Hai loại hình tấn công "1 vốn 14 lời" của tin tặc

on .

Được biết, một số loại hình hacking có thể giúp tin tặc thu lợi bất chính gấp tới 14 lần chi phí bỏ ra, thu về mỗi lần hơn 80.000 USD. 

Gần đây, nhằm tối ưu hóa việc hacking, hầu hết tin tặc đều nhắm tới hai loại phần mềm độc hại là bộ khai thác Exploit kit và mã độc tống tiền Ransomware.

Exploit kit thường đưa phần mềm độc hại thâm nhập vào máy tính người dùng thông qua trình duyệt web, còn mã độc ransomware sẽ mã hóa toàn bộ các file trên máy tính của nạn nhân nhằm mục đích tống tiền. Lợi nhuận trung bình cho mỗi loại hình tấn công này là hơn 80.000 USD so với chi phí bỏ ra chưa tới 6.000 USD.

Ransomware đang trở thành mối đe dọa lớn đối với người dùng máy tính phổ thông.
Hiện nay, ransomware đang phát triển rất nhanh chóng, và hầu hết các hacker đều có kỹ năng khá tốt trong việc “đội lốt cừu non” cho mã độc của mình, đường hoàng có mặt trong máy tính người dùng để một ngày đẹp trời “bắt cóc” toàn bộ dữ liệu của nạn nhân. Một loại ransomware “kịch độc” khác có tên CDT-Locker còn có khả năng “cải trang” cực tốt khi qua mắt được gần như mọi phần mềm bảo mật.

Và thậm chí nếu nạn nhân đã rút ví trả tiền chuộc, chưa chắc họ sẽ được nhận lại dữ liệu. Steve Grobman, CTO nhóm bảo mật của Intel cho biết,“Chúng tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp nạn nhân đã trả hết tiền chuộc nhưng đợi mãi vẫn không thấy dữ liệu đâu. Đó chính là lý do tại sao chúng tôi luôn khuyên khách hàng rằng đưa tiền chuộc chưa bao giờ là phương án tối ưu.”

Ngoài ra, theo nhiều nguồn tin, số lượng tin tặc nhắm đến dữ liệu thẻ thanh toán đã tăng 14% trong năm 2013. Các nạn nhân thường không biết rằng họ đang bị ăn cắp dữ liệu, và có tới 81% trong số đó không hề phát hiện ra các vấn đề về bảo mật cho tới khi tin tặc “hiện nguyên hình”.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Hai-loai-hinh-tan-cong-1-von-14-loi-cua-tin-tac/76/16894442.epi