Địa chỉ IP là gì? Nó tiết lộ điều gì về bạn?

on .

Dù có thể nghe đến “địa chỉ IP” nhiều lần, bạn có biết nó là gì và nó nói gì về bạn?

Địa chỉ IP là thứ xuất hiện khắp nơi trên Internet nhưng ít người biết về nó. Đáng sợ hơn, không nhiều người biết được địa chỉ IP có thể tiết lộ loại thông tin gì.

Địa chỉ IP là gì?

Về cơ bản, địa chỉ IP là địa chỉ đơn nhất mà mọi thiết bị điện tử đang sử dụng. Thông qua nó, thiết bị này có thể kết nối với thiết bị khác và chia sẻ dữ liệu. Một địa chỉ IP tiêu chuẩn (giao thức IPv4) chứa 4 nhóm chữ số khác nhau được ngăn ra bằng dấu “chấm”, ví dụ 172.16.254.1.

Bộ định tuyến (router) kết nối các thiết bị độc lập rồi sau đó kết nối toàn bộ Internet thông qua các địa chỉ IP riêng của chúng. Router đóng vai trò như cầu nối trong mạng lưới bên trong ngôi nhà bạn (hay doanh nghiệp, thư viện, quán café…) và mạng lưới bên ngoài (Internet).

Khi bạn gửi email hay ghé thăm website nào đó, địa chỉ IP được chia sẻ là của router địa phương, do các nhà cung cấp dịch vụ (ISP) cung cấp và không phải địa chỉ gắn với máy tính. Như vậy, dù người khác có biết địa chỉ của máy tính hay của mạng lưới, các con số này đều có thể nói một chút về bạn là ai và bạn đang “lướt” trang web nào.

Thông tin cá nhân nào bị chia sẻ cùng địa chỉ IP?

Thông tin riêng tư nhất có thể bị tiết lộ thông qua địa chỉ IP là vị trí địa lý (geolocation). Dù vậy, tin vui là địa chỉ IP bị chia sẻ là địa chỉ của mạng lưới nên vị trí chính xác của bạn không bị lộ. Chẳng hạn, bạn gửi email từ nhà và ai đó biết được thành phố mà từ đó email được gửi đi nhưng họ không thể biết thêm thông tin chi tiết. Thay vào đó, họ chỉ xem được thông tin của ISP.

Nếu đứng riêng, địa chỉ IP không thể nói thêm gì về bạn ngoài địa chỉ chung chung. Vấn đề là trong một số trường hợp đặc biệt, người khác sẽ xem được các hoạt động gắn liền với địa chỉ IP cụ thể. Sau đó, họ chắp nối các thông tin về người đang truy cập Internet từ địa chỉ đó.

Chẳng hạn, Văn phòng Ủy viên Quyền riêng tư Canada (OPC) cho phép các nhà nghiên cứu dùng công cụ riêng để tìm ra thông tin về người sử dụng Internet qua mạng lưới của họ. Từ đó, họ tìm ra các website, dịch vụ mà người dùng địa chỉ IP của OPC ghé thăm.

OPC còn thực hiện thử nghiệm thứ hai, trong đó cơ quan này tra cứu địa chỉ IP của một người từng chỉnh sửa bài viết trên bách khoa trực tuyến Wikipedia (các địa chỉ IP được công khai), rồi nhập địa chỉ đó vào công cụ tìm kiếm. Các thông tin trả về bao gồm những bài đăng khác từng được người đó sửa, một diễn đàn nhắn tin trực trên mạng liên quan đến tình dục.

Như vậy, bằng cách sử dụng phương thức không quá khó, các nhà chức trách cũng có thể phác họa chân dung về một cá nhân nào đó mà chưa cần đến trát của tòa án. Nói cách khác, một ông chủ sẽ biết được nhiều thứ về người đang dùng mạng của công ty hay về lý thuyết, một ISP có khả năng tìm ra nhiều hoạt động của thuê bao; một mạng quảng cáo có thể gắn địa chỉ IP cụ thể với nhiều hoạt động online để dùng nó cho mục đích quảng cáo.

Kịch bản tệ nhất là gì?

Với sự trợ giúp từ nhà chức trách, nhiều thông tin về người dùng có thể được “đào bới”. Ví dụ, OPC dẫn một vụ việc tại Mỹ, nơi các nhà chức trách chỉ có trong tay địa chỉ IP, đã liên hệ với ISP và từ đó tìm ra danh tính của người đang gửi đi các emaill quấy rối. Họ được ISP cung cấp địa chỉ chính xác mà email từ đó gửi đi. Nhiều địa điểm là khách sạn, FBI phát hiện một cái tên chung trong số danh sách khách nghỉ. Sau đó, FBI xin lệnh điều tra tài khoản email của người đó.

Một điều cần lưu ý là dù tìm ra địa chỉ IP là điều tương đối dễ dàng (thông qua các wesbite như IP Chicken), tìm ra thông tin cần tìm lại cần có sự tinh ranh. Song, một khi có sự tinh ranh này cộng thêm một chút tưởng tượng, các chi tiết kinh khủng hơn có thể được hé lộ thông qua địa chỉ IP.

 

Nguồn: http://www.baomoi.com/Dia-chi-IP-la-gi-No-tiet-lo-dieu-gi-ve-ban/76/16644416.epi