Việt Nam có thể thành “thung lũng Silicon Đông Nam Á” nếu giáo dục có thể…

on .

Con trâu kéo cày cả đời trên cánh đồng, nhưng chẳng bao giờ trở thành ông chủ.

Châm ngôn hiện đại

Sau khi nhiều hãng công nghệ lớn đã lần lượt hiện diện ở Việt Nam thì các hãng chế tạo linh kiện phụ trợ cũng bắt đầu ngấp nghé cập bến nước ta. Hàn Quốc, nước đầu tư nhiều nhất vào công nghệ cao ở Việt Nam, vừa tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến, thông qua Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, với câu hỏi về điểm đến đầu tư lý tưởng nhất? Kết quả là 49% số doanh nghiệp được hỏi đã chọn Việt Nam.

 

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Tại Nhật Bản, một quốc gia có nhiều tập đoàn công nghệ cao đã hoạt động ở Việt Nam từ lâu, cũng xuất hiện một làn sóng mới các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn tham gia vào ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Đây thực sự là những tín hiệu đáng mừng sau nhiều năm dài chờ đợi trong lo âu và hy vọng.

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự lựa chọn này là ở Việt Nam lao động trẻ, giá rẻ và quan trọng là tận dụng được các cơ hội mở ra từ những hiệp định thương mại tự do, đã, đang và sẽ được ký kết. Làm rõ thêm những luận cứ này, ngày 3/9 trang tin điện tử pcmag.com đã bình luận về cơ hội trở thành thung lũng Silicon ở Đông Nam Á của Việt Nam. Theo đó, hiện nay ở Việt Nam có 14.000 doanh nghiệp CNTT sản xuất và phát triển phần cứng, phần mềm và sản phẩm kỹ thuật số. Vậy mà, chỉ 15 năm trước thôi, rất khó tìm thấy một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Quả là một sự phát triển rất vượt bậc. Còn về mặt nhân lực chung, thì vào năm 2013, theo số liệu của Bộ KH&CN, Việt Nam có khoảng 97.000 người có trình độ cao đẳng trở lên về công nghệ thông tin và truyền thông, trên 32.000 người làm việc trong ngành phần mềm và nội dung số. Những nguồn lực không nhỏ cho sự cất cánh, và còn có thể gia tăng rất nhanh cùng với sự quan tâm của chính phủ.

Tuy nhiên, những cái được nêu trên xem ra mới chỉ là nhữngĐiều Kiện Đủ để có thể phát triển ngành công nghệ cao. Còn để hình thành được những khu công nghiệp có thể đem lại sự giàu có cho quốc gia, như thung lũng Silicon ở Mỹ, phải gồm những Điều Kiện Cần: con người có năng lực và trình độ sáng tạo. Thung lũng Silicon có một nét bản chất rất căn bản là giới trẻ kéo nhau đến đó với hy vọng trở thành ông chủ, và nơi đây có những điều kiện thiết yếu để họ có thể thực hiện những ý tưởng, có thể rất điên rồ theo cách nghĩ thông thường, nhưng giúp họ thực hiện ước mơ. Điều đáng nói là sự hình thành nên các ý tưởng mới mẻ đó lại chỉ có thể xuất phát từ nền giáo dục gồm những Trường Đại Học theo đúng nghĩa nghiêm cẩn nhất của từ này, với cốt lõi là khả năng khai phóng cho tư duy sáng tạo.

Điểm này có lẽ chính là nơi bắt đầu sự tắc nghẽn trong quá trình phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam. Có thể nhận ra điều này bằng cách quan sát tiến trình bắt đầu niên học mới 2015-2016.

