Người dùng muốn nhà mạng bồi thường vì internet thua cả... "rùa bò"

on .

Phải đăng ký gói cước 3G, tiêu tốn thời gian, bỏ lỡ nhiều công việc quan trọng... là những thiệt hại nặng nề mà người dùng internet đang phải gánh chịu. 

Nhà mạng: Điệp khúc "mong khách hàng thông cảm"

Người dùng internet tại Việt Nam lại phải bắt đầu hứng chịu một đợtinternet bị gián đoạn do bảo trì cáp quang AAG. Tuy nhiên, trước câu hỏi "Nhà mạng đền bù như thế nào cho khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi internet gần như tê liệt?" thì đại diện các nhà mạng đều cho biết"Đó là một tình huống bất khả kháng, mong khách hàng thông cảm".

Mặt khác, nhà mạng FPT và VNPT còn cho biết thêm, khách hàng có thể khiếu nại về việc internet bị gián đoạn. Sau đó, sẽ có nhân viên kỹ thuật tới ghi nhận và xem xét miễn trừ cước tùy từng trường hợp cụ thể. Song nhiều trường hợp trong khảo sát của Dân Việt cho thấy, hứa hẹn "miễn trừ cước" của các nhà mạng khá xa vời với người dùng.

 

 

Khách hàng: "Mạng internet thua cả rùa bò"

Chia sẻ với Dân Việt vào chiều tối ngày 8.6, chị Lam Đa - một người dùng internet của nhà mạng VNPT tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, nói: "Mạng internet ở công ty tôi chậm khỏi cần rên luôn, thua cả rùa bò, đặc biệt là Gmail hoàn toàn không thể truy cập được. Lúc trước nghe nói khiếu nại sẽ được đền bù nên tôi có thử khiếu nại qua tổng đài. Sau khi họ vào xem, loay hoay sửa không thành công thì cũng chìm trong im lặng. Giờ cũng chẳng buồn khiếu nại nữa".

Tương tự chị Lam Đa, anh Trần Thanh Hùng cũng từng khiếu nại và bất thành: "Tại sao phải là một số người được bồi thường mà không phải là tất cả mọi người có sử dụng internet, vì hầu hết đều bị ảnh hưởng. Nếu muốn tải Gmail thì đừng hòng được, chỉ xem báo với tốc độ như rùa, cuối cùng thì người dùng lãnh đủ. Tôi đã khiếu nại rồi nhưng cũng vậy thôi, càng nói càng tốn thời gian vô ích".

Người dùng internet cho rằng nhà mạng cố tình làm ngơ chuyện bồi thường khi mạng internet chậm dù đã cho nhân viên kỹ thuật tới kiểm tra.

Còn anh V.H.Lâm, ngụ tại huyện Bình Chánh, TP.HCM, đang dùng mạng ADSL của FPT, cho biết, tình trạng internet tại nhà đã chậm xuống hẳn từ tối 7.6. "Tức tối nhất là không thể vào được Gmail, biết bao nhiêu công việc quan trọng. Trang web cứ quay quay rồi đứng luôn ở một trang trắng, có may mắn load vào được thì cũng không thể đọc, gửi email hay tải file đính kèm. Facebook thì quay quay vào được nhưng không tương tác được gì thêm. Sự cố đã xảy ra từ tối Chủ Nhật (ngày 7.6 - PV)", anh Lâm bức xúc.

Người dùng internet gánh chịu những thiệt hại nặng nề

Anh P.Tân - một người dùng sử dụng ADSL gói MegaFamily của VNPT tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang phải sống trong tình trạng internet tê liệt hoàn toàn, cho biết: "Tối qua tôi đang dùng internet bình thường thì bỗng nhiên xảy ra hiện tượng gián đoạn như rớt mạng. Tôi cố thử khởi động lại modem và router nhiều lần vẫn vậy. Biết mạng bị tê liệt do bảo trì cáp AAG, tôi cũng chẳng buồn kết nối vào mạng Wi-Fi ở nhà mà phải dùng điện thoại đăng ký gói 3G để sử dụng. Tính ra tôi đã phải tốn 25.000 nghìn đồng để đăng ký 5 lần gói cước 3G (sử dụng trong vòng chưa đầy 24 giờ), rồi dùng iPhone phát ra dùng. Nhờ vậy mà tốc độ đỡ hơn, đã có thể vào Gmail".

