Ai chịu trách nhiệm tính mạng SV tình nguyện mùa thi?

on .

Việc hàng loạt sinh viên tình nguyện đứng giữa đường làm "dải phân cách sống" tại các địa điểm thi trong cả nước dưới cái nắng trưa hè 40 độ C khiến nhiều người lên tiếng phản đối, chê trách.

Mùa thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 đã diễn ra được 3 ngày. Trong những ngày này, hàng triệu thí sinh cả nước căng thẳng, mệt mỏi trải qua bước ngoặt cuộc đời thì phía sau họ, không chỉ có gia đình quan tâm lo lắng mà có cả đội sinh viên tình nguyện luôn sẵn sàng ra tay giúp đỡ trong bất kỳ hoàn cảnh, thời gian nào.

Những chiếc áo xanh trong chiến dịch "Tiếp sức mùa thi".

Hình ảnh những chiếc áo xanh làm hướng dẫn viên cho gia đình và sĩ tử đi tìm nơi ở, địa điểm thi, hình ảnh sinh viên trẻ trung năng động mang cốc nước đến cho người nhà ngồi chờ bên ngoài cổng trường... đã để lại ấn tượng không nhỏ trong lòng mỗi người.

Thanh niên nhiệt huyết, sẵn sàng cống hiến sức trẻ của mình cho lợi ích cộng đồng... đây là điều không thể phủ nhận và đã được ghi nhận trong nhiều năm qua. "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?", thế nhưng, có tự lạm dụng quá không trong khi giữa trưa nắng gay gắt, sức trẻ ấy đứng thành hàng dài giữa đường để phân làn giao thông?

Theo thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh: "Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 6, tháng 7, tháng 8, các chiến dịch tình nguyện mà thành phần chủ yếu là sinh viên được tung ra như: Tiếp sức mùa thi, Mùa hè xanh... Các hoạt động tình nguyện này huy động hàng vạn sinh viên ở các trường ĐH, CĐ, THCN tham gia một cách nhiệt tình, giúp cho các bạn đóng góp một phần công sức của mình vào những vấn đề xã hội.

Tất nhiên, không ai phủ nhận tính tích cực của các hoạt động này. Tuy nhiên, lâu nay mình vẫn nghĩ đến một khía cạnh khác đó là sự đảm bảo an toàn cho các bạn sinh viên tham gia được quan tâm như thế nào?

Sinh viên tình nguyện căng dây phân làn giao thông.

Đã có những tai nạn đáng tiếc xảy ra trong quá trình tình nguyện: Đã có sinh viên tình nguyện bị đánh, bị đâm, thậm chí bị tai nạn... trong những mùa thi trước. Rồi trong mùa thi này, không thiếu những hình ảnh sinh viên tình nguyện đứng ra làm... "dải phân cách sống" ở giữa đường. Giữa cái nắng chói chang, có bạn đã bị ngất xỉu và có người thì bị bỏng nắng, tay chân sưng phồng.

Thử hỏi lỡ có một cái xe "điên", mất lái, mất phanh gì đó (đây là chuyện thường xuyên hay gặp trong giao thông hiện nay), nó làm "trọn gói" một hàng khoảng 4 bạn sinh viên tình nguyện thì ai chịu trách nhiệm cho tính mạng các bạn, cho nỗi đau mất đi đứa con rứt ruột đẻ ra của các bố mẹ các bạn ấy?!

Chuyện sinh viên tình nguyện làm xe ôm bất kể ngày đêm, lỡ không may bị bọn cướp dàn cảnh giết người cướp xe (chuyện này không phải là hiếm) thì ai sẽ bảo vệ các bạn ấy?

Rồi những ngày nắng nóng này, nhiệt độ ngoài trời hơn 40 độ C, việc hàng chục sinh viên xếp thành hàng dài, cầm chung 1 sợi dây thừng đứng giữa đường làm “dải phân cách sống” để phân làn giao thông tại các điểm thi; kiên nhẫn đứng như vậy hàng tiếng đồng hồ dưới trời nắng nóng liệu có đảm bảo an toàn sức khỏe cho các bạn sinh viên không?

Trong khi các nhà chuyên môn về y tế khuyến cáo mọi người không nên ra đường để tránh những vấn đề tai biến do sốc nhiệt... Vậy thì chuyện "kiên nhẫn đứng như vậy hàng tiếng đồng hồ dưới trời nắng nóng lên tới 40 độ C…" có đáng được khuyến khích như là một chuyện nên làm không? Lỡ có bạn nào bị say nắng dẫn để tử vong hay đột quỵ thì ai chịu trách nhiệm?

Nói chung, còn nhiều chuyện khác nữa liên quan đến chuyện an toàn của sinh viên tình nguyện, nhưng có vẻ như các nhà tổ chức không để mắt đến, mà chủ yếu chỉ khuyến khích động viên theo dạng kiểu "người tốt, việc tốt".

Tôi luôn mong rằng đừng có điều gì bất trắc xảy ra với các bạn sinh viên tình nguyện vì chắc chắn đến lúc đó, những người thủ lĩnh sẽ: "Rất tiếc, chúng tôi không ngờ, chúng tôi đã cố gắng hết sức, chúng tôi sẽ rút kình nghiệm ...".

Mong sao, các nhà tổ chức sẽ cẩn trọng hơn nữa trong vấn đề này, để chúng ta có thể huy động được sức trẻ chung tay vào công việc xã hội nhưng vẫn phải đạt mức an toàn cao nhất đối với các bạn ấy".

Những giọt mồ hôi trong trưa hè nắng nóng tới 40 độ C.

Cùng chung suy nghĩ, Nguyễn Hoàng Nam, du học sinh Việt tại Hàn Quốc cho rằng, hành động sinh viên đứng đường phân làn giao thông thể hiện rất đúng bản chất của các bạn thanh niên: rất hăng hái, nhiệt tình, máu lửa nhưng đôi khi đã quên đi chính mình.

Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn có các biện pháp thay thế như sử dụng dây nilon mà các công nhân vẫn dùng khi cần sửa chữa đường. Các loại dây này rất dễ mua ở các hàng xén trên khắp cả nước.

Ngoài ra, nhìn sự việc dưới góc độ luật pháp, việc dàn hàng dài giữa đường có đúng luật giao thông đường bộ chăng? Hành động này của các bạn sinh viên tình nguyện rất đáng được khen ngợi nhưng không nên cổ xúy nữa.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Ai-chiu-trach-nhiem-tinh-mang-SV-tinh-nguyen-mua-thi/59/16973602.epi