Đầu tiên là với các học sinh phổ thông, sự đổi mới năm nay là các em không phải đứng dưới nắng để nghe những bài phát biểu lê thê, thường rất ít liên quan đến giáo dục cũng như có rất ít tính giáo dục, của những vị quan chức nào đó. Trong khi đó, nội dung học tập đổi mới, học tập sáng tạo, tích hợp và không có những bài văn mẫu thì vẫn còn phải chờ chương trình mới – đề án vừa mới được Bộ Giáo dục tung ra để lấy ý kiến rộng rãi của xã hội. Và các cuộc tranh luận vẫn đang diễn ra gay gắt khi không ai xác định nổi sự tích hợp các môn học là gì, nên tích hợp như thế nào và giáo viên phải được đào tạo như thế nào để có thể dạy tích hợp.

Trong khi đó, các môn khoa học xã hội - luồng kiến thức giúp học sinh có nền tảng tư duy và nhân cách lành mạnh, biết hòa nhập và đóng góp vào giá trị chung của xã hội với tư cách và trách nhiệm của các công dân tự trọng và độc lập - lâu nay đã bị biến thành những môn học thuộc lòng nhàm chán, và hiện tại vẫn vậy.

Đáng tiếc, các kỳ thi cử vẫn tiếp tục diễn ra như những cuộc khủng hoảng lớn. Vừa qua, cái được cho là sự đổi mới trong việc tuyển lựa người tài bằng một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học và xét tuyển đại học thực chất chỉ gói gọn lại trong cách chấm điểm, cộng điểm và so điểm để biết ai trúng tuyển vào trường nào. Trong khi đó, bài thi đã không có khả năng phân loại học sinh, làm phát sinh những trường hợp 27,5 điểm tổng 3 môn mà vẫn chưa trúng tuyển. Cả xã hội nháo nhào theo dõi điểm tuyển sinh của các trường đại học, để điều chỉnh hồ sơ đăng ký theo học của mình, bất kể nghề gì, miễn là có thể lọt được vào một trường nào đó. Sở nguyện và năng lực thật của người đi học - tiêu chí cần thiết để có những người tài, đã không được cân nhắc nhiều trong cách tổ hợp điểm số các môn thi cho phù hợp với các quy định khá ngẫu hứng của mỗi trường.

Cuối cùng, bản chất của giáo dục đại học càng ngày càng trở nên xa vời, càng không được mấy nhà lập chính sách giáo dục hiểu cho thật rõ. Đại học của ta hiện nay dùng những giáo trình có thể đã tồn tại hàng chục năm không thay đổi, những giáo viên chỉ truyền tải những kiến thức cổ xưa mà không tham gia vào hoạt động nghiên cứu và cả đời cũng chẳng có công trình công bố quốc tế nào. Chỉ thấy những cơ sở vật chất cần được xây mới cho to tát và hoành tráng hơn để có thể giải ngân nhiều hơn nguồn kinh phí nhà nước...

Thật đáng tiếc cho những gì chúng ta đang thấy trong nền giáo dục đại học nước nhà hôm nay. Trong khi đó, Đại học trước hết phải là sự dẫn dắt của Ý Niệm Đại Học theo thuật ngữ của triết gia vĩ đại Immanuel Kant. Theo đó, tinh thần cơ bản của giáo dục đại học là việc đi tìm chân lý trong đại học, lòng khao khát muốn nhận thức được chân lý. Chứ đại học không phải là một cửa hàng bách hóa bày bán loại “dịch vụ kiến thức” đơn thuần, mua rồi, xài rồi thì thôi.

Mà để làm được điều này, giáo dục đại học phải đảm bảo được sự tự do học thuật gồm ba yếu tố: 1. Tự do giảng dạy; 2. Tự do nghiên cứu; 3. Tự do diễn ngôn. Người sinh viên bước vào cổng trường đại học cần được hướng dẫn tự khai mở chứ không phải để bị đóng gói, người giảng viên phải được giảng dạy theo các chương trình không áp đặt và bằng các phương pháp mà nhà trường cho là phù hợp. Chứ không nên tiếp tục phương pháp của các cấp phổ thông, áp đặt những chương trình cứng nhắc và bắt buộc. Họ cũng được quyền lựa chọn chủ đề và phương pháp nghiên cứu phù hợp với mình, quyền công bố các kết quả nghiên cứu, phát biểu ý kiến về những kết quả đó mà không bị áp đặt từ bên ngoài.

