Ý tưởng nhỏ, giá trị lớn

on .

Là một trong những người đầu tiên xây dựng, triển khai dự án hệ thống mạng 3G của Viettel, Đại úy Lưu Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Di động, Tổng công ty Mạng lưới Viettel (Tập đoàn Viễn thông Quân đội) luôn là “đầu tàu” trong việc đưa ra những sáng kiến nhỏ mang lại giá trị lớn cho Tập đoàn. Với 25 sáng kiến, ý tưởng được công nhận, anh đã góp phần làm lợi cho Tập đoàn 202 tỷ đồng và được chọn là một trong những nhà khoa học trẻ tiêu biểu.

Đại úy Lưu Mạnh Hà (người đứng giữa) cùng các đồng nghiệp kiểm tra, lắp đặt các trạm thu phát sóng. Ảnh: NGUYÊN HẠNH

Chúng tôi gặp Đại úy Lưu Mạnh Hà vào một buổi chiều muộn để tìm hiểu về những ý tưởng, sáng tạo đã được công nhận và động lực nào giúp anh liên tục có những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Đại úy Hà không khỏi bất ngờ và cho rằng, những sáng kiến, ý tưởng này vốn không có gì “to tát”, chỉ là được nảy sinh trong quá trình làm việc thực tiễn, đã bộc lộ những bất cập và đòi hỏi phải có cách giải quyết. Thông thường tại Viettel, anh và các đồng nghiệp luôn có một “kim chỉ nam” khi làm việc. Đó là: “Giải quyết vấn đề không mới bằng cách không cũ, dựa trên những nền tảng sẵn có để cải tiến hiện đại hơn”. Còn nhớ vào những năm đầu tiên khi Viettel triển khai dịch vụ Imuzik, hệ thống tính cước chưa đủ hoàn thiện, nhiều khách hàng đã tìm ra cách “lách” để không bị trừ tiền khi sử dụng. Mọi người đều nhìn ra được “lỗ hổng” đó, nhưng giải quyết thế nào thì lại không ai “dám” đưa ra ý tưởng. Đại úy Hà đã trăn trở điều này hằng đêm và quyết định phải cải tiến hệ thống tính cước thông minh hơn, tốt hơn. Sau bốn tháng nghiên cứu, anh và các cộng sự đã tìm ra phương án tối ưu hóa hệ thống sẵn có, viết phần mềm và chạy thêm máy chủ để quản lý, tìm kiếm cách khách hàng đang “lách luật”. Nhờ đó, hệ thống theo dõi tận thu cước tháng dịch vụ Imuzik được ra đời, mang lại kết quả bất ngờ khi con số tận thu trong một tháng lên tới hơn 7 tỷ đồng. Một nhà khoa học từng nói, đại ý những ý tưởng quá to tát, vĩ đại thường không mang lại giá trị thực tiễn nhiều. Ngược lại, những ý tưởng nhỏ nếu cải tiến từng chút một, nhiều ý tưởng nhỏ tích lũy lại sẽ tạo ra giá trị lớn. Đại úy Hà cho rằng làm khoa học nhiều khi chỉ là cải tiến, sáng tạo trên nền tảng những gì sẵn có, kết quả chắc chắn rất bất ngờ. Do vậy, không quá ngạc nhiên khi cho đến nay trong tay Đại úy Hà đã có 25 sáng kiến được công nhận: Giải pháp nâng cao dung lượng cho dịch vụ tin nhắn; nghiên cứu thiết kế sản xuất trong nước vỏ tủ 2U-BTS 2G Nokia Siemens tiết kiệm chi phí đầu tư mua nước ngoài; xây dựng hệ thống giám sát thiết bị truyền dẫn viba; Triển khai bộ tham số QoS đồng nhất trên hệ thống mạng truyền tải để cải thiện chất lượng mạng 3G và chất lượng các dịch vụ data khác trên toàn mạng lưới Viettel…

