Tâm thư cảm động của thầy giáo dành cho những sinh viên lười

on .

Các em mất cả gốc lẫn rễ rồi, nhưng thầy có thể giúp đi lên từ con số 0 nếu có thái độ học tập tốt. Vậy mà các em thờ ơ, có em bất cần, có em hứa thật nhiều và thất hứa cũng thật nhiều', thầy Nguyễn Quốc Vỹ viết.

"Sau gần 4 năm rời xa phấn trắng, bảng đen để đi học và nghiên cứu, học kỳ này quay trở lại trường, thầy chỉ dạy một môn với số giờ có lẽ là ít nhất trường. Thầy tham gia dạy với mong muốn xem các em giờ thế nào, có khác với những sinh viên của thầy trước đây. Có cơ hội để chia sẻ những gì thầy biết đến với các em thì đó là niềm vui của thầy. Nếu không truyền đạt, không trao đổi và cứ giữ khư khư những điều mình biết thì với thầy sẽ không còn ý nghĩa gì nữa. Thầy cũng hiểu rằng, truyền đạt cho các em thì cũng sẽ học được từ chính các em.

Học môn này, các em làm bài tập nhiều đúng không? Trừ buổi đầu chúng ta dành thời gian để làm quen, giới thiệu chung, nhắc lại quy định, trao đổi cùng nhau thì 14 tuần còn lại là 14 bài tập. Học thực hành thì phải làm bài tập và chỉ có như vậy mới "khá" lên. Để có một bài tập phát cho các em thực hiện trong 3 tiết, thầy phải đầu tư thời gian và công sức cả ngày. Chỉnh sửa, in ấn, photo... cũng tốn thời gian nữa chứ.

Thầy làm như vậy vì muốn các em tiết kiệm tiền do không phải photo cả cuốn giáo trình dày cộm mà không đọc và cũng là để cho bài tập phù hợp với trình độ của các em. Bài tập mà các em nhận là "đứa con tinh thần" của thầy. Nhưng, các em "đối xử" thế nào? Các em thực hiện chưa xong đã vứt và hôm sau chẳng có bài tập để làm. Em nào thực hiện xong rồi cũng... vứt luôn mà chẳng cần lưu giữ hay ghi chú gì thêm trong đó.

Một tuần thầy giao tiếp hơn 200 em. Mệt mỏi với các em trong những tuần đầu vì hầu hết quên những kiến thức cơ bản nhất. Nhưng, khi các em đã biết một ít kiến thức rồi thì lại nghĩ rằng đã đủ, đã có thể thi đậu và thậm chí là đã giỏi. Từ đó, các em muốn về sớm mà chẳng bao giờ chịu hỏi thêm dù thầy luôn khuyến khích hỏi.

Thầy thấy rằng, trong một lớp chỉ có chừng vài bạn là tích cực học và hỏi. Còn lại, các em vẫn cứ như đang "mơ về nơi xa lắm". Các em mong hết giờ, ngồi học mà mệt mỏi lắm, rồi ngáp, rồi "vọc" điện thoại và nếu có nhắc nhở thì phản ứng lại hoặc làm cho có.

Thầy biết rằng nhiều em học yếu lắm. Phải nói và viết thật như vậy. Các em mất cả "gốc" lẫn "rễ" rồi. Nhưng, thầy nghĩ rằng có thể giúp các em đi lên từ con số 0 nếu có một thái độ học tập tốt. Vậy mà, mong mỏi nhỏ nhất của thầy tìm cũng không thấy. Các em thờ ơ, có em bất cần, có em "hứa thật nhiều và thất hứa cũng thật nhiều".

Thầy dạy bù thì các em không đến dù đã thỏa thuận và nhắc lại trước buổi học. Thầy ghi thời gian lên bảng thông báo việc bồi dưỡng thêm thì các em cũng ghi lại, có em lưu vào điện thoại nhưng đến ngày giờ đó thì để thầy thành "hòn vọng sinh".

Thầy muốn các em yếu phải thực hành thêm để thi tốt. Thầy muốn các em đã khá thì sẽ giỏi. Nhưng, đến cả bạn lớp trưởng mà chỉ cần 5 điểm thì biết nói gì nữa. Các em có thể đạt điểm 5 trong lần thi đầu và nếu không đạt thì còn những lần học và thi sau đó.

Nhưng, học lại phải đóng một mức phí gần bằng học phí cả một học kỳ. Sao các em lại "thích" như vậy? Còn điểm 5 hay điểm 10 mà nếu không làm được, lơ mơ, lơ ngơ, lóng ngóng sau khi "ra đời" thì lại tiếp tục "nhận lương" hàng tháng từ gia đình mà thôi.

Có bạn bảo thầy, nếu học nghề cơ khí thì cần học vài môn, thêm cái búa, cái đục, cái đe... là đủ rồi. Các em đã xem hài kịch "Ru lại câu hò" chưa? Chí Tài vì không muốn cái điệp khúc "như dzầy" của gia đình lặp lại sau 10 năm, 15 năm, 20 năm mà bỏ Hoài Linh ra đi. Còn các em? Lẽ nào các em muốn sau khi tốt nghiệp cho đến ngày về hưu chỉ mãi cầm cái búa, cái đục và cho rằng "một ngày như mọi ngày" là đủ?

Thầy hỏi nhiều bạn, nghe nhiều bạn và biết nhiều bạn cũng đi làm thêm, cũng vất vả từ 15h chiều đến "khi nào hết khách" để nhận được 60 nghìn. Thầy quý các bạn đó lắm. Nhưng số lượng các bạn như vậy ít quá. Nhiều bạn vẫn "sáng đắng, chiều cay" và buộc thầy phải cấm thi dù làm như vậy là biện pháp cuối cùng rồi.

Thầy chưa và sẽ không bao giờ cho rằng mỗi khi truyền đạt sẽ làm hài lòng tất cả các em. Nhưng, mỗi bài giảng sau luôn tốt hơn bài giảng trước là điều thầy có thể làm. Chỉ mong các em thay đổi từ thái độ học tập để có kiến thức và kỹ năng tốt, nhưng điều đó vẫn còn quá khó.

Dù sao đi nữa, thầy vẫn sẽ làm như đã và đang làm. Chỉ cần thêm một bạn chịu hỏi thầy, chịu đến lớp, chịu thực hành nhiều hơn là thầy vui rồi. Những bạn khác, thầy hy vọng "trường đời" sẽ giúp các bạn nên người vì một trường học cũng không thể nào "hô biến" hay "thay da, đổi thịt" hoàn toàn được".

Nguyễn Quốc Vỹ (104 A Trần Phú, Quy Nhơn)

Nguồn: http://www.baomoi.com/Tam-thu-cam-dong-cua-thay-giao-danh-cho-nhung-sinh-vien-luoi/c/17581630.epi