Gặp gỡ chàng sinh viên 9x một mình "xây" nhà thông minh

on .

Dù chỉ mới là sinh viên nhưng Tú đã tự mình xây dựng cả một hệ thống nhà thông minh từ phần cừng tới phần mềm mà không có sự trợ giúp từ bên ngoài. 

Như các bạn đã biết, thị trường công nghệ trong năm 2015 đã bắt đầu có những bước chuyển mình rất lớn và một trong số những thiết bị được kỳ vọng đó chính là ngôi nhà thông minh hay rộng hơn đó là Internet of Things.

Nếu như 10 năm trước chúng ta nhắc tới những ngôi nhà mà khi chủ nhà bước vào tất cả các thiết bị điện tự động bật lên, hay những ngôi nhà mà chủ nhà có thể theo dõi và điều khiển đèn, quạt, điều hòa, TV từ bất cứ đâu trên thế giới có kết nối internet thì đó chỉ là câu chuyện trên những bộ phim viễn tưởng, hoặc là những ngôi nhà mẫu của các tỷ phú "chịu chơi" như Bill Gate.

Thì hôm nay Smarthome đã bao quanh chúng ta, từ câu chuyện của anh nông dân "thông minh hóa" ngôi nhà của mình với giá 3 triệu , cho tới chàng sinh viên 9x tự chế tạo nhà thông minh theo sở thích với giá chưa tới 2 triệu đồng mà chúng tôi sắp giới thiệu dưới đây.

 

Chàng sinh viên 9x với đam mê mãnh liệt với Smarthome

Nhân vật của chúng ta ngày hôm nay Nguyễn Quý Tú, cậu sinh viên sinh năm 1994 đến từ ĐHDL Thăng Long trong một lần tiếp cận với những board mạch dựng sẵn Arduino phục vụ cho đồ án môn học của mình, Tú đã tình cờ bị lôi cuốn và bắt đầu hứng thú với việc tự mình tạo ra những thiết bị Smarthome do chính bản thân lắp ráp và lập trình.

Những kit Arduino, trái tim của hệ thống nhà thông minh do Tú chế tạo.

Về sản phẩm mà Tú đã làm ra, tất cả hầu như đều sử dụng trên nền tảng mã nguồn mở với các board mạch điện tử dựng sẵn có thể lập trình được. Với board mạch Arduino tất cả những ai biết về lập trình đều có thể "thiên biến vạn hóa" sản phẩm của mình theo ý muốn bằng các câu lệnh điều kiện đơn giản "Nếu... Thì...". Chính vì lẽ đó, chàng sinh viên 9x đã tự lắp đặt cho căn phòng của mình một thiết bị điều khiển từ xa thông qua mạng Internet với giá thành tổng cộng cho các linh kiện khoảng 1,5 triệu đồng để có thể điều khiển được khoảng 5 thiết bị điện cùng lúc.

Để có thể hoàn thành tác phẩm của mình Tú cũng cho biết, chỉ lập trình cho board Arduino là chưa đủ bởi lẽ mong muốn của Tú là đưa ngôi nhà của mình hòa nhập vào Internet toàn cầu vì vậy Tú còn phải tìm hiểu và xây dựng cả một server mini dùng để duy trì hoạt động cho sản phẩm của mình trên mạng Internet.

Trang quản lý thiết bị nhà thông minh do Tú tự lập trình.

Ngoài ra, Tú cũng đã lập trình riêng 1 ứng dụng Android để sử dụng trên điện thoại cho phù hợp và đúng nghĩa với Internet of Things.

Giao diện ứng dụng trên Android.

