Chính quyền điện tử: 3 giải pháp chủ công của TP.HCM

on .

Đại diện Sở TTTT TP.HCM cho biết Thành phố đã chủ động triển khai các giải pháp văn phòng điện tử, tác nghiệp chuyên ngành và 'một cửa' điện tử trong công tác quản lý, điều hành.

Ngày 22/7 tại TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TTTT) TP.HCM phối hợp cùng Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam tổ chức hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử 2015 với chủ đề “Chính phủ điện tử, Y tế điện tử và Giao thông thông minh”.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng chiến lược con người đóng vai trò then chốt trong triển khai Chính phủ điện tử và cần xác định những chủ thể chính tham gia, từng chủ thể cần phải làm gì để giám sát quá trình triển khai. Bên cạnh đó, việc triển khai thành công chính quyền điện tử phụ thuộc vào quyết tâm của lãnh đạo địa phương.

Điển hình là TP.HCM (TP), nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TP, mà mô hình chính quyền điện tử đã có bước phát triển mạnh mẽ.

Cụ thể, nhằm thực hiện quyết định 23/2011/QĐ-UBND ngày 14/5/2011 của UBND TP về Kế hoạch thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước gắn với mục tiêu xây dựng mô hình Chính quyền đô thị GĐ 2011-2015 để hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tốt yêu cầu lãnh đạo và quản lý, và thực hiện quyết định số 27/2012/QĐ-UBND ngày 28/6/2012 của UBND TP phê duyệt Chương trình phát triển công nghệ thông tin-truyền thông giai đoạn 2011-2015 nhằm nâng cao năng lực làm chủ công nghệ và hiệu lực, hiệu quả quản lý hệ thống hạ tầng thông tin, nội dung thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố; đáp ứng yêu cầu cung cấp, trao đổi thông tin của xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, chính quyền TP.HCM đã triển khai tại nhiều chính sách và ứng dụng thực tiễn, từ đó gặt hái nhiều thành tựu đáng chú ý.

Bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở TTTT TP.HCM cho biết, giai đoạn 2010-2015, TP đã tích cực đẩy mạnh phát triển các ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và điều hành của chính quyền TP, và những ứng dụng đã triển khai thực tế là Văn phòng điện tử, Tác nghiệp chuyên ngành và "một cửa" điện tử.

Bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở TTTT Thành phố báo cáo tình hình xây dựng chính quyền điện tử của TP.HCM tại hội thảo.

Văn phòng điện tử

Theo bà Trinh, văn phòng điện tử được thực hiện rộng rãi trên toàn TP, với 100% quận/huyện (24/24 đơn vị) và 72% Sở-Ban-Ngành (48/66 đơn vị) đã được triển khai 6 phần mềm thuộc nhóm môi trường làm việc điện tử.

Trong đó, các ứng dụng đã được triển khai trên thực tế bao gồm hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc cho phép kết nối từ Văn phòng UBND TP và các quận-huyện, Sở-Ban-Ngành, các tổng công ty. Hệ thống lịch công tác, thư mời họp qua SMS, email, smartphone giúp thông tin nhanh chóng và tiết kiệm chi phí, ngoài ra còn có các ứng dụng thực tế khác đáng chú ý như phòng họp trực tuyến có độ bảo mật cao hay hệ thống khiếu nại tố cáo giúp mọi thứ minh bạch, dễ dàng hơn.

Hồi tháng 9/2014, UBND TP đã ban hành văn bản về việc vận hành chính thức Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc qua mạng tại TP.HCM và tính đến ngày 25/6/2015 đã có 494.533 văn bản trao đổi qua mạng giữa 177 đơn vị trực thuộc.

Tác nghiệp chuyên ngành điện tử

Ở nhóm giải pháp này, tất cả quận huyện đã thực hiện tác nghiệp chuyên ngành với mô hình chung khi được trang bị 25 phần mềm (thuộc các nhóm chính: hồ sơ hành chính , đất đai xây dựng, quản lý tài nguyên) và triển khai 52/66 đơn vị phần mềm cấp phép và phần mềm tác nghiệp tại các Sở-Ban-Ngành.

Phó Giám đốc Sở TTTT Thành phố cho biết, các công cụ này được đưa ra nhằm mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp. Hệ thống quản lý chất lượng điện tử bao gồm các tiêu chuẩn về trách nhiệm lãnh đạo, kiểm soát hồ sơ, quy trình, nguồn lực cũng như chất lượng dịch vụ hành chính công. Ngoài ra còn bao gồm các công cụ, chức năng như đánh giá, đo lượng và phân tích nhằm cải tiến các hoạt động của chính quyền.

Mô hình thành phố thông minh của TP.HCM

Hệ thống một cửa điện tử 

Đây là dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư đăng ký, hoàn tất toàn bộ hồ sơ hành chính qua mạng mà không cần phải gặp trực tiếp cán bộ, công chức.

Đối với giao dịch một cửa điện tử, tổng số đơn vị tham gia là 31 đơn vị, trong đó có 24 quận/huyện và Cổng thông tin điện tử Thành phố - HCMCity Web có 72 trang thành viên.

Hồi năm 2013, TP thông qua cổng thông tin này để giải quyết 89% hồ sơ đúng hạn, các đơn vị thành viên cũng có những thành quả đáng chú ý như H.Củ Chi giải quyết đúng hạn tới 99% trong tháng 1/2014 hay như con số 97% của Q.Tân Bình trong cùng khoảng thời gian.

Định hướng triển khai giai đoạn 2016-2020

Trong giai đoan 2016-2020, theo kế hoạch đề ra, TP.HCM sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử của TP nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên nhiều lĩnh vực. Ngoài ra việc tích hợp, liên thông, khai thác cơ sở dữ liệu quản lý liên ngành nhằm phục vụ công tác và quản lý của TP cũng được đẩy mạnh.

Cụ thể hơn, TP sẽ đưa vào sử dụng ứng dụng xu hướng S.M.A.C nhằm tăng năng suất và khả năng di động cho cán bộ công chức nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp, đồng thời đưa các ứng dụng CNTT đến với từng người một cách thân thiện và tiện lợi.

 

Mô hình SaaS của HCM-eGOV.

Vẫn theo lời bà Trinh, trong thời gian sắp tới, TP sẽ hoàn thiện môi trường để cán bộ công chức trao đổi công việc trên mạng theo từng lĩnh vực cụ thể để giải quyết nhanh công việc, cũng như tiếp tục đầu tư nghiên cứu, phát triển nền tảng HCM-eGOV trở thành mô hình SaaS (phần mềm như một dịch vụ) là khung ứng dụng cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn.

Nguồn: http://www.pcworld.com.vn/articles/kinh-doanh/nha-nuoc/2015/07/1241471/chinh-quyen-dien-tu-3-giai-phap-chu-cong-cua-tp-hcm/