Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Các bạn sinh viên ơi, đừng già trước tuổi…”

on .

Đó là lời khuyên của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trước những nỗi băn khoăn, trăn trở về việc làm trước thực trạng sinh viên ra trường làm việc trái ngành nghề, không đúng với chuyên môn.

Có rất nhiều sinh viên trăn trở, lo lắng trước thực trạng việc làm sau khi ra trường hiện nay.

Sau buổi lễ khai giảng năm học 2015 – 2016 (15.9), tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), trong cương vị là khách mời, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và GS.TS Nguyễn Văn Khánh – Hiệu trưởng trường ĐH KHXH & NV (ĐHQG HN), đã tham gia giao lưu, giải đáp những thắc mắc liên quan đến việc làm trong thời gian theo học và khi kết thúc chương trình học tại trường.

Nỗi lo của bạn Nguyễn Thu Hằng (sinh viên năm nhất, khoa Báo chí và truyền thông quan hệ công chúng) về tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc làm việc không đúng với chuyên môn là rất cao, “Vậy xin hỏi Phó thủ tướng là, các vị lãnh đạo Chính phủ sẽ có những giải pháp như thế nào trong việc sinh viên sau khi ra trường sẽ được làm việc đúng với chuyên môn của mình để phát huy được tri thức mà mình đã được học trên giảng đường của trường đại học?”

Bạn Nguyễn Việt Phương (sinh viên khoa Triết học, K60) dành câu hỏi đến Phó thủ tướng trước những thành kiến với môn Triết học, những môn khoa học cơ bản ở những vùng quê: “Phó thủ tướng có suy nghĩ gì về những thành kiến, và có giải pháp nào để khơi dậy các ngành khoa học cơ bản lịch sử, khoa học, triết học để sinh viên theo học những khoa này có niềm tin vào mai sau có thể sống bằng đam mê của mình?”.

“Trước thực trạng các nhà tuyển dụng yêu cầu sinh viên phải có ít nhất 1 đến 2 năm kinh nghiệm, và chúng em chỉ nên học trong nhà trường thôi để đến khi tốt nghiệp được đi làm hay là nên vừa học vừa làm?” – bạn Thu Quyên (sinh viên năm 3, khoa Văn học) chia sẻ nỗi gian truân việc làm trong thời gian còn ngồi ghế nhà trường với Phó thủ tướng.

Trước những nỗi băn khoăn, lo lắng của các sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG HN), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Tôi xin phép không trả lời từng câu một, mà xin được chia sẻ với các bạn như thế này:

Đánh giá về tầm quan trọng của khoa học xã hội nhân văn và khoa học cơ bản, đặc biệt là những môn như triết học, tôi không học về khoa học nhân văn, là dân học kỹ thuật cho nên tôi cũng không rành lắm, nhưng tôi cũng hiểu rằng, để một đất nước phát triển thì nhất định tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước ấy phải mạnh, bây giờ có nhiều người tranh luận rằng phải chăng là những ngành công nghệ, khoa học ứng dụng,… chắc chắn đúng, những ngành đó rất cần nhưng không đủ.

Hình ảnh Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi giao lưu với các sinh viên. Ảnh Bảo Anh.

Nếu chúng ta không có nền tảng, dù trong một giai đoạn ngắn có thể đạt được một số kết quả nhưng rồi sẽ bị hẫng hụt, sẽ bị những bước để khắc phục được những bước ấy phải cần rất nhiều nguồn lực hơn là chúng ta chú ý từ ban đầu.

Khoa học cơ bản nói chung, nhất là những ngành khoa học cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, tất cả suy cho cùng là vì con người, chúng ta có được lịch sử nghìn năm chiến thắng rất nhiều thiên tai địch họa là vì chúng ta có những vấn đề thực sự liên quan tới đối tượng nghiên cứu khoa học, học tập của các bạn.

Chúng ta tìm về con đường đổi mới để vươn lên, suy cho cùng cuộc sống sản xuất phát triển để chúng ta có một cuộc sống hạnh phúc.

