Tuyển sinh đại học dưới góc nhìn kinh tế
Đào tạo nguồn nhân lực trẻ có trình độ và kĩ năng theo chuẩn mực quốc tế là điều Việt Nam vẫn thiếu và yếu.
Tuyển sinh đại học, cao đẳng là một bài toán kinh tế quan trọng. Nếu coi giáo dục như một nguồn lực có hạn (chất lượng giáo dục không thể thay đổi một sớm một chiều và không phải ai cũng sẽ được đào tạo trong những môi trường tốt nhất) thì việc phân bổ nguồn lực thế nào ảnh hưởng rất lớn hiệu quả của nền giáo dục.
Tác hại tới thị trường lao động và phát triển kinh tế
Cũng giống một thị trường hàng hóa thông thường, việc phân bổ nguồn lực giáo dục chỉ diễn ra một cách hiệu quả khi cung và cầu tìm được cái mình cần. Với “thị trường” tuyển sinh, bên cung là các trường đại học muốn nhắm đến những “khách hàng” có năng lực tốt nhất (thể hiện qua điểm thi) và ngược lại, bên cầu là các thí sinh muốn được học ngành, nghề yêu thích của mình trong những môi trường phù hợp.
Một trong những hạn chế lớn nhất của cơ chế tuyển sinh cũ là “cung” và “cầu” không phải lúc nào cũng tìm được cái mình cần. Việc các thí sinh phải đăng kí trường trước khi thi tuyển và đa số chỉ có thể thi hai trường thuộc hai khối khác nhau khiến nhiều em chọn phương án đăng kí an toàn hơn là đăng kí đúng với tâm nguyện.
Một số hoàn toàn đủ điều kiện vào các trường tốt hơn hoặc đúng nguyện vọng hơn nhưng tiếc là đã không đăng kí. Một số khác đủ khả năng để vào những trường tốt, đúng tầm, nhưng lại lỡ đăng kí hơi cao trước khi thi mà đã “ngã đau”.
Dưới lăng kính kinh tế, đây là một sự lãng phí rất lớn cho giáo dục khi người tài không được ngồi đúng chỗ. Nhìn xa hơn, một cơ chế tuyển sinh không hiệu quả có thể gây ra những tác hại khôn lường cho thị trường lao động và sự phát triển của nền kinh tế.
Nhìn từ góc độ xã hội, một thị trường sẽ không vận hành tốt nếu có quá ít cung hay quá ít cầu. Nhưng khi một thị trường có nhiều cả cung lẫn cầu thì việc tắc nghẽn rất dễ xảy ra, nhất là với những thị trường tìm kiếm và gắn kết—khác với một thị trường hàng hóa thông thường—không vận hành dựa trên cơ chế giá cả. Đây là một trong những triệu chứng nổi bật của tính kém hiệu quả.
Với hơn một triệu thí sinh đăng kí dự thi, do đâu mà đến giờ nhiều trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu? Trong những ngày đầu của quá trình xét tuyển, đa số các bộ hồ sơ đổ dồn vào các trường tốt nhất. Chính việc điểm chuẩn không phản ánh nhanh và chính xác mối quan hệ giữa cung-cầu đã đẩy các thí sinh vào tình trạng bị động, khiến quá trình điều tiết các thí sinh từ nơi đã “bão hòa” về các trường vẫn còn chỉ tiêu vừa đứt quãng lại vừa chậm chạp.
Nhiều ý kiến cho rằng sự đứt quãng có thể được giải quyết bằng công nghệ và “giá như” phần mềm tuyển sinh của Bộ được chuẩn bị kĩ càng hơn. Nhưng máy tính có thể xử lí và truyền dữ liệu nhanh hơn con người làm trên giấy tờ, nhưng nó khó có thể thay ta trong việc toan tính cho sự nghiệp tương lai của từng cá nhân.
Chặng đường phía trước
Một cơ chế tuyển sinh hiệu quả sẽ giúp tránh tình trạng thí sinh bị xếp “nhầm chỗ”, đáp ứng được hai yêu cầu cơ bản: (1) giúp thí sinh có thể thoải mái đăng kí theo nguyện vọng của mình và (2) làm cho xác suất các thí sinh được nhận vào các trường không bị ảnh hưởng bởi việc thí sinh bị loại bởi những trường khác theo thứ tự nguyện vọng của mình.
Lời giải cho bài toán tuyển sinh với những yêu cầu tưởng chừng như đơn giản này đã đem lại giải thưởng Nobel dành cho khoa học kinh tế năm 2012 cho Lloyd Shapley và Alvin Roth—hai giáo sư toán học và kinh tế với những đóng góp to lớn cho việc thiết kế và ứng dụng của thuật toán chấp nhận trì hoãn (Deferred Acceptance Algorithm) để giải quyết những vấn đề cơ bản trong việc gắn kết (Matching) những nhân tố cung cầu của một thị trường không dựa trên cơ chế giá cả.
