Trong tương lai chúng ta sẽ ăn gì để tồn tại?

on .

Con người sẽ đối phó với khủng hoảng lương thực trong tương lai như thế nào khi mà dân số đang tăng quá nhanh so với khả năng sản xuất thực phẩm?

Thực phẩm là một phần của nền văn hóa và là một trong những yếu tố quan trọng cho sự sống còn của nhân loại. Mặc dù vậy với tốc độ tâng dân số như hiện nay thì tới năm 2050, chúng ta sẽ cán mốc 9 tỷ người.Tổ chức lương thực quốc tế (FAO) dự đoán để nuôi sống chừng đó con người thì ngành công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp phải tăng gấp đôi khả năng sản xuất.

Vậy chúng ta sẽ ăn gì trong tương lai và liệu nhân loại có đủ sức nuôi sống chính mình hay không?

Gia tăng dân số đồng nghĩa với việc khủng hoảng lương thực càng dễ xảy ra.

Khó khăn chồng chất

Các nhà khoa học và chuyên gia dân số đã chỉ ra ràng tốc độ gia tăng dân số một cách nhanh chóng chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu thốn lương thực trong tương lai. Cụ thể, dân số thế giới đã tăng gấp 4 lần chỉ trong giai đoạn thế kỷ 19 và 20.

UNICEF (Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc) cho biết từ bây giờ đến năm 2050 thì dân số thế giới sẽ tăng mạnh ở 3 khu vực chính: Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á (bao gồm cả Việt Nam). Thậm chí, tổ chức này còn dụ đoán 3 khu vực trên sẽ nắm 60% dân số thế giới vào năm 2050, tức là tương đương với con số 5,4 tỷ người. Một chi tiết không thể bỏ qua!

Những con số dự đoán trên là hệ quả của những bước tiến đột phá trong ngành Y học giúp giảm tỷ suất tử khi sinh của trẻ em xuống mức cực thấp, Mặc dù vậy chính những yếu tố này đã tăng thêm áp lực cho ngành công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp thế giới vốn vẫn đang loay hoay xử lý những vấn đề tồn đọng trong nhiều năm qua.

Ngoài việc dân số tăng nhanh thì việc nhu cầu ăn uống của loài người trở nên đa dạng và phong phú hơn cũng là một trở ngại cho vấn đề an ninh lương thực thế giới. Ví dụ như Việt Nam, nếu cách đây 20 năm chúng ta vẫn chỉ lo về vấn đề ăn cho no thì bữa cơm tại nhiều gia đình hiện này còn phải đủ dinh dưỡng và đủ chất. Chỉ từng đó thôi đã giúp chúng ta thấy được gánh nặng về lương thực khủng khiếp như thế nào.

Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh cũng khiến vấn đề an ninh lương thực bị đẩy vào hiểm cảnh khi đất canh tác sẽ ngày một ít dần đi. Nếu không có đất để trồng cây và nuôi động vật thì con người sẽ lấy gì để ăn? Chưa kể đến một vấn đề nữa là khí hậu ngày càng trở nên khắc nghiệt nên ngành nông nghiệp phải hứng chịu rất nhiều thiệt hại từ đủ loại thiên tai.

Nước luôn có vai trò quan trọng đối với con người.

Một vấn đề không quá nổi trội nhưng cực kỳ quan trọng: nước. Lượng nước trung bình dùng trong ngành nông nghiệp hơn hơn 100 lần so với lượng nước trung bình mà thế giới sử dụng trong vòng 1 ngày. Trong đó, lượng nước sử dụng cho ngành chăn nuôi còn cao hơn 13 lần so với lượng nước dùng cho ngành trồng trọt. Vấn đề này đối với ngành công nghiệp thực phẩm còn nghiêm trọng hơn khi có đến 50% lượng nước sử dụng bị lãng phí một cách vô ích trong quá trình sản xuất. Nhiều nhà khoa học đã lo ngại việc sẽ không có đủ nước cho tất cả như cầu của loài người.

Một câu hỏi được đặt ra: Liệu con người sẽ có thể tồn tại được bao lâu nữa?

