Ấn Độ đang dần trở thành "Trung Quốc mới"

on .

Là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, sự hấp dẫn ngày càng tăng của Ấn Độ đang được khẳng định trong nhiều dịp gần đây.

Châu Á đang chứng kiến sự đi lên vượt bậc của Ấn Độ trong lĩnh vực công nghệ. Được ví như một thị trường Trung Quốc thứ hai, quốc gia có 1,2 tỷ dân này đang dần trở thành cơ hội tăng trưởng hấp dẫn nhất châu Á, “miền đất hứa” dành cho các công ty công nghệ Mỹ. Trong khi vấp phải không ít khó khăn từ những quy định khắt khe từ phía chính phủ Trung Quốc, các công ty lớn như Facebook, Google, Twitter cũng như các nhà khởi nghiệp và giới đầu tư đang dần chuyển hướng sang Ấn Độ như một điểm đến đầy tiềm năng tiếp theo.

Là chủ một doanh nghiệp xây dựng trong thành phố Bangalore – trung tâm ngành công nghiệp công nghệ tại Ấn Độ, anh Rakesh Padachuri gần như không thể sống thiếu chiếc điện thoại di động trong mọi hoạt động thường ngày của mình. Từ đi ăn, di chuyển, đặt bàn đến đặt vé xem phim, anh đều sử dụng các ứng dụng trên smartphone để hoàn thành mọi công đoạn. Chị Vasavi vợ anh cũng thường xuyên đặt mua đồ qua mạng cũng như xem các đoạn video và tải trò chơi từ Internet cho đứa con gái nhỏ mới 4 tuổi của hai người. Chị dâu của anh cũng rất chuộng smartphone để chụp hình tự sướng mọi lúc để đăng tải lên Facebook.

Các thiết bị công nghệ hiện đại đang là vật dụng không thể thiếu trong mọi gia đình Ấn Độ hiện nay.

Tất cả các thành viên trong gia đình anh Padachuri đều giữ liên lạc với nhau thông qua một nhóm trò chuyện chung trên WhatsApp, ứng dụng nhắn tin đang thuộc sở hữu của Facebook. Anh chia sẻ, mọi người thậm chí còn chẳng bao giờ tốn tiền gọi điện thoại cho nhau hay ra khỏi nhà vào giữa đêm để mua đồ ăn khuya. Họ chỉ cần ngồi một chỗ và mở điện thoại, gọi điện đến cửa hàng tạp hóa cạnh nhà để đặt hàng, hoặc thậm chí, mời thợ cắt tóc đến tận nhà chỉ bằng một cuộc gọi.

Tình yêu công nghệ của gia đình anh Padachuri đã giúp lý giải phần nào cho việc Ấn Độ đang dần trở thành điểm đến của các công ty công nghệ Mỹ, thay thế thị trường Trung Quốc đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ông Punit Soni, cựu giám đốc sản phẩm của Google, đang ngày càng tỏ ra hứng thú với thị trường Ấn Độ: “Những công ty công nghệ lớn đang nhìn vào thị trường Ấn Độ và nghĩ rằng, 5 năm trước, Trung Quốc từng là tất cả. Nhưng hiện tại, Ấn Độ mới là cái tên đáng để đầu tư". Cách đây chưa lâu, ông vừa trở thành giám đốc sản phẩm của Flipkart – hãng thương mại điện tử mới nổi có mô hình tương tự Amazon ở Bangalore, Ấn Độ.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và CEO Mark Zuckerberg trong sự kiện tại trụ sở Facebook hôm 27/9.

Trong cuộc họp tại Washington hôm 23/9 vừa rồi, trước các thủ lĩnh công nghệ Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã một lần nữa thể hiện thái độ kiên định với các chính sách Internet cứng rắn của chính phủ nước này. Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lại gây ấn tượng với tâm thế bình thản và nhiệt huyết trong suốt chuyến thăm Mỹ.

Sau khi dừng chân tại thành phố New York, ông hướng thẳng tới Thung lũng Silicon để gặp gỡ hàng loạt tên tuổi công nghệ hàng đầu thế giới như CEO Satya Nadella của Microsoft hay CEO Mark Zuckerberg của Facebook. Ngoài ra, ông còn dự kiến thực hiện một chuyến thăm đến Tesla, tập đoàn sản xuất xe hơi điện nổi tiếng của Mỹ hay trụ sở Facebook, mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Thủ tướng Modi còn lên kế hoạch tới thăm trụ sở Google và trường Đại học Stanford trước khi trở về New York và gặp gỡ Tổng thống Obama vào ngày 30/9 sau đó.

