Google, Amazon và Microsoft và cuộc đua khốc liệt về... 0 đô la

on .

Với tuyên bố sẽ cung cấp miễn phí dịch vụ lưu trữ ảnh Photos, Google đã về nhất trong một cuộc đua đầy hiểm nguy dành cho các ông lớn công nghệ: cuộc đua đưa giá lưu trữ đám mây không giới hạn về mức giá 0 đô la. 

Jeff Bezos, CEO của Amazon

Lưu trữ đám mây là một lĩnh vực dành riêng cho các ông lớn công nghệ. Song, bất kể bạn là những gã khổng lồ tầm cỡ như Microsoft hay là những công ty có trị giá "chỉ" vào khoảng 10 tỷ đô la như Dropbox, bạn cũng sẽ phải khiếp sợ khi nghĩ về một kịch bản không mấy dễ chịu cho tất cả mọi người: các công ty công nghệ sẽ có ngày phải cung cấp dịch vụ đám mây không giới hạn với mức giá miễn phí cho tất cả người dùng.

Đó là một cuộc đua do Amazon khởi động, được Microsoft "hâm nóng" một cách khốc liệt, nhưng lại được Google vượt lên dẫn đầu một cách đầy dũng cảm: trong khuôn khổ hội thảo I/O vào tuần qua, Google tuyên bố ra mắt dịch vụ lưu trữ/quản lý ảnh Photos với mức giá miễn phí, không giới hạn dung lượng lưu trữ.

Cuộc đua này được ngành điện toán đám mây đặt tên "the race to zero" – "cuộc đua về con số không". Khi tham gia vào cuộc đua này, các ông lớn sẽ buộc phải góp phần đưa mức giá của các dịch vụ đám mây về mức 0 đô la.

 

CEO của Google, Larry Page (trái) và CEO của Microsoft, Satya Nadella

Lưu trữ đám mây đã trở thành dịch vụ đám mây đầu tiên có người cán đích trong "cuộc đua về không". Và đó là một cuộc đua đầy hiểm nguy, bởi chỉ có những công ty lớn nhất, quyền lực nhất mới có thể tham gia. Thậm chí, một khi ai đó đã cán đích, tất cả mọi người vẫn sẽ phải tìm cách chạy theo.

Vì sao các công ty cố chạy đua để hạ giá đám mây?

Có nhiều lý do khiến cho giá của các dịch vụ đám mây ngày càng trở nên rẻ mạt. Đầu tiên là chi phí hạ tầng ngày càng sụt giảm. Ví dụ, năm 1993, bạn phải mất hơn 9.000 đô la để lưu trữ 1GB dữ liệu trên ổ cứng. Sang đến năm 2013, khoản tiền này chỉ còn là 0,04 đô la. Qua 20 năm, chi phí lưu trữ đã giảm hơn 200.000 lần.

Tương tự, máy tính cũng trở nên ngày một mạnh mẽ. Năm 1969, chiếc máy mainframe System 360 đã từng giúp con người đặt chân lên Mặt trăng chỉ có 64KB bộ nhớ và tốc độ xử lý 0.043 Megahertz. Đến năm nay, chiếc iPhone 6 có bộ nhớ tới 16GB và vi xử lý 2 nhân xung nhịp 1.4 GHz ở mức giá chỉ 650 USD. Chiếc System 360 của IBM có giá lên tới 3 triệu USD, tương đương với… 4.600 chiếc iPhone 6 của thời điểm hiện tại.

Máy mainframe System 360 của IBM

Nếu chỉ tính riêng trong cuộc đua lên đám mây, bạn sẽ phải cảm ơn Amazon: đây là công ty đi đầu trong cuộc đua hạ giá lưu trữ cho người dùng. Tính đến năm 2014, Amazon Web Services đã chứng kiến 47 đợt giảm giá chỉ trong vòng 6 năm, nhiều hơn bất kỳ đối thủ nào khác.