Tập cách thích ứng với khó khăn

Con người đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về an ninh lương thực do rất nhiều nguyên nhân kể trên, rất may là chúng ta không hề làm ngơ trước vấn đề này. Hàng loạt kế hoạch, phương án và sáng kiến được đề xuất và thực hiện một cách nghiêm túc để đảm bảo nhân loại không bị lâm vào cảnh thiếu ăn trong tương lai, dưới đây là một vài ví dụ tiêu biểu:

- Ăn chay

Ăn chay ở đây có nghĩa là thay thế các thức ăn từ thịt thông thường bằng những thức ăn khác có lượng protein tương ứng được gọi là "thịt giả". Món "thịt giả" này được sản xuất theo những phương pháp khoa học tiêu tốn ít nước cũng như thải ra ít khí độc (CO2) và thời gian sản xuất cũng nhanh hơn rất nhiều việc nuôi lợn.

- Sử dụng thức ăn đột biến gen hoặc liên quan đến công nghệ sinh học

Liệu bạn có dám ăn một món ăn xuất phát từ một tế bào?

Các loại vỏ cây và rễ cây vốn chứa rất nhiều cellulose thay vì glucose (một loại đường cơ thể hấp thụ được), các nhà khoa học đã nghĩ ra phương pháp để biến các phân tử cellulose này thành glucose để giảm sức ép cho ngành trồng trọt cũng như đảm bảo nguồn cung cho 9 tỷ người trong tương lai. Thậm chí phương pháp này còn có thể biến những thứ bỏ đi thành thức ăn dinh dưỡng trong tương lai.

- Trồng cây tại sa mạc bằng nước biển

Nghe có vẻ rất khó tin đúng không? Một công ty mang tên Sundrop Farm, có trụ sở tại Australia, đã thành lập một trang trại nhà kính giữa sa mạc nóng bỏng. Họ sử dụng những tấm năng lượng mặt trời để loại bỏ muối khỏi nước biển lấy từ Thái Bình Dương về và bơm chúc vào bể tưới. Một ngôi nhà kính này có thể cho sản lượng 2800 tấn cà chua và 1200 tấn ớt trong một năm, rất ấn tượng!

- Ăn côn trùng

Châu chấu có thể trở thành món ăn chính trong tương lai.

Một việc tưởng chừng chỉ có ở những miền quê Việt Nam hay trên chương trình truyền hình Man vs Wild nhưng các nhà khoa học đã phải thừa nhận đó có thể là nguồn thức ăn quý giá của loài người trong tương lai. Trên thực tế, côn trùng là nguồn cung cấp protein cực kỳ đầy đủ, ngoài ra chúng còn chứa khá nhiều sắt và kẽm. Thậm chí việc nuôi những sinh vật này không hề tốn quá nhiều đất hay thức ăn, ngoài ra chúng ta còn có thể tận dụng thức ăn thừa để sủ dụng cho việc này. Một ứng dụng nữa của côn trùng là chúng ta có thể sử dụng chúng để nuôi những con vật lớn hơn, điển hình như một nhà máy mang tên Agriprotein - trụ sở tại Nam Phi - chuyên sản xuất khoảng 24 tấn ấu trùng và 7 tấn giòi trong một ngày cho mục đích này.

Có thực mới vực được đạo

Tương lai của nhân loại phục thuộc khá nhiều vào việc chúng ta sẽ ăn gì.

Một báo cáo của kênh National Geographic cho thấy trong năm 2014 có tới 1/3 lượng thức ăn trên toàn thế giới này bị ném vào thùng rác mà vẫn chưa có ai đụng đũa, trong khi đó hàng triệu trẻ em ở Châu Phi và Nam Mỹ có nguy cơ bị chết đói hoặc suy dinh dưỡng. Thực tế phũ phàng này có thể trở nên tệ hơn nếu loài người không nhanh chóng ra tay để sửa chữa nó, với những cách thức mới lạ phía trên thì chúng ta có quyền tin vào một tương lai no đủ của thế hệ sau.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Trong-tuong-lai-chung-ta-se-an-gi-de-ton-tai/82/17010530.epi