10 nhân vật ảnh hưởng nhất làng công nghệ

on .

Tạp chí Time vừa công bố danh sách 10 nhân vật ảnh hưởng nhất làng công nghệ năm 2015, do hãng nghiên cứu Juniper Research (Anh) đánh giá.

Satya Nadella, CEOMicrosoft -Ảnh: AFP

1. Satya Nadella - CEO Microsoft
Kể từ khi nắm quyền Giám đốc điều hành (CEO) Microsoft vào cuối năm 2014, Satya Nadella đã có những thay đổi táo bạo để làm mới Microsoft - gã khổng lồ đang có dấu hiệu chậm chạp và đi theo lối mòn.
Ông đã có nhiều chính sách đổi mới, trong đó hai quyết định “động trời” mà ít ai ngờ tới. Ông công bố ra mắt Office cho iPad và miễn phí bản quyền cho Windows, bao gồm cả Windows Phone cho các nhà sản xuất phần cứng.
Sau cùng, những nỗ lực của Nadella cũng có tác dụng tích cực. Nhiều sản phẩm và dịch vụ mới của Microsoft ra đời và tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, bộ phần mền Office 365 tăng trưởng vượt bậc trong 6-9 tháng sau khi ra mắt, dịch vụ đoán tuổi how-old.net mới đây đã thu hút sự quan tâm của hàng triệu người dùng toàn cầu…
 
2. Jony Ive - Giám đốc thiết kế Apple
Jony Ive - Giám đốc thiết kế Apple - Ảnh: AFP
Gia nhập Apple từ lâu, Jony Ive đã tham gia vào thiết kế phần cứng cho tất cả các sản phẩm "đỉnh" của Apple trong vòng 2 thập niên qua, bao gồm cả chiếc iMac và iPod - các sản phẩm khởi động cho quá trình hồi sinh của Apple.
Sau khi Steve Jobs qua đời, Ive được cất nhắc lên làm trưởng bộ phận thiết kế cho cả phần cứng lẫn phần mềm của Apple. Tại thời điểm hiện tại, Jony Ive được coi là một trong hai nhân vật quan trọng nhất của Apple bên cạnh CEO Tim Cook.
Vừa qua, Jony Ive đã được thăng chức giám đốc thiết kế. Tuy nhiên, sự kiện này là một tín hiệu đáng lo ngại khi Apple có nguy cơ để mất “truyền nhân” về mặt thiết kế của Steve Jobs. Cụ thể, Ive sẽ mất đi vai trò sáng tạo khi trên cương vị giám đốc thiết kế, ông phải bàn giao nhiệm vụ cho những nhân viên cấp dưới.
3. Min-Liang Tan, CEO và Giám đốc sáng tạo của Razer
Min-Liang Tan, đồng sáng lập, kiêm CEO và Giám đốc sáng tạo của Razer - Ảnh: AFP
Min-Liang Tan, doanh nhân Singapre, đồng sáng lập, kiêm CEO và Giám đốc sáng tạo của Razer, hãng phần cứng chuyên sản xuất thiết bị chơi game nổi tiếng thế giới.
Ở Razer, Min-Liang Tan tạo ra một văn hóa trong công ty khi luôn quan tâm đến nhân viên làm việc cho Razer có thực sự đam mê game và hứng khởi với công nghệ cao hay không. Chính quan niệm này đã khiến mục tiêu ban đầu của Tan, bán được 1.000 sản phẩm, đến nay đã bán hơn 1 triệu thiết bị trên toàn thế giới.
Min-Liang Tan cũng nằm trong danh sách 25 người sáng tạo nhất giới công nghệ của Businesss Insider và 30 nhân vật quyền lực trong giới game, do Kotaku bình chọn.
4. Travis Kalanick - CEO đế chế Uber
Travis Kalanick, đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành của Uber - Ảnh: AFP
Travis Kalanick, đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành của Uber sau 5 năm đã xây dựng nên một công ty tên tuổi bậc nhất thung lũng Silicon.
Uber là dự án khởi nghiệp thứ ba của Travis Kalanick vào năm 2010, nhưng là dự án đầu tiên ông thành công.
Uber đang hoạt động tại 311 thành phố thuộc 58 quốc gia với giá trị ước tính lên đến 50 tỉ USD. Hiện nay, Uber đã trở thành công ty công nghệ tư nhân giá trị nhất thế giới và Kalanick cũng trở thành tỉ phú trên bảng xếp hạng của tạp chí Forbes.
5. Reed Hastings - CEO Netflix
Reed Hastings, đồng sáng lập và CEO của Netflix - Ảnh: AFP
Reed Hastings, đồng sáng lập và CEO của Netflix, công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê DVD và xem phim trực tuyến.
Tầm ảnh hưởng của Hastings vượt ra khỏi thung lũng Silicon, làm thay đổi cả ngành kinh doanh phân phối phim ảnh. Hiện nay, ông còn thay đổi cả ngành truyền thông bằng cách cho phép tải trực tiếp (streaming) phim và chương trình tivi qua mạng Internet.
Bí quyết thành công của Hastings là luôn luôn tưởng tượng ra các mối đe dọa và không ngừng phòng thủ.
6. Jack Ma - CEO tập đoàn Alibaba

