Microsoft mạnh hơn hẳn Google và Apple ở lĩnh vực quan trọng này

on .

Hãy thử tưởng tượng bạn đang ngập chìm trong đống dữ liệu và một trợ lý ảo thông minh sẽ giúp bạn sắp xếp và tìm kiếm chúng dễ dàng.

Bài viết thể hiện quan điểm của Matt Weinberger, phóng viên công nghệ của BusinessInsider.

Có rất nhiều người sử dụng máy tính và cực kỳ "ngăn nắp" trong việc sắp xếp các dữ liệu của mình, các file được đưa vào đúng thư mục của nó, trật tự các dữ liệu được sắp xếp chuẩn mực.

Tôi không phải là một người như vậy, và rõ ràng tôi không phải kẻ duy nhất.

Khi tôi cần tìm một coupon nào đó, tôi phải lục lọi Gmail. Khi phải tìm một bức ảnh mình đã tải về từ lâu, việc tìm kiếm các thư mục và tệp có thể khiến bạn phát điên. Trong khi đó, tài khoản Dropbox thì giống như một vùng đất chết với tất cả các thể loại giấy tờ hay những tấm ảnh hài hước.

Theo IBM, chúng ta đã tạo ra tới 2,5 tỷ GB thông tin, 90% số dữ liệu đó mới được tạo ra chỉ trong 2 năm qua.

Khi các thiết bị di động phát triển, người dùng cài đặt rất nhiều ứng dụng và các bộ lưu trữ đám mây, đến mức không thể sàng lọc nổi dữ liệu của mình thông qua màn hình nhỏ bé kia. Vấn đề này chưa từng được các nhà phát triển chú ý tới, nhưng mới đây Microsoft đã tìm ra giải pháp dành cho nó.

1. Một trợ lý ảo được "trang bị" tính cách con người.

Hãy tưởng tượng rằng bạn nói chuyện với thiết bị của mình, yêu cầu nó tìm kiếm thông tin cho bạn, và rồi bạn nhận được một câu trả lời hoàn hảo, thật đáng kinh ngạc đúng không? Thiết bị không chỉ nhận dạng giọng nói hay thực hiện các câu lệnh, nó biết lắng nghe và hiểu những gì bạn nói như một cuộc đối thoại giữa người với người.

Hãy nhìn lại Watson của IBM, một trí thông minh nhân tạo thể hiện rằng nó hiểu tiếng Anh, nó từng đánh bại 2 người chơi trong game show truyền hình Jeopardy với khả năng nghe và hiểu tiếng Anh của mình (tôi đã từng có cơ hội chơi Jeopardy với Watson một hai lần và tôi có thể khẳng định đó không phải là sự may mắn).

Trí thông minh nhân tạo của IBM đánh bại người thật trong game show truyền hình.

Sau đó là Siri, do Apple phát triển, cũng chính là tiền đề cho cuộc đua giữa Apple, Google và Microsoft sau này về trợ lý ảo. Siri ra mắt rất ấn tượng và phục vụ tốt người dùng iOS, tuy nhiên trong suốt một thời gian dài, trợ lý ảo này không hề nhận được những sự nâng cấp đáng kể nào từ "cha đẻ" của nó.

Google và Microsoft thì khác, họ tích cực hơn trong việc đổi mới và làm trợ lý ảo của mình ngày một tốt hơn. Google Now và Cortana có khả năng sử dụng dữ liệu của hệ sinh thái trên nền tảng của mình như email, lịch sử trình duyệt và lịch sử tìm kiếm rất tốt.

Dù vậy, để đạt đến mức độ "cứu rỗi" thì vẫn là một chặng đường dài, các trợ lý ảo vẫn còn rất hạn chế trong việc trả lời các câu hỏi phức tạp. Nhưng chúng đang được "dạy dỗ" từng ngày để trở nên thông minh hơn. Cá nhân tôi thích Cortana, bởi cô nàng trợ lý ảo này dường như có một nhân cách, một nhân cách từ nhân vật trong trò chơi Halo trên Xbox.

2. Quân bài chiến lược

Điều đáng nói nhất về Cortana, có lẽ đến từ sự quan tâm của "cha đẻ" cô ấy, hãng Microsoft. Microsoft đặt rất nhiều kì vọng vào dự án trợ lý ảo của mình và đặc biệt chú ý đến việc sử dụng Cortana để làm việc, hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngoài những điều thú vị mà Cortana có thể làm như hát và kể truyện, cô còn nằm trong dự án Cortana Analytics Suite hướng đến khách hàng doanh nghiệp để giúp họ quản lý dữ liệu, giống như Watson Analytics của IBM (những câu hỏi dạng như "Sản phẩm nào bán chạy nhất" chẳng hạn).

Với cấp độ ngày một cao hơn, hệ thống này cho phép bạn hỏi Cortana về những dữ liệu rất cụ thể, như về báo cáo chi phí của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nào đó, sau đó yêu cầu chia sẻ dữ liệu đó tới những đồng nghiệp khác.

Trong cả 2 vai trò, Cortana đều đáp ứng rất nhanh những câu trả lời mà bạn đang tìm kiếm, nhanh hơn rất nhiều so với việc bạn tìm và sắp xếp dữ liệu một cách thủ công.

3. Mới chỉ là bản vẽ ban đầu

Dù vậy, có một hạn chế rất lớn với cô nàng trợ lý ảo này.

Cortana đang dần trở nên hoàn hảo.

Cortana sẽ có khả năng hoạt động trên cả các cơ sở lưu trữ đám mây như Drive hay Dropbox, nhưng chỉ với người dùng máy tính của Lenovo, những người dùng khác thì không. Trong khi đó, trợ lý ảo Google Now cũng đang cố gắng hợp tác với các công ty chuyên về lưu trữ như Runkeeper hay Zipcar để làm phong phú hơn khả năng lưu trữ và tìm kiếm.

Nói cách khác, vấn đề này không chỉ dừng lại ở các trợ lý ảo, đó là một cuộc chiến giữa các nền tảng. Nếu bạn lựa chọn Google Now, nó sẽ giúp bạn gắn kết với hệ sinh thái của Google tốt hơn, một điều rất tốt theo một góc độ nào đó.

Còn nếu chọn Cortana, nghĩa là bạn chọn các dịch vụ của Microsoft, giúp các dịch vụ hãng này tăng trưởng. Đây cũng là một trong những lí do Cortana được tích hợp trực tiếp vào Windows 10 ( bạn cũng có thể sử dụng Google Now qua trình duyệt trên máy tính). Vì thế, chẳng bất ngờ khi Cortana sẽ cập bến Android và iOS trong thời gian tới.

Các trợ lý ảo là tương lai của bất kể nền tảng hệ điều hành nào, mang lại những tiện ích cho người dùng, sẽ không còn phải lặn lội tìm kiếm các dữ liệu trong đám lộn xộn kia nữa. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng trên đời không có gì là miễn phí cả.

Tham khảo BusinessInsider 

Link: http://www.baomoi.com/Microsoft-manh-hon-han-Google-va-Apple-o-linh-vuc-quan-trong-nay/76/17249531.epi