Mặc dù vậy, theo anh Tân, việc phát Wi-Fi từ điện thoại chỉ là hạ sách khi mà anh phải đặt công việc lên hàng đầu. Anh cho biết, cách này không chỉ tốn tiền 3G khủng khiếp nếu phải truy cập lưu lượng lớn, mà còn ngốn pin điện thoại, thậm chí khiến điện thoại của anh nóng lên rất nhanh.

Trường hợp như anh Tân có thể biết được những thiệt hại cơ bản do sự cố cáp quang AAG. Riêng trường hợp của chị Trần Thị Kim Ngân (nhân viên một công ty quảng cáo tại Q.3, TP.HCM) thì chị cho biết: "Mail không được, Facebook, Skype cũng không. Tôi muốn trao đổi với khách hàng hầu như đều phải nói chuyện điện thoại. Thậm chí tài liệu cũng phải trực tiếp tới tận nơi đưa cho họ thay vì đơn giản gửi qua mail. Thiệt hại chung chung là vậy, tôi không quy tính được, nhưng đối với tôi đó là những thiệt hại nặng nề".

Khách hàng yêu cầu nhà mạng phải bồi thường

Bức xúc với nhà mạng thông qua Dân Việt, anh Tân nói: "Tôi yêu cầu nhà mạng phải bồi thường cho khách hàng khi mạng internet cứ đơ ra như vậy, đó là chưa nói tới công việc của tôi bị gián đoạn biết bao nhiêu chỉ vì internet chậm. Họ chỉ biết thu tiền đầy đủ vào mỗi tháng, thậm chí người ta không dùng được internet mà vẫn dám thu đủ tiền thì nhà mạng phải xem lại mình".

Về thiệt hại tiền cước, người dùng internet trọn gói chắc hẳn là hiểu rõ nhất. Riêng các trường hợp người dùng internet theo lưu lượng cũng không khỏi ức chế. Anh Nguyễn Thành Nam (29 tuổi, đang công tác tại một bệnh viện ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, do ít dùng internet tại nhà nên anh chỉ đăng ký hợp đồng internet theo lưu lượng. "Nhưng ít dùng không có nghĩa là không cần dùng. Tối về tôi cũng phải kiểm tra mail, đọc báo chứ! Tôi cực kỳ ức chế những lúc vào Gmail, đã tốn thời gian chờ đợi mà cũng không có kết quả gì", anh Nam bức xúc.

"Dù biết dùng internet lưu lượng sẽ không bị tốn tiền khi không truy cập internet, nhưng họ vẫn thu tiền thuê bao đó thôi. Tôi chẳng tính toán gì về tiền bạc với họ, nhưng họ phải có hành động miễn trừ cước, tăng tốc độ gói cước, hoặc trừ vào tháng sau... để thể hiện trách nhiệm với khách hàng. Tốc độ mạng không cần phải thật nhanh nhưng ít ra nhà mạng phải đảm bảo cho tôi vào được Gmail chứ, trang Gmail có nặng nề gì đâu", anh Nam nói thêm.

Theo thông tin từ Trung tâm điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế AAG, công tác bảo trì cáp AAG bắt đầu từ tối ngày 7.6.2015. Dự kiến đến ngày 17.6.2015, việc bảo trì sẽ hoàn tất, 100% kênh truyền được khôi phục.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Nguoi-dung-muon-nha-mang-boi-thuong-vi-internet-thua-ca-rua-bo/76/16796474.epi