Tỉ phú Jack Ma - Ảnh: AFP
Alibaba đã là một trong những tập đoàn thương mại điện tử thành công nhất thế giới nhưng tỉ phú thế giới, kiêm CEO Alibaba, Jack Ma cho biết tập đoàn sẽ phát triển hệ điều hành di động của riêng mình.
Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc sẽ cho ra mắt hệ điều hành Aliyun vào cuối tháng 7, cùng với mẫu smartphone và máy tính bảng mới toanh, do công ty truyền thông Tianyu đảm nhiệm.
Sự kiện như một lời thách thức của Alibaba dành cho hàng loạt công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Apple, Google…
7. Paul Eremenko - Giám đốc kỹ thuật Google
Paul Eremenko, Giám đốc dự án Project Ara - Ảnh chụp màn hìnhTime
Giám đốc kỹ thuật Paul Eremenko, cũng chính là người đứng đầu dự án điện thoại “xếp hình” Project Ara. Đây là một dự án quan trọng của Google về thế hệ smartphone mới cho phép người dùng dễ dàng thay thế cũng như nâng cấp từng thành phần riêng biệt của điện thoại như CPU, RAM, pin hay camera.
Project Ara đang được giới công nghệ toàn cầu chờ đợi vì rất có thể tương lai của toàn bộ ngành công nghiệp điện thoại sẽ xoay quanh dự án này.
8. Jeff Bezos - ông trùm Amazon
Ông trùm của Amazon, Jeff Bezos - Ảnh: AFP
Ông trùm của Amazon, Jeff Bezos là một trong những nhân vật “liều lĩnh” nhất giới công nghệ khi cho trình làng Amazon vào năm 1997. Nhiều người nghi ngờ liệu một tủ sách trên mạng có thể đánh bại được những nhà sách truyền thống như Barnes&Noble hay không.
Kết quả hiện nay, Amazon đã trở thành website thương mại điện tử lớn nhất thế giới và vẫn tiếp tục mở rộng mạng lưới đại lý bán lẻ bên thứ 3 trên toàn thế giới.
9. Tỉ phú “Người Sắt” Elon Musk
Tỉ phú “Người Sắt” Elon Musk - Ảnh: AFP
Elon Musk là một nhà phát minh, doanh nhân, tỉ phú người Nam Phi. Elon Musk đang là giám đốc điều hành của công ty vũ trụ SpaceX, đồng thời là giám đốc điều hành, kiến trúc sư sản phẩm của Tesla Motors, và là Chủ tịch SolarCity.
Ông là người đóng góp quan trọng vào sự phát triển của mạng lưới thanh toán trực tuyến, phát triển năng lượng sạch và các hệ thống giao thông tiên tiến, chinh phục không gian… Elon Musk chính là người gây cảm hứng cho nhân vật Tony Stark trong bộ phim Iron Man.
10. Lei Jun - “Steve Jobs của Trung Quốc”
Lei Jun - “Steve Jobs của Trung Quốc” - Ảnh: AFP
Lei Jun là giám đốc điều hành của Xiaomi, hãng điện thoại lớn của Trung Quốc và là nhà cung cấp điện thoại lớn thứ 3 thế giới. Lei Jun từng được ví von là “Steve Jobs của Trung Quốc” vì khối tài sản kếch xù và phong cách ăn mặc giản dị.
Nói về Steve Jobs, Lei Jun đã không ngần ngại bày tỏ quan điểm: “Nếu Jobs sống ở Trung Quốc thì chưa chắc ông ấy đã thành công. Lý do là vì ông ấy luôn theo đuổi sự hoàn hảo, trong khi văn hóa Trung Quốc lại nhấn mạnh vào sự đơn giản bình thường”.
Đó cũng chính là lý do mà CEO Xiaomi tập trung phát triển dòng sản phẩm smartphone chất lượng cao nhưng giá thành thấp và đã đạt được thành công rực rỡ.
 
Nguồn: http://www.baomoi.com/10-nhan-vat-anh-huong-nhat-lang-cong-nghe/76/16839913.epi