Tại sự kiện hôm 27/9 tại trụ sở Facebook, Thủ tướng Ấn Độ khẳng định: “Để Ấn Độ tiếp tục phát triển, đất nước chúng tôi phải trở thành người dẫn đầu về các dịch vụ trực tuyến”. Cùng với đó, ông còn thường xuyên chia sẻ những lời nhắn tới Thung lũng Silicon trên Twitter và Facebook với thông điệp: “Hãy giúp Ấn Độ trở thành một cường quốc về Internet”.

Thủ tướng Ấn Độ: "Hãy giúp chúng tôi trở thành một cường quốc Internet!"

Thực sự, nếu quay lại 2 năm trước, viễn cảnh Ấn Độ vùng lên trở thành một cường quốc kỹ thuật số là một điều khó tưởng tượng. Với mức độ truy cập Internet khiêm tốn, tốc độ mạng điện thoại di động chậm chạp, Ấn Độ lúc bấy giờ thậm chí còn là nơi khá e dè với các loại điện thoại thông minh mới xuất hiện. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của công ty dự toán eMarketer, kể từ năm 2013, số người sử dụng smartphone ở Ấn Độ đã tăng vọt và dự kiến sẽ đạt 168 triệu người trong năm nay. Ấn Độ cũng dự kiến tổng thể sẽ đạt đến con số 277 triệu người sử dụng Internet trong năm 2015. Nơi đây cũng là quốc gia có số lượng tìm kiếm các dòng điện thoại di động trên Google nhiều nhất thế giới, chỉ sau Mỹ.

Ấn Độ luôn gây ấn tượng là một nước vô cùng ham học hỏi, luôn mong muốn được kết nối với các mạng xã hội trực tuyến khác trên thế giới. Do đó, không quá ngạc nhiên khi Facebook đã nhanh chóng lập nên kỷ lục ấn tượng với con số 132 triệu người dùng tại Ấn Độ kể từ ngày đầu tấn công thị trường này, chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ. Thêm vào đó, sự non trẻ của thị trường Internet ở Ấn Độ đang tạo điều kiện cho các công ty công nghệ coi đây là một đối tượng thử nghiệm hoàn hảo, nơi họ có thể triển khai và chạy thử dự án. Nếu thành công, họ sẽ tiếp tục đưa ra quy mô toàn thế giới.

Smartphone đang là vật dụng bất li thân với mọi người dân Ấn Độ.

Sự hiện diện của Facebook tại Ấn Độ thậm chí còn gặt hái được nhiều thành công và tiến xa hơn thế. Dịch vụ nhắn tin miễn phí WhatsApp được Facebook mua lại với giá 22 tỷ USD vào năm ngoái cũng đã trở thành ứng dụng phổ biến nhất ở nước này. Đây được xem như giải pháp tối ưu nhằm giải quyết vấn đề liên lạc cho bộ phận người dân Ấn Độ có thu nhập thấp. Điều này cũng đã chạm đến tham vọng khổng lồ của Facebook ở thị trường này mặc dù đã thu hút tới hàng trăm triệu người dùng: “Chúng tôi vẫn cần tập trung vào hàng tỷ người Ấn Độ chưa được kết nối”, ông Kevin D’Souza, trưởng bộ phận phát triển và quan hệ đối tác di động của Facebook ở Ấn Độ cho biết.

Để làm được điều đó, Facebook đang cung cấp các phiên bản dịch vụ cơ bản có thể chạy được trên các loại điện thoại đơn giản với tốc độ đường truyền thấp. Với sáng kiến Internet.org ra đời năm 2013 của CEO Mark Zuckerberg, Facebook đang làm việc với một hãng điều hành điện thoại địa phương để cung cấp một gói dịch vụ miễn phí bao gồm tin tức báo chí hàng ngày, thông tin việc làm và công cụ nhắn tin chỉ có chức năng gõ văn bản. Được biết, đây là dự án chung được hình thành dựa trên sự hợp tác của nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, MediaTek, Qualcomm và đương nhiên là Facebook, với mục tiêu chính là mang Internet đến với toàn bộ người dân trên thế giới. Cụ thể hơn, dự án này đặt ra mục tiêu giúp 2/3 dân số toàn cầu có thể dễ dàng trực tuyến và tiếp nhận những thông tin trên mạng, ngay cả những khu vực khó khăn nhất.