Nền tảng của thuật toán được dựa trên bài toán hôn nhân bền vững: cho một số lượng hữu hạn các chàng trai và các cô gái, với mỗi người có thứ tự “cảm tình” rõ ràng dành cho thành viên của mỗi giới, hãy gắn kết hai bên để tạo ra các cặp trai-gái sao cho không có hai thành viên nào của mỗi bên, sau khi gắn kết, đều muốn đến với nhau. Thuật toán được chạy theo các bước sau:
1. Chọn một bên chủ động cầu hôn: Mỗi chàng trai cầu hôn với cô gái mà mình có cảm tình nhất.
2. Mỗi cô gái chọn tối đa một người trong những chàng trai đã cầu hôn với mình dựa theo nguyện vọng bản thân và “đá” hết số còn lại, nhưng chưa chấp nhận chính thức (trì hoãn).
3. Những chàng trai bị đá ở vòng 2 loại bỏ các cô gái đã đá mình ra khỏi danh sách.
4. Nếu vòng 3 không có/còn cô gái nào bị loại khỏi danh sách, thuật toán kết thúc. Ngược lại, chạy lại vòng 1-3.
5. Sau khi thuật toán kết thúc, các cô gái mới chính thức chấp nhận lời cầu hôn.
Thuật toán tuy giải quyết vấn đề gắn kết một với một, nhưng cũng có thể được áp dụng vào việc tuyển sinh khi ta “cho phép” các cô gái (các trường đại học) được gắn kết cùng lúc với nhiều chàng trai (các trường đại học).
Không khó để thấy thuật toán này khiến cho các cặp gắn kết trai-gái được bền vững và tạo điều kiện để xác suất một chàng trai được một cô gái chấp nhận không bị ảnh hưởng bởi những lần bị “đá” trong quá khứ. Quan trọng hơn, chiến lược tốt nhất dành cho bên cầu hôn là làm đúng với những gì mình muốn.
Một chàng trai bị từ chối bởi một cô gái đồng nghĩa với việc cô ấy có một (hay nhiều) lựa chọn tốt hơn chứ không phải đã bị “cướp mất” từ trước và vì vậy sẽ không có lí do nào khiến cho bên trai phải tính toán, chọn lựa sao cho an toàn.
Tại Việt Nam, thuật toán này đã được Giáo sư Hà Huy Khoái và trường ĐH Thăng Long nghiên cứu áp dụng vào những mô hình tuyển sinh mới và đề xuất với Cục Khảo thí từ năm 2014. Mới đây, Giáo sư Ngô Bảo Châu cùng nhóm Đối Thoại Giáo Dục (VED) cũng đã đưa ra những báo cáo sơ bộ về những ưu điểm và hạn chế của thuật toán này trong ứng dụng vào tuyển sinh ĐH,CĐ.
Nếu thuật toán được áp dụng, các thí sinh sẽ được đăng kí nhiều nguyện vọng, thường từ 10- 15 trường. Bộ sẽ phải thành lập một trung tâm xét tuyển tập trung để “ứng” thí sinh với từng trường trên danh sách của các em. Các trường ĐH sẽ lần lượt xét tuyển dựa trên những đầu hồ sơ được trung tâm cung cấp, với các bước diễn ra lần lượt như thuật toán đã miêu tả.
Sẽ có nhiều tình huống phức tạp có thể phát sinh (ví dụ như thí sinh đăng kí quá ít nguyện vọng, trường không tuyển sinh đủ chỉ tiêu, .v.v.) nhưng nhìn chung thuật toán sẽ giải quyết được vấn đề nộp-rút hồ sơ nhiều lần cũng như tăng tính minh bạch và hiệu quả, ít nhất là về phương diện vận hành, của quá trình tuyển sinh.
Dầu vậy, tuy thuật toán chấp nhận trì hoãn đem lại kết quả tốt nhất cho các thí sinh (bên chủ động cầu hôn), nhưng tiếc thay lại là kết quả tệ nhất cho các trường ĐH vì trên lí thuyết các cặp gắn kết luôn là những kết quả khả thi tốt nhất theo thứ tự “cảm tình” của bên trai, chứ không phải là theo bên gái.
Tính không công bằng của cơ chế này có thể sẽ là một yếu tố quan trọng cần phải tính đến, nhưng ở một tương lai xa có thể nó sẽ là một động lực lớn khiến các trường tích cực nâng cao chất lượng đào tạo hơn và góp phần “đào thải” những trường quá yếu kém.
ĐẶNG TÙNG, (Trường Kinh tế ứng dụng và quản lý Đại học Cornell, Mỹ)
Nguồn: http://www.baomoi.com/Tuyen-sinh-dai-hoc-duoi-goc-nhin-kinh-te/c/17742003.epi