Việt Nam ta ngay từ những ngày đầu lập nước, Bác Hồ đã chọn là “Việt Nam dân chủ cộng hòa” và “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, tất cả những thứ đó là các môn học, các đối tượng nghiên cứu của chính các bạn, có thể ở một thời điểm ngắn nào đó chúng ta chưa chú ý, nhưng rồi đến thời điểm chúng ta đủ hiểu biết sẽ phải bù lại nó.

Các bạn năm 3 băn khoăn là nay mai có xin được việc không, bạn năm thứ nhất thì nay mai ra trường có làm đúng ngành đúng nghề không?

Các bạn ơi, đừng già trước tuổi…!

Các bạn đã rất vất vả và gia đình các bạn cũng đã rất vất vả qua 12 năm ăn học để vào đại học, các bạn cũng đừng quên rằng vào đại học là các bạn bắt đầu thành người lớn, theo đúng luật đấy nhé!

Một môi trường hoàn toàn khác, các bạn hãy bước vào đó một tâm thế hãy sống hết mình, hãy hết sức học tập dù là học ở sách vở, học ở bạn bè, thầy cô hay các bạn đi làm thêm, tôi cho rằng điều đó không quan trọng, mà tùy từng bạn một, chúng ta có thể học được ở sách vở, ở công việc, trong công việc làm thêm,…

Tất cả mọi thứ vô cùng cần, nhưng tôi muốn nói rằng đều chưa ăn thua gì cả, các bạn có tốt nghiệp đại học cũng đừng tưởng rằng những kiến thức các bạn học được ra trường có thể cống hiến được cho xã hội, đó mới chỉ là những kiến thức cơ bản nhưng quan trọng nhất là phương pháp học và hơn nữa là hướng tới cho các bạn một phần nào đó các kỹ năng cần thiết khi ra đời làm việc.

Các bạn hãy chia sẻ với các anh chị khóa trên xem các bạn muốn gì, khi đã xác định được mình muốn gì rồi, bằng mọi cách các bạn hãy cháy hết mình vì cái đó.

Cũng đừng băn khoăn nhiều lắm về làm trái ngành trái nghề hay không, vì bản thân tôi cũng đang làm cái ngành trái nghề. Tôi thi vào trường Bách Khoa, học về Tin học, và chưa bao giờ được đào tạo để làm Phó thủ tướng cả. Thậm chí tôi được mọi người đánh giá rằng khả năng giao tiếp xã hội của tôi cực kỳ yếu. Điều đó là rất thật.

Chúng ta làm sao cố để những điều tốt đẹp mỗi ngày nhân lên một tí, Hãy thực sự nghĩ rằng, có thể làm được điều gì tốt cho mọi người thì mình làm.

Còn đất nước chúng ta, làm sao giải quyết được việc làm, bây giờ chỉ có một cách thôi, là các bạn và tôi, tất cả mọi người ngày hôm nay đã cố 1 rồi thì nhất định phải cố hơn nữa, đừng đòi hỏi gì nhiều, nếu kinh tế không phát triển, không nhiều nhà đầu tư để mở mang sản xuất, không có công xưởng, nhà máy, văn phòng thì làm sao có chỗ làm…?!

Đảng và Chính phủ đương nhiên là phải có những đường lối chung để khuyến khích phát triển sản xuất để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư,… doanh nghiệp, cộng đồng xã hội cũng vậy, nhưng để một đất nước phát triển không chỉ cần những chính sách trên giấy tờ mà cần phải có một sự tham gia của toàn xã hội, mỗi người ở cương vị của mình thì tham gia ở đúng cương vị của mình là các bạn tự học làm sao khi tốt nghiệp ra trường đúng là một cử nhân đạt đúng trình độ của cử nhân thế giới.

Nếu tất cả chúng ta làm đúng việc của mình thì xã hội sẽ phát triển thì đất nước sẽ phát triển, sẽ có nhiều việc làm, và “phú quý sinh lễ nghĩa”, một khi kinh tế đã phát triển rồi thì những nghề nghiệp sẽ được trọng dụng”.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Pho-Thu-tuong-Vu-Duc-Dam-Cac-ban-sinh-vien-oi-dung-gia-truoc-tuoi/c/17508268.epi