Khi chính quyền chỉ cho dân cách đi làm không kẹt xe

on .

Việc xây dựng một “thành phố thông minh” hay đô thị thông minh đã và đang trở thành xu thế phát triển mạnh mẽ của thời đại, là một cuộc cách mạng về quản lý đô thị.

Nói một cách dễ hiểu, “thành phố thông minh” là nơi công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông được ứng dụng vào mọi hoạt động đem lại hiệu quả trong quản lý nhà nước, trong phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, xã hội và cộng đồng.

thành phố thông minh, kẹt xe, U-city, chính quyền, quy hoạch, đô thị thông minh

Trong một thành phố thông minh, hoạt động ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền sẽ đóng vai trò trung tâm.

Hãy thử tưởng tượng một buổi sáng thức dậy, bước ra đường đi làm, mọi công dân đô thị sẽ được cảnh báo ngay thời tiết bất thường trong ngày hay chỉ đường đến chỗ làm mà không bị kẹt xe; chạy ô tô vào trung tâm thành phố, biết ngay còn bao nhiêu chỗ trống để đậu xe…

Hay những câu chuyện lớn hơn trong quản lý xã hội như hệ thống chiếu sáng toàn thành phố, giám sát môi trường, quản lý rác thải… cũng dễ dàng được cập nhật từng phút để có những điều chỉnh thích hợp.

Quy hoạch tổng thể quốc gia

Từ lâu, Hàn Quốc được biết đến trên thế giới như là một trong những nước thực hiện thành công dự án về thành phố thông minh (U-city).

U-city là mô hình thành phố hiện đại, kết hợp giữa xây dựng đô thị và kỹ thuật, công nghệ thông tin cần đưa ra một kế hoạch hoạch chi tiết ở tầm quốc gia. Quy hoạch tổng thể của U-city bao gồm tầm nhìn và phương hướng phát triển cơ bản của U-city, quá trình và các giai đoạn triển khai thực hiện xây dựng U-city quốc gia…

Để thực hiện những dự án này, Hàn Quốc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia và chế độ pháp lý liêu quan, đồng thời chỉ đạo khuyến khích đơn vị địa phương tham gia tích cực.

Như kinh nghiệm tại Hàn Quốc, nên xây dựng chu kỳ 5 năm ở tẩm quốc gia nhằm xây dựng và quản lý hiệu quả U-city.

Khi xây dựng bộ luật về U-city, Hàn Quốc đã xác định rõ mục tiêu, chiến lược và kế hoạch thực hiện để từ đó chuẩn bị hệ thống nền tảng, phát triển công nghệ trọng tâm, hỗ trợ nuôi dưỡng ngành xây dựng U-city và sáng tạo U-service (hệ thống hành chính thông minh, dịch vụ thông minh, tiến bộ y tế, nhân lực ngành IT mũi nhọn…).

Đồng thời, để quy hoạch U-city cần phải có sự phân tích kỹ về đặc trưng, điều kiện và tình hình khu vực; việc xây dựng phương hướng cơ bản và mục tiêu quy hoạch, chiến lược triển khai xây dựng và cả các dịch vụ tại U-city cũng đều phải tính đến đặc trưng của khu vực; thực hiện theo giai đoạn; phân trách nhiệm và hợp tác giữa các cơ quan hành chính liên quan; có phương án xây dựng, quản lý và vận hành các công trình, thiết bị cơ bản của U-city.

Trong việc xây dựng phát triển U-city, công nghệ đóng vai trò rất quan trọng. Hàn Quốc đã đổi mới áp dụng công nghệ tiên tiến cho đô thị: xây dựng môi trường mới thông qua áp dụng công nghệ U-city để biến đổi những tồn tại của đô thị thành không gian hữu ích thông minh; cung cấp những dịch vụ đa dạng, thuận tiện và truyền thông công nghệ giữa con người, công nghệ không gian…

Dân uống nước thẳng từ vòi

Dù đến nay vẫn chưa có định nghĩa cụ thể nào về “thành phố thông minh” thì sắp tới một thành phố như vậy sẽ xuất hiện ở bang Gujarat, Ấn Độ.

Được đặt ở ngoại ô Gandhinagar, thủ phủ bang Gujarat, thành phố tài chính - công nghệ quốc tế Gujarat (Gujarat International Finance Tec - City - GIFT) hiện mới chỉ có hai tòa nhà đa chức năng và một công trình ngầm. Số lượng tòa nhà sẽ được xây thêm để đưa thành phố trở thành một trung tâm tài chính, với ưu đãi về thuế và các chính sách khác nhằm thu hút các nhà đầu tư.

Với một đường ống ngầm cho các phương tiện kĩ thuật thiết yếu đầu tiên ở Ấn Độ, GIFT nhắm đến mục tiêu cạnh tranh với Mumbai, thủ phủ tài chính hiện thời, cũng như những đối thủ quốc tế khác như Dubai, Singapore.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, sẽ có 100 thành phố thông minh vào năm 2020 để đáp ứng các cuộc di dân vào thành phố.

Theo ước tính của các cố vấn KPMG (một trong 4 hãng kiểm toán lớn nhất thế giới), với chi phí xây dựng khoảng 1.000 tỷ USD, những thành phố với các tòa nhà chọc trời sẽ chứng kiến nước uống thẳng từ vòi, hệ thống thu gom rác thải tự động và hệ thống cung cấp điện chuyên dụng cũng như nhiều tiện ích khác.

Các thành phố thông minh được coi là nơi thu hút đầu tư. Cơ sở hạ tầng tốt, đơn giản và quá trình trực tuyến rõ ràng có thể dễ dàng thành lập một doanh nghiệp và vận hành hiệu quả là các tính năng quan trọng của một thành phố đầu tư thân thiện.

PV

Nguồn: http://www.baomoi.com/Khi-chinh-quyen-chi-cho-dan-cach-di-lam-khong-ket-xe/c/17362122.epi