Forbes: Việt Nam cần chú trọng đào tạo tài năng công nghệ thông tin

on .

Ngành công nghệ thông tin của Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng.

Xuất khẩu phần mềm và thiết bị điện tử đã gia tăng đáng kể trong vòng vài năm qua và thị trường nội địa cho các sản phẩm và dịch vụ công nghệ đang dần được hình thành một cách mạnh mẽ.

Một sinh viên Việt Nam đang theo học lập trình game.

Nhu cầu cho công nghiệp trong nước

Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển, Việt Nam cần chú trọng nhiều đến việc xây dựng đội ngũ lao động làm việc trong ngành công nghệ trở nên lành nghề hơn và nhiều tập đoàn giáo dục và công nghệ tư nhân đang nỗ lực để biến điều này thành hiện thực.

Các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc đào tạo các tài năng như thế này. Các hãng chế tạo điện tử vốn đang có doanh thu lớn nhất từ việc xuất khẩu sản phẩm đang cần thêm nhiều nhà quản lý, các kỹ sư và kỹ thuật viên giỏi chuyên môn hơn.

Không chỉ có vậy, nhiều công ty gia công và sản xuất phần mềm vốn đang sử dụng rất nhiều lao động lành nghề trong nước cũng đang cần thêm nhiều nhân viên phát triển phần mềm, nhân viên marketing và các nhà quản lý và kế toán có trình độ tốt hơn.

Việc các tập đoàn đang nỗ lực để cho ra đời nhiều sản phẩm và dịch vụ có giá trị tốt hơn, nhu cầu cải thiện năng lực về nghiên cứu, giải quyết các vấn đề cũng như cung cấp các dịch vụ chăm sóc khách hàng ngày càng trở nên cấp thiết hơn.

Tuy nhiên, việc cải thiện những năng lực này đòi hỏi một sự thay đổi đáng kể trong cách giáo dục trong nước, vốn chỉ chú trọng đến việc “”học gạo” hơn là cung cấp các kỹ năng giải quyết các vấn đề cho học viên. Sự thay đổi này cùng đòi hỏi nhiều công ty cũng phải chuyển mình để khuyến khích sáng tạo và đổi mới thay vì “ôm khư khư” tư duy khô cứng “cấp trên chèn ép cấp dưới” như hiện nay.

Để giải quyết những thách thức này, nhiều tập đoàn công nghệ của Việt Nam đang hợp tác với các đối tác giáo dục, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan chính phủ nước ngoài.

Dù một vài tập đoàn nước ngoài vẫn chỉ nghĩ đến Việt Nam như một thị trường có nhân công giá rẻ nhưng nhiều tập đoàn biết nhìn xa trông rộng hiểu rất rõ rằng tiềm năng của Việt Nam còn lớn hơn rất nhiều.

Tiềm năng ấy đến từ một nền văn hóa đang chú trọng nhiều hơn đến việc phát triển các kỹ năng về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (còn gọi là STEM). Các học sinh Việt Nam thường được tiếp xúc với máy tính từ khi còn rất nhỏ và họ cũng thường giành được điểm cao trong các kỳ thi toán học và khoa học quốc tế.

Dù vậy, nhiều công ty vẫn thường xuyên than phiền rằng họ vẫn thiếu những nhân viên có đủ kinh nghiệm cũng như các kỹ năng mềm như làm việc theo nhóm, kỹ năng giải quyết các vấn đề một cách sáng tạo dù đã tuyển những sinh viên tốt nghiệp từ các trường hàng đầu của Việt Nam. Ngoài ra, họ cũng khuyến nghị các sinh viên Việt Nam cần phải cải thiện tiếng Anh hơn nữa.

Các mô hình đào tạo cho tương lai

Chương Trình Hợp tác Giáo Dục Đại Học Ngành Kỹ Thuật (HEEAP)- một chương trình đào tạo giáo dục quốc tế do tập đoàn Intel, trường Đại học Arizona và Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) đồng sáng lập vào năm 2010, đang tiến hành những cải cách sâu rộng nhất trong việc đào tạo các sinh viên Việt Nam.

Mục tiêu của chương trình là cung cấp những kỹ năng mới nhất về đào tạo công nghệ cho các trường dạy nghề của Việt Nam để các trường có thể giúp đào tạo các lao động có thể ngay lập tức đáp ứng công việc mà các tập đoàn quốc tế yêu cầu.

Giám đốc HEEAP Jeffrey Goss cho biết, chương trình này hiện chú trọng vào việc xây dựng chương trình đào tạo về điện, cơ khí và chế tạo công nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chương trình này sẽ được mở rộng ra nhiều ngành khác, kể cả công nghệ máy tính.

Mục tiêu hàng đầu của HEEAP là phải tăng số lượng các trường đào tạo kỹ sư ở Việt Nam có thể đáp ứng các tiêu chuẩn trong khu vực và trên toàn thế giới. HEEAP đã đào tạo hàng nghìn giáo sư Việt Nam theo mô hình hiện đại chú trong đến việc áp dụng những gì đã học vào thực tế và cùng giải quyết các vấn đề theo nhóm dựa trên lý thuyết có sẵn.

Ngoài ra, HEEAP cũng giúp các trường đại học của Việt Nam thiết lập các hệ thống công nghệ thông tin hiện đại để cải thiện khả năng quản lý, theo dõi việc học của sinh viên theo hướng khuyến khích học theo tín chỉ và học trực tuyến.