Sở dĩ Amazon có thể làm được điều này là bởi khi giảm giá, trang thương mại điện tử số 1 thế giới sẽ thu hút được thêm khách hàng tham gia vào trả phí cho các dịch vụ có mức phí cao hơn. Trong khi mức giá cho các dịch vụ đám mây sẽ ngày một giảm sút, khách hàng sẽ liên tục gia tăng mức chi dành cho các dịch vụ của Amazon.

Mô hình tăng trưởng này thực chất cũng không khác biệt nhiều so với các đợt giảm giá tại các cửa hàng tạp hóa: bạn sẽ có xu hướng mua tích trữ các món đồ cần dùng nếu như bạn cảm thấy món đồ bạn mua đang được bán với giá hời.

Google bỗng dưng vượt mặt Amazon

Microsoft và Google đã liên tục có những động thái để bắt kịp Amazon. Trong 2 năm vừa qua, 2 ông lớn này đều đã có những đợt khuyến mại lớn để mang lại dung lượng lưu trữ thoải mái cho người dùng. Ví dụ, nếu bật tính năng lưu trữ Cuộn Camera của OneDrive trên các thiết bị di động, bạn sẽ được Microsoft trao tặng thêm 15GB dung lượng miễn phí.

Buổi lễ công bố Google Photos

Nhưng, đến năm 2015, Google bỗng dưng vượt mặt cả Amazon lẫn Microsoft khi công bố ra mắt một dịch vụ miễn khí và không giới hạn dành cho ảnh và video – loại nội dung số thường xuyên chiếm phần áp đảo trong dung lượng sử dụng của người tiêu dùng phổ thông.

Thực chất, Amazon và Microsoft mới là những người đi trước trong cuộc đua đưa chi phí lưu trữ ảnh chụp trên đám mây về mức 0 USD. Tuy vậy, cả 2 ông lớn này đều đã không đủ dũng cảm để cán đích: Amazon chỉ đưa ra dịch vụ lưu ảnh miễn phí không giới hạn tới những người dùng có đăng ký Amazon Prime hoặc những người có sở hữu máy tính bảng Kindle Fire, còn Microsoft thì chỉ cung cấp 1TB lưu trữ kèm với gói Office 365. Amazon Prime có giá 10 USD mỗi tháng, còn Office 365 cũng có chi phí tới 70 USD/năm.

Google Photos được cung cấp miễn phí cho toàn bộ người dùng Android và iOS, tương đương với 90% thị trường smartphone hiện nay. Rõ ràng, Google Photos đang là dịch vụ mang lại giá trị sử dụng tốt nhất cho người dùng. Bất kỳ ai cũng có thể nhận được gói lưu trữ ảnh không giới hạn gắn mác Google.

Sẽ có ngày tất cả các dịch vụ đám mây phải là miễn phí

Hiện tại, khi lưu trữ các nội dung không phải là ảnh số, tất cả các dịch vụ đám mây đều sẽ đặt giới hạn và tính phí cho bạn. Chính sách này được thực hiện bởi cả Amazon, Google, Microsoft lẫn các công ty nhỏ hơn như Dropbox và Box.

Nhưng rõ ràng là cuộc đua về 0 vẫn đang tiếp diễn, và khi các dịch vụ đua nhau hạ giá, sớm hay muộn ai đó cũng sẽ cán đích. Lúc này, các đối thủ cạnh tranh sẽ buộc phải tìm cách miễn phí cho người dùng lưu trữ tất cả các loại nội dung và không bị giới hạn dung lượng. Trong suốt những năm vừa qua, không một công ty nào dám nâng giá dịch vụ lưu trữ đám mây, và chắc chắc trong tương lai cũng không một công ty nào dám làm như vậy.

CEO của Box, Aaron Levie

Vào tháng 11, Aaron Levie, CEO của Box khẳng định với trang The Information: "Chúng tôi nhìn thấy một tương lai mà dịch vụ lưu trữ đám mây được miễn phí và không bị hạn chế".

Điều này có nghĩa rằng để kiếm tiền và tồn tại, các công ty sẽ phải "vẽ" ra các dịch vụ mất phí để sinh doanh thu.