Trở lại với nhà thông minh của Nguyễn Quý Tú

Trở lại với nhân vật chính, chúng tôi đã đặt câu hỏi về những tính năng mà thiết bị của Tú có thể làm được, Tú đã cười rất tươi và trả lời rất tự tin: "nó có thể làm được tất cả những gì mà em có thể tưởng tượng ra". "Với những bo mạch Arduino này, ngoài điều khiển từ xa đèn quạt em có thể xây dựng một hệ thống tưới cây cảnh tự động khi độ ẩm trong đất giảm, tự kéo rèm cửa khi nhiệt độ phòng quá cao hay tự bật điều hòa cho phòng khi em về gần đến nhà v.v... Và anh biết đấy, với hàm Nếu... Thì... em có thể làm ra mọi loại thiết bị tự động và nó lại kết hợp với một loạt mạch điện có khả năng mở rộng bằng cách cắm thêm các cảm biến nếu cần thì em có thể làm mọi thứ miễn là anh đưa ra ý muốn".

1 Board Arduino UNO và 1 Shield Ethernet để kết nối mạng. Trường hợp muốn sử dụng Wifi để điều khiển chúng ta cần thay bằng Shield Wifi.

Tú đang đấu các thiết bị vào Relay, một module dùng để điều khiển các thiết bị có điện áp cao.

Các Relay được đánh số để dễ dàng nhận diện hơn khi lập trình.

Để chứng minh sức mạnh của nhà thông minh dạng "mở" Tú đã thử biểu diễn lắp đặt và tạo ra 2 nút tắt bật 1 chiếc đèn và 1 chiếc quạt điện mà chúng tôi chỉ định.

 

Và dưới đây là video thử nghiệm tắt bật với ứng dụng trên Android do Tú đã viết từ trước:

 

Nguyễn Quý Tú bên thiết bị Smarthome tự tạo của mình.

Giải pháp "mở" và "đóng" có gì khác biệt?

Để trả lời câu hỏi này chúng ta sẽ nói tới Smarthome "đóng" trước. Nhà thông minh "đóng" có thể hiểu là những giải pháp đã được đóng gói thành sản phẩm và thương hiệu và bán ra thị trường. Những ngôi nhà thông minh sử dụng thiết bị "đóng" sẽ chỉ có thể điều khiển ngôi nhà của mình trong giới hạn mà nhà sản xuất thiết bị cho phép. Với nhà "đóng" chúng ta sẽ chẳng thể làm gì thêm ngoài việc ngồi đọc sách hướng dẫn sử dụng để biết thiết bị đó làm được những gì.

Mọi thứ đều có thể tùy biến theo ý muốn chủ nhân.

Ví dụ họ làm ra một bóng đèn có thể tắt bật từ xa nhưng nếu bạn muốn điều khiển bóng đèn đó tắt bật theo một quy luật nào đó thì chúng ta sẽ bó tay hoàn toàn nếu bản thân nhà sản xuất không làm.

Còn với những ngôi nhà sử dụng mã nguồn mở với những board mạch có thể tùy biến như Arduino thì bạn chỉ việc mở máy tính lên, thêm vài dòng code vào sản phẩm của mình và thế là bạn có tính năng mới không phụ thuộc vào ai.

Tất nhiên, giải pháp mở cũng có nhược điểm là nó vô cùng phức tạp và không thể phổ cập tới những người "ngoại đạo" vì vậy mà "đóng" hay "mở" thì đều có thị trường riêng của nó.

Bạn có muốn tự xây dựng cho mình những "căn phòng thông minh"?

Nếu là người đam mê công nghệ và thích thú với những board mạch Arduino hãy tiếp tục đón chờ những bài viết tiếp theo của chúng tôi về chủ để Arduino. Đặc biệt, sau bài viết này chúng tôi sẽ tiếp tục gửi tới các bạn những bài viết hướng dẫn cách làm ra thiết bị smarthome ở trên do chính anh bạn sinh viên 9x của chúng ta hướng dẫn. Hẹn gặp lại các bạn trong series "Căn Phòng Thông Minh made by me" sắp tới.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Gap-go-chang-sinh-vien-9x-mot-minh-xay-nha-thong-minh/76/16579989.epi