Dân trí và mạng xã hội

on .

Đừng vội tự ái khi có ai đó lập luận rằng nước ta dân trí thấp. Hãy nhìn vào thực tế, ở một quốc gia mà những người dân trí cao còn bàng quan trước thời cuộc thì rõ là xã hội khó có sự đổi thay theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Tuần qua, dư luận xôn xao bàn tán trước phát biểu của đại biểu Quốc hội Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: “Dân chủ của ta có hạn, dân trí còn rất thấp, số người dân trí cao là thiểu số, trưng cầu có khi gây hại, không thể tùy tiện”.

Nói dân trí thấp cũng có phần đúng

Trong số các ý kiến bàn về phát ngôn của nghị Huệ trên mạng xã hội, tôi chú ý đến status của người phụ trách truyền thông của một cơ quan ngoại giao ở Hà Nội: “Nghị Huệ nói dân ta dân trí thấp thì cũng có phần đúng.

Vấn đề không phải là mỗi người có bằng cấp gì mà vấn đề là ở chỗ nhiều người trong xã hội tuy có bằng cấp nọ kia nhưng khi nghe một người nào đó phán dân ta dân trí thấp thì chỉ phẩy tay tự nhủ: “Chắc là ông ta loại trừ mình ra, chỉ nói về bà con nông dân hay người dân tộc thôi…””, và như vậy dân trí thấp là ở chính chỗ đó.

Chắc chắn là đại đa số các quốc gia đều có dân số có dân trí trung bình hoặc thấp đông hơn số người dân trí cao. Nhưng ở cái đất nước mà những người được cho là, hoặc tự nhận là dân trí cao lại bàng quan đứng ngoài các hoạt động chính trị, xã hội thì mong mỏi sự thay đổi chỉ là điều vô vọng. Nhờ thế mà một số người càng được thể gọi phần còn lại của đất nước là dân trí thấp”.

Ý kiến này nghe có phần mỉa mai và chua chát nhưng đó là sự thật không thể phủ nhận trong bối cảnh xã hội hiện nay.

Khi lòng tin đã vơi...

Nói nào ngay, dân trí của một quốc gia hiển hiện ngay trên mạng xã hội. Theo thống kê mới nhất tại hội thảo “Tương tác giữa báo chí và mạng xã hội” diễn ra vào giữa tháng 5-2015, Việt Nam đang có khoảng 20 triệu người dùng Facebook, tương đương 1/3 dân số và 74,1% lượng người sử dụng Internet. Vậy thì thử hỏi chủ đề yêu thích nhất của các status mà số đông người Việt post trên mạng xã hội mỗi ngày là gì nếu không là chuyện khoe ảnh selfie, ảnh chụp món ngon, thắng cảnh, tiện nghi nhà hàng - khách sạn, công nghệ mới, chuyện tình cảm, khoe con… Trong news feed của bạn và tôi, hạn hữu mới thấy vài status đụng chạm đến những vấn đề quốc kế dân sinh.

Trong cuộc thăm dò bỏ túi do người viết thực hiện, khi được hỏi lý do vì sao né tránh bàn luận các vấn đề thời sự trên mạng xã hội, phần lớn facebooker là trí thức đáp là họ ít kỳ vọng vào sự thay đổi. Quả thực, tuy không phải là người bi quan nhưng nhìn vào thực tại trên mặt báo, mấy ai trong chúng ta cảm thấy an lòng khi mỗi ngày đều đọc được một loạt tin bài bi quan kiểu như “Hai kiểm lâm bị điều tra nhận hối lộ trong vụ phá rừng lớn nhất Đà Nẵng”, “Dân mắc nợ vì nghe theo huyện vay tiền sửa nhà”, “Bồi thường 7,2 tỉ đồng cho ông Chấn, lấy tiền từ đâu?”...

Quá nhiều vấn đề tồn đọng liên quan đến chi tiêu, ngân sách, nợ công chưa được Chính phủ giải quyết dứt điểm nay đã có thêm những vấn đề mới chồng chất. Cuộc sống của người dân vốn đã đầy rẫy những khó khăn vì các khoản thuế, phí nay lại sắp gánh thêm phí đường bộ xe máy trong lúc ai cũng phập phồng lo giá xăng có thể tăng bất kỳ lúc nào.

Một đồng nghiệp của người viết mới đây lý giải tại sao người TP luôn mong ngóng pháo hoa vào những ngày lễ tết, chực chờ chiến thắng của đội tuyển U-23 Việt Nam tại SEA Games 28. Bởi nếu không có những niềm vui bất chợt ấy, người ta lấy gì để tạm quên đi những nỗi âu lo thường nhật, kể cả nỗi bức xúc khi là công dân của một đất nước dân trí cao, lắm tiến sĩ nhưng thu nhập bình quân sắp thua Lào, Campuchia, Myanmar trong 3-5 năm tới?

BENJAMIN NGÔ

 

Nguồn: http://www.baomoi.com/Dan-tri-va-mang-xa-hoi/76/16783563.epi