Kết quả của sự tự do học thuật sẽ là những công dân có tri thức, tự trọng và trách nhiệm thực sự. Chứ không phải là những học sinh cấp 4, xưng hô với thầy cô giáo bằng đại từ “con”, như nền giáo dục Việt Nam chúng ta đã từng có lúc tưởng là nên như vậy. Và thế hệ những công dân tốt nghiệp đại học trong thời đại mới không nên bị lập trình, đóng gói trong suy nghĩ máy móc, chỉ biết lặp lại và tôn thờ những kiến thức do các thế hệ đi trước truyền lại. Mà họ, trước hết phải là những người có trình độ tư duy sâu sắc và độc lập, sau đó có thể phản biện và đưa ra giải pháp thay thế cho những kiến thức không còn phù hợp. Họ phải nhận thức được giá trị tri thức và trách nhiệm của chính mình, cảm nhận được động lực từ bên trong thúc đẩy cuộc sống và xã hội phát triển tốt đẹp, cảm thấy xấu hổ khi không cập nhập và làm chủ các lĩnh vực khoa học và công nghệ cao ngang tầm thế giới. Chỉ với tâm thế đó, thế hệ trí thức mới của nước nhà mới tìm kiếm và phát minh được những giá trị và công nghệ mới.

Với nguồn nhân lực được hình thành trên nền tảng tinh thần như thế, thì cơ sở vật chất, hạ tầng, tài nguyên... và cả những cam kết bảo hộ, ưu đãi từ chính sách mới được chắt chiu, trân trọng và đơm hoa kết trái. Còn nếu không thì nền kinh tế nói chung và ngành công nghệ cao nói riêng, trong trường hợp khá nhất, chỉ là sự lặp lại mô hình mà các quốc gia khác đã đào thải, từ sản phẩm cho đến kỹ thuật và công nghệ. Sẽ không có sự bổ sung giá trị gia tăng đáng kể nào bằng chất xám và tri thức, mà chỉ huy động được khối lượng lớn lao động giản đơn, vốn rất rẻ rúng, của người Việt. Còn trong trường hợp xấu thì đương nhiên sẽ là một sự lụn bại, tốn rất nhiều tiền của và nguồn lực đầu tư để làm ra những sản phẩm lỗi thời. Mà sự thất bại luôn luôn đi cùng những hệ lụy khôn lường...

Vậy nên, nền giáo dục hiện đại nói chung và đại học nói riêng, đang đòi hỏi sự thay đổi căn bản. Nếu không chúng ta sẽ chỉ mãi mãi là những kẻ đi cày hùng hục mà chẳng bao giờ trở thành người chủ, trong ngành công nghệ cao và cả nền kinh tế thị trường. Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, không quốc gia nào chia sẻ miễn phí với chúng ta bí quyết công nghệ mới nhất của họ cả. Và miệng lưỡi của giới truyền thông nước ngoài chỉ là những lời tán tụng vô bổ, ru ngủ hão huyền mà thôi.

Vâng, cuộc chơi công nghiệp hóa chính là để người Việt trở thành ông chủ trên cánh đồng, trước hết của mình, sau đó trên các cánh đồng khác, nhờ quá trình toàn cầu hóa. Điều này chỉ có thể đạt được, nếu nền giáo dục đại học nước nhà được cải tổ căn bản theo nguyên tắc: Tự do Học thuật. Như Hiến chương các trường Đại học (Magna Carta Universitatum, năm 1988) của Hiệp hội các Đại học châu Âu, đã khẳng định: “Tự do trong nghiên cứu và đào tạo là nguyên tắc cơ bản của cuộc sống đại học. Các chính phủ và các trường đại học, trong phạm vi tối đa của mình, phải đảm bảo tôn trọng yêu cầu cơ bản này”.

Kính Cận

Nguồn: http://www.baomoi.com/Viet-Nam-co-the-thanh-thung-lung-Silicon-Dong-Nam-A-neu-giao-duc-co-the/c/17767880.epi