Trong khi HEEAP đang hợp tác với các tổ chức giáo dục sẵn có của Việt Nam, Chính phủ Đức và Việt Nam lại đang liên kết để xây dựng một hệ thống giáo dục hoàn toàn mới. Năm 2008, chính phủ 2 nước đã cùng thành lập Trường Đại học Việt- Đức (VGU), một trường chú trọng vào việc nghiên cứu và đào tạo công nghệ.

VGU cung cấp cho các sinh viên cơ hội nghiên cứu về cơ khí, máy tính và nhiều chuyên ngành liên quan với các khóa học bằng tiếng Anh theo đúng giáo trình quốc tế.

Dù mới chỉ có hơn 1.000 sinh viên đăng ký theo học nhưng với việc nhận được khoản vay trị giá 180 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (WB), VGU đang lên kế hoạch xây dựng khu học xá có giành cho khoảng 12.000 sinh viên, giảng viên và các nhà nghiên cứu vào năm 2017 và đặt mục tiêu là trường đại học hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, nhiều nhà hoạt động giáo dục khác cũng đang nỗ lực để cải thiện việc đào tạo STEM ở cấp tiểu học và trung học. Tony Ngo và Don Le thuộc Công ty Giáo dục Everest, một công ty tư nhân tại thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng các lớp học áp dụng việc dạy toán theo mô hình của Singapore cũng như những lớp dạy tiếng Anh cho những người chuẩn bị học đại học dựa trên mô hình Common Core.

Cả hai cũng đang điều hành Innovation & Technology Camps cùng với nhiều trường trung học trong thành phố, trong đó có Trường Quốc tế của Thành phố Hồ Chí Minh (ISHCMC) và Trường Quốc tế Nam Saigon (SSIS).

Một sáng kiến khác rất đáng chú ý là cuộc thi Thử thách sáng tạo trẻ, một cuộc thi nhằm hướng các học sinh phổ thông tại thành phố Hồ Chính Minh vào các dự án đòi hỏi các kỹ năng lập trình và tư duy logic.

Được Everest Education và Intel đồng tài trợ, cuộc thi này đã thu hút được sự quan tâm của toàn thể cộng đồng. “Chúng tôi rất ngạc nhiên vì số lượng các trường trung học của thành phố và quốc tế tham gia cuộc thi. Chúng tôi sẽ tổ chức lại cuộc thi này với quy mô lớn hơn vào mùa Đông tới”, ông Ngo nói.

Trong khi đó, nhiều tổ chức phi chính phủ cũng đang lên kế hoạch để cung cấp giáo dục công nghệ cho cả những trẻ em nghèo. Orphan Impact là một ví dụ điển hình, họ đang xây dựng những trung tâm đào tạo máy tính và các chương trình đào tạo cho các em trẻ mồ côi trên khắp Việt Nam.

Ngoài ra, Everest Education cũng cung cấp cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn những suất học bổng của mình.

Bài toán cho hiện tại

Những chương trình giáo dục trên sẽ giúp cung cấp những tài năng Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, rất nhiều công ty công nghệ đang “khát” tài năng ngay thời điểm này. Chính vì thế, họ cũng đã đầu tư vào các khóa đào tạo việc làm và hướng nghiệp dựa trên nhu cầu thực tế của mình.

Atlassian, một tập đoàn phát triển phần mềm cho các công ty là một ví dụ như vậy. Với hơn 150 người làm việc trong một trung tâm nghiên cứu và phát triển do tập đoàn này thành lập cùng với Pyramid Consulting, một doanh nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin tại thành phố Hồ Chí Minh, Atlasian đang đầu tư mạnh tay vào các chương trình đào tạo chú trọng cả kỹ năng cứng và mềm, dạy tiếng Anh cũng như đưa các lao động sang làm việc tại trụ sở chính của tập đoàn ở Sydney.

“Mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là xây dựng một cách suy nghĩ hướng về việc sản xuất sản phẩm thực tế. Việt Nam có rất nhiều lập trình viên có thể làm ra các sản phẩm theo đơn đặt hàng, nhưng họ sẽ phải nỗ lực hơn để tìm hiểu nhu cầu từ phía người sử dụng cũng như phải thực sự coi đó là sản phẩm của chính mình”, ông Thanh Phan, người đứng đầu chi nhánh tại Việt Nam cho biết.

Nhiều công ty khác cũng có mục tiêu tương tự. KMS Technology, một công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, cũng đang nung nấu ý định xây dựng mối quan hệ lâu dài hơn với các khách hàng của mình.

“Chúng tôi thường phải làm việc với các khách hành của mình nhiều năm trời nên chúng tôi rất quan tâm đến việc để các lập trình viên của mình suy nghĩ, làm việc và hành động như thể họ là nhân viên của các khách hành của chúng tôi”, ông Viet Hung Nguyen, Giám đốc điều hành KMS chia sẻ: “Thường phải mất từ 1-2 tháng để đào tạo một người mới xin vào làm việc để họ có thể quen với cách làm này”.

 

Nguồn: http://www.baomoi.com/Forbes-Viet-Nam-can-chu-trong-dao-tao-tai-nang-cong-nghe-thong-tin/59/16506763.epi