Nhưng đối với Đại úy Hà, dự án “để đời” chính là việc xây dựng, thiết kế, cấp phép triển khai dịch vụ 3G để được nhận giấy phép từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Còn nhớ, lúc ấy, Đại úy Hà mới 28 tuổi và được giao trọng trách trưởng nhóm kỹ thuật. Kinh nghiệm trải nghiệm nghề nghiệp chưa có nhiều, phải tự nghiên cứu, mày mò, học hỏi từ kinh nghiệm của các bạn nước ngoài, tham gia các diễn đàn để xem cách triển khai như thế nào, sử dụng công nghệ gì, cách thức thiết kế và cả những khó khăn khi làm để có các phương án giải quyết. Tại nhiều nơi, trong trường hợp chưa có kinh nghiệm như vậy, họ sẽ thuê một đối tác để thực hiện. Nhưng lãnh đạo Tập đoàn đã quyết định dự án này phải thực hiện bằng sức lực, trí tuệ từ nội tại. Thế nên, tiếp theo đó là những ngày Đại úy Hà và các cộng sự thường xuyên “trắng đêm”, quên ăn quên ngủ để kịp tiến độ thiết kế cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho dự án. Ba tháng ròng rã như vậy, cho đến đêm trước ngày trình “bài thi”, vẫn còn ngổn ngang những câu hỏi như làm 3G như thế nào, triển khai ở nông thôn hay thành thị? Đêm hôm ấy, từ những vị lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn như đồng chí Hoàng Anh Xuân, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, lúc bấy giờ là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel… đều ngồi lại cùng các kỹ sư cho đến tận sáng hôm sau, đưa ra các phương án, định hướng tối ưu nhất. Không phụ công người, dự án của Tập đoàn Viettel đã đạt điểm cao nhất, gần như tuyệt đối. Tuy vậy, khi triển khai, dự án lại gặp nhiều khó khăn. Việc làm trên “giấy” khác với việc triển khai thực tiễn rất nhiều, từ việc chọn thuê trạm đến cả việc trồng cột, kéo cáp... Tháng 3-2010, Viettel bắt đầu chính thức cung cấp dịch vụ 3G. Trong hồ sơ thi tuyển, Viettel cam kết lắp đặt năm nghìn trạm phát sóng, nhưng ngay tại thời điểm khai trương dịch vụ, Viettel đã có tám nghìn trạm, gấp hơn 1,5 lần so với cam kết. Cũng trong năm đó, mạng 3G của Viettel đã trở thành mạng lớn nhất các nước ASEAN với gần 17 nghìn trạm phát sóng. Đó là thành quả cho sự nỗ lực không biết mệt mỏi, làm chủ công nghệ mới của “Người Viettel” nói chung, nhưng cũng là “quả ngọt” của sự sáng tạo không ngừng trên mặt trận nghiên cứu của những nhà khoa học trẻ như Đại úy Hà và các cộng sự.

Sáng tạo, nghiên cứu là công việc không bao giờ ngừng nghỉ. Đại úy Hà luôn tâm niệm rằng, mỗi người đều có thể tạo ra những giá trị riêng và các công trình khoa học chỉ có giá trị khi có ứng dụng thực tiễn. Hiện nay, Đại úy Hà được lãnh đạo Tập đoàn giao phó nhiệm vụ phụ trách dự án thiết kế, triển khai dịch vụ 4G - cho phép người dùng sử dụng băng thông lớn hơn, sử dụng in-tơ-nét có các dịch vụ đa phương tiện, mạng xã hội và các ứng dụng y tế, văn hóa và giáo dục. Đây được coi là một thử thách mới đối với Đại úy Hà và được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều giá trị to lớn cho Tập đoàn Viettel cũng như khách hàng Việt.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn: http://www.baomoi.com/Y-tuong-nho-gia-tri-lon/c/17462053.epi