Các công ty đang hết sức nỗ lực nhằm phổ cập Internet tới các địa phương.

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn phải đối mặt với không ít thách thức trước mắt. Dự án Internet.org mặc dù rất hứa hẹn nhưng vẫn chịu nhiều ràng buộc từ các nhà chức trách tại địa phương. Họ cho rằng, Facebook đang thiên vị cho những dịch vụ của mình thay vì hỗ trợ cho người dân tại đây. Bất kể mọi nỗ lực của Thủ tướng Modi trong việc quảng bá sức hấp dẫn của Ấn Độ, các cơ quan chính phủ nước này lại ráo riết cho kiểm duyệt các nội dung trên Facebook được họ cho là bất lợi và không phù hợp. Vào năm ngoái, Facebook đã nhận được tới 10.792 yêu cầu từ phía chính phủ Ấn Độ về việc gỡ bỏ thông tin đăng tải trên mạng xã hội này, nhiều hơn bất kỳ một quốc gia nào cho đến nay.

Bên cạnh đó, theo số liệu từ eMarketer, việc tạo ra lợi nhuận ở Ấn Độ cũng không hề dễ dàng. Mặc dù tổng chi phí quảng cáo kỹ thuật số trong năm nay dự kiến vào khoảng 940 triệu USD, doanh thu từ quảng cáo đến nay vẫn khá khiêm tốn. Các công ty Internet đầu tư vào Ấn Độ giải thích, họ đang bước chân vào một trò chơi “dài hơi”, nơi mục tiêu chính tập trung ở số lượng người dùng trực tuyến. Lúc này, lợi nhuận chỉ còn là mục tiêu thứ yếu.

Trụ sở Google tại Gurgaon, Ấn Độ.

Có thể coi Google là một ví dụ điển hình khi “gã khổng lồ Internet” đặt mục tiêu thu hút được 500 triệu người dùng trực tuyến tại Ấn Độ cho đến năm 2017. Hầu hết người dùng tại đây đều sử dụng smartphone chạy trên hệ điều hành Android của Google, hiện đang chiếm thị phần lớn trong thị trường smartphone ở nước này. Đây chính là lợi thế cho phép Google quảng cáo các dịch vụ khác như chức năng tìm kiếm, trang chia sẻ video YouTube cũng như rất nhiều chức năng quảng cáo khác. Bởi lẽ, theo lời trưởng bộ phận marketing của Google tại Ấn Độ, ông Sandeep Menon, “Cái gì tốt cho Internet cũng sẽ tốt cho Google”.

Tuy nhiên, các nỗ lực nhằm thu hút người dùng Ấn Độ cũng buộc công ty này phải xem xét lại chính sách phát triển. Thực tế, chỉ 1 trong 6 người Ấn Độ có đủ vốn tiếng Anh để lướt web. Để khắc phục, hiện đã có một vài trang web sử dụng tiếng Hindi hoặc 21 ngôn ngữ chính thức khác của nước này. Google, Facebook và cả Twitter đều đang bổ sung thêm nhiều ngôn ngữ khác của Ấn Độ, đồng thời khuyến khích các nhà phát triển và người dùng tạo ra nhiều nội dung hơn bằng ngôn ngữ địa phương. Hay để đối phó với tốc độ Internet kém “vượt xa mong đợi” ở Ấn Độ, Google đã nén các trang web trên máy chủ để người dùng có thể sử dụng được 80% dữ liệu và tải với tốc độ nhanh hơn gấp 4 lần.

Là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, sự hấp dẫn ngày càng tăng của Ấn Độ đang được khẳng định trong nhiều dịp gần đây.

Đương nhiên, toàn bộ những nỗ lực này sẽ trở nên vô nghĩa với người không sử dụng Internet. Do vậy, để tiếp cận họ, Google đã hình thành một quan hệ đối tác với Intel và tổ chức từ thiện địa phương để triển khai một chương trình đặc biệt. Theo đó, các nữ gia sư sẽ đạp xe tới hàng ngàn ngôi làng ở địa phương để phổ biến cho phụ nữ nông thôn về Internet. Cho đến nay, 200 chiếc xe đạp được trang bị tablet và smartphone chạy bằng năng lượng Mặt trời đã đi vào hoạt động. Google hy vọng, con số này sẽ tăng lên 10.000 trong thời gian tới.

Tham khảo NYTimes


Nguồn: http://www.baomoi.com/An-Do-dang-dan-tro-thanh-Trung-Quoc-moi/c/17661460.epi