Các ý kiến đóng góp quý báu tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10
Vai trò của gia đình trong đào tạo con người
Đề cập đến việc “xây dựng con người”, bà Trương Thị Thu Nga – Phó tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank cho rằng trong vấn đề này cần nhấn mạnh đến sự kết nối đào tạo của gia đình – nhà trường – xã hội.
Bà Trương Thị Thu Nga - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank .
“Tôi nghĩ gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong đào tạo các em. Ngày nay mỗi gia đình (ở thành phố - PV) chỉ có từ 1 đến 2 con, do vậy chúng ta đã làm thay và bao bọc con quá nhiều. Bởi vậy các em không bằng các bạn từ quê lên. Họ vừa đi học, vừa đi làm, đi dạy… nên rất chủ động và tính sáng tạo rất cao” – bà Nga nói.
Ngoài ra bà Nga cũng cho rằng cần phải dạy cho các bạn trẻ nói được lời “xin lỗi” khi làm việc sai trái và lời “cảm ơn” khi được giúp đỡ. “Thậm chí ngay nhiều bậc cha mẹ cũng chưa làm được điều này” – bà Nga nhận định.
“Có những chỗ chúng tôi tài trợ vài tỷ nhưng không nhận được một lời cám ơn vì họ cho đó là nghĩa vụ, trong khi chúng tôi phải kinh doanh hiệu quả, phải có lãi, phải lăn lộn và phải chịu rất nhiều rủi ro (…). Khi tuyển sinh viên vào làm tôi luôn hỏi tháng lương đầu tiên làm gì. Không có em nào nghĩ đến bố mẹ cả. Tháng lương đầu tiên phải mua một món quà cho bố mẹ, phải tri ân thầy cô giáo chứ!” – bà Nga nhấn mạnh.
Liên quan đến công tác cán bộ, bà Nga cho rằng những người quản lý trong các ban ngành phải được đào tạo để có kỹ năng nhận biết người tốt, người xấu. Bà cũng đưa ra chính những bài học của mình để nhắc nhở điều này.
“Trong quá trình quản lý tôi cũng bị các doanh nghiệp họ lừa và mất tiền rất nhiều, cá nhân có, tập thể có. Chính vì vậy nếu không đủ năng lực để thẩm định thì rất dễ bị các anh chị “doanh nhân giả” lừa, do vậy khi thẩm định tôi thẩm định luôn cả con người. Ông là ai? Ông có thể làm gì trong lúc khó khăn?” – bà Nga chia sẻ.
Lấy quyền lợi của tổ quốc làm nền tảng
Cũng trong phiên thảo luận này, phân tích thêm về 5 bài học rút ra sau 30 năm đổi mới, ông Phan Thanh Bình – Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng đó là những kinh nghiệm rất quan trọng và quý báu, tuy nhiên không dễ để thực hiện.
Ông Phan Thanh Bình.
“Chúng ta nói “lấy dân làm gốc” nhưng thực tế rất khó triển khai. Chúng ta phải làm thế nào, làm ra sao để hiện thực bài học này. Nó không mới nhưng không hề dễ. Hay bài học về “đổi mới phải toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp; tôn trọng quy luật khách quan…” cũng vậy. Đây đều là những lý thuyết kinh điển nhưng khi chỉ đạo chúng ta lại thường lấy ý chí chủ quan ra áp đặt…” – ông Bình nói.
Ngoài ra ông Bình cũng đặt vấn đề mối liên hệ trong nhiều cặp phạm trù như: Đổi mới và phát triển ổn định; Đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; Quy luật thị trường và định hướng XHCN, Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; Quan hệ giữa cá nhân và tập thể…
“Đây là những vấn đề rất khó nhưng tôi cho rằng khi chúng ta lấy sự phát triển của đất nước, lấy an sinh của người dân, lấy quyền lợi của tổ quốc làm nền tảng thì sẽ giải quyết được các mối quan hệ này” – ông Bình nêu quan điểm.
“Cứ nói về đào tạo thì các anh nói về nguồn nhân lực, nhưng đúng ra đó là đào tạo con người, phải đào tạo con người trước, nguồn nhân lực sau. Bây giờ học cho nhiều mà không thành người cũng không làm gì được. Có thể con người chưa biết làm ngân hàng, nhưng nếu anh thích làm ngân hàng anh sẽ tự học để làm được, còn nếu bây giờ học ngân hàng mà không là con người tốt thì khi vào sẽ rối ngân hàng đó "– ông Phan Thanh Bình.
Nguyễn Cường