về nước, tôi ước mơ ở Hà Nội có một trường đại học như thế, là điểm nhấn cho giáo dục Thủ đô và cho cả nước. Qua trao đổi với bạn bè, tôi được biết Hà Nội đang có dự án xây dựng đại học đa ngành, đó là lý do vì sao mà đầu năm 2014 tôi chính thức về đầu quân cho trường CĐSP Hà nội và tham gia vào dự án này.

Theo GS Soa, với bề dày lịch sử với hơn 56 năm, luôn luôn là cơ sở đào tạo uy tín bậc nhất của Thủ đô Hà Nội, đươc sự quan tâm mọi mặt của các cấp lãnh đạo thành phố, trong tương lai Đại học Thủ đô sẽ phát triển rất nhanh thành trường đại học đa ngành, đồng thời là nơi thu hút và đào tạo nhân tài của Thủ đô và của cả nước. 

Qua câu chuyện với GS Soa, chúng tôi được biết ông rất bận rộn với công tác nghiên cứu và giảng dạy, nhưng vẫn quan tâm đến hệ thống quản lý đại học, ngoài đội ngũ giảng viên chất lượng cao, đội ngũ quản lý và hệ thống quản trị đại học phải thực sự chuyên nghiệp. Chính vì thế, từ năm 2008 đến nay GS Soa đã tham ra vào quản lý đại học với các vị trí công tác khác nhau. Từ chủ nhiệm Bộ môn, Phó chủ nhiệm khoa, Trưởng Ban đào tạo với nước ngoài và hiện nay là Chủ nhiệm khoa Vật lý trường ĐHTĐ Hà Nội , kiêm bí thư Chi bộ.

Từ 2009 đến nay GS Soa còn là ủy viên thường trực, Thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư ngành vật lý Việt Nam (nhiệm kỳ: 2009-2014 và 2014-2019). 

Ở bất cứ cương vị công tác nào, trong vai trò nhà giáo- nhà khoa học hay quản lý, GS Soa cũng cố gắng hết mình cho sự nghiệp khoa học và giáo dục. Ông đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen các cấp, từ năm học 2010 đến năm học 2013 là Chiến sĩ thi đua cấp Bộ và năm 2014 GS Soa được đề nghị tặng Bằng khen Chính phủ. 

Ngọc Châu

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/giao-duc-dai-hoc-chua-phai-la-may-cai-tao-ra-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-1065643.htm