Ví dụ, trong thời gian vừa qua, Box đã ra mắt thêm một số tính năng bảo mật cho file để tăng cường sức hấp dẫn tới khối khách hàng doanh nghiệp – đối tượng bị luật pháp yêu cầu phải đảm bảo an toàn cho thông tin kinh doanh. Đồng thời, Box cũng ra mắt thêm các tiện ích như quản lý dự án, quản lý tài liệu và ứng dụng hỗ trợ phối hợp chỉnh sửa tài liệu, vốn đều là các tính năng cần có trong môi trường doanh nghiệp.

Tương tự, Dropbox cũng đang đẩy mạnh quảng bá cho gói dịch vụ dành cho doanh nghiệp của hãng (Dropbox for Business). Cũng giống như dịch vụ của Box, Dropbox for Business sẽ mang tới các tính năng bảo mật và quản lý cao cấp.

Liệu các công ty khởi nghiệp như Dropbox và Box có "đủ tuổi" để tiếp tục chạy đua đám mây?

Cùng lúc, tất cả các thành viên mới của cuộc đua "lên mây" đều đang tìm cách ra mắt các dịch vụ cao cấp có thể thuyết phục được người dùng bỏ ra những khoản tiền lớn hơn thông thường. Điều này là để giúp các công ty này không phải tham gia vào "cuộc đua về không".

Cisco, gã khổng lồ của thị trường thiết bị viễn thông đang là tên tuổi đáng chú ý nhất trong trào lưu này. Khi đưa ra tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào hạ tầng đám mây, Nick Earle, vị lãnh đạo chịu trách nhiệm cho dự án đám mây này đã nhanh chóng tuyên bố: "Chiến lược của chúng tôi là không chạy theo Amazon Web Services trong cuộc đua về không".

Các ông lớn khác như IBM và Oracle cũng đều đưa ra những tuyên bố tương tự. Lý do là bởi cuộc đua về 0 là một cuộc đua vô cùng tốn kém.

Cuộc đua dành riêng cho giới nhà giàu

Trong khi chi phí dành cho các linh kiện lưu trữ và xử lý ngày càng giảm xuống, các trung tâm dữ liệu vẫn sẽ tiêu tốn hàng tỷ đô la của các ông lớn. Sau khi thu hút được người dùng, các công ty công nghệ sẽ buộc phải tìm cách mở rộng các trung tâm dữ liệu. Đi kèm với quy mô mở rộng sẽ là chi phí bảo trì, chi phí điện năng… Mới gần đây, IBM đưa ra ước tính chi phí 1,2 tỷ USD cho các trung tâm dữ liệu mới của hãng.

Trung tâm dữ liệu của Amazon choáng ngợp không kém gì kho hàng phân phối của trang thương mại điện tử này

Cuộc đua đám mây không dành cho những kẻ thiếu vốn: trung tâm dữ liệu của Microsoft tại Wyoming sẽ có giá 750 triệu USD. Một trung tâm khác của tập đoàn này tại Iowa sẽ có giá 1,1 tỷ USD.

Đáng sợ hơn, cuộc đua về mức giá lưu trữ đám mây là một hành trình khốc liệt không có điểm dừng. Amazon, Microsoft và Google đều sẽ phải liên tiếp bỏ ra hàng tỷ USD để xây dựng các trung tâm dữ liệu mới để đưa ra các dịch vụ có mức giá ngày càng giảm. Cùng lúc, các ông lớn này sẽ phải nghĩ ra các dịch vụ dữ liệu đủ hữu hiệu và hấp dẫn nhằm thu hút các doanh nghiệp trả phí.

Rõ ràng, chỉ có giới nhà giàu như Amazon, Microsoft và Google mới có đủ tiềm lực để theo đuổi cuộc đua này. Liệu rằng những công ty nhỏ như Dropbox, Box và cả những kẻ đến muộn như Cisco và IBM có thể tồn tại trong thế giới điện toán đám mây một khi những ông lớn đi trước đã rục rịch cán đích? Hãy cùng chờ đợi để có câu trả lời.

Lê Hoàng

Nguồn: http://www.baomoi.com/Google-Amazon-va-Microsoft-va-cuoc-dua-khoc-liet-ve-0-do-la/76/16736810.epi