Sản phẩm 'made-in' Việt Nam mang lại nhiều lợi ích

on .

Chiều 13/11, Ban Giám khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2014 đã thực hiện chuyến khảo sát thực tế sản phẩm lọt vòng chung khảo “Hệ thống thanh toán đa dịch vụ tại quầy (PAY POST)” và “BOMCHAT- gọi điện HD miễn phí”.

 

Công tác khảo sát thực tế các sản phẩm lọt chung khảo Nhân tài Đất Việt vốn là việc được các thành viên ban giám khảo Giải thưởng thường xuyên thực hiện trong những năm qua, diễn ra trước khi chấm vòng Chung khảo. Những câu hỏi, góp ý tư vấn của các vị giám khảo khi đi thị sát sẽ giúp các thí sinh có thêm kinh nghiệm để bảo vệ trước Hội đồng Chung khảo sắp tới, cũng như hoàn thiện thêm sản phẩm.

Hệ thống thanh toán đa dịch vụ tại quầy (PAY POST) của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Chuyển giao Công nghệ VINA (VINATTI) được xây dựng cung cấp đặc thù cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietNam Post) với mục đích phục vụ đa hình thức thu hộ, chi hộ, chuyển tiền tại quầy Bưu điện.

Hệ thống được phát triển từ tháng 5/2008 đến tháng 5/2010 và bắt đầu đưa vào triển khai thực tế từ tháng 6/2010 đến nay. Khi hệ thống PayPost được đưa vào ứng dụng trên mạng lưới Bưu điện đã đem lại nhiều hiện quả. Cụ thể, hệ thống đã tạo thuận lợi cho người có nhu cầu thanh toán, nhận tiền, chuyển tiền. Khách hàng có thể ra bất kỳ điểm giao dịch nào của Bưu điện ở bất kỳ thời điểm nào trong giờ làm việc để thực hiện dịch vụ; Trong khi đó, đối với các đối tác nhờ thu nhờ chi, không cần mất khoản chi phí lớn để xây dựng mạng lưới đại lý, điểm giao dịch để thu, chi từ khách hàng nên giảm thiểu rủi ro quản lý tiền mặt, dễ dàng mở rộng quy mô kinh doanh đến các vùng miền khác nhau trong nước.

Hệ thống giúp VietNam Post có thể dễ dàng hợp tác với các đối tác nhờ thu nhờ chi theo các hình thức thu chi khác nhau: kết nối trực tuyến như thanh toán hóa đơn tiền điện, điện thoại di động, thanh toán vé máy bay điện tử hoặc không kết nối trực tuyến như thu hộ lệ phí xét tuyển (LPXT) các trường đại học. Ngoài các hình thức trên, để đảm bảo độ chính xác cũng như đảm bảo tốc độ thực hiện giao dịch, các đối tác nhờ thu, nhờ chi có thể cung cấp tệp dữ liệu hóa đơn, thông tin chi trả để lưu vào kho dữ liệu hóa đơn.

Mặt khác, do đặc thù của mạng lưới bưu điện được phân làm nhiều cấp quản lý cũng như điểm giao dịch, theo từng vùng miền khác nhau trên toàn quốc. Do vậy, hệ thống phải đáp ứng được mô hình đa điểm dịch vụ, đa cấp quản lý, đa đối tác. Đó cũng chính là các điểm nổi bật của sản phẩm so với các sản phẩm khác ở thị trường Việt Nam. Với những tính năng Ưu Việt mang lại, trong 3 năm gần đây, hệ thống PayPost liên tục tăng trưởng sản lượng với tổng tiền giao dịch năm 2011 đạt trên 500 tỷ đồng, năm 2012 đạt trên 9.000 tỷ đồng và đến năm 2013 đạt trên 18.000 tỷ đồng, kế hoạch năm 2014 đạt 26.000 tỷ đồng. Đem lại doanh thu phí dịch vụ cho VietNam Post trên 300 tỷ đồng/1 năm và trên 15 tỷ đồng doanh thu dịch vụ cho công ty.

Theo đại diện Ban Giám khảo - Tiến sĩ Nguyễn Khắc Lịch, là một sản phẩm CNTT thành công, việc chứng minh được khả năng ứng dụng, doanh thu tài chính, độ ổn định, tin cậy, thuận tiện cũng như lợi ích đem lại của hệ thống này sẽ là tiêu chí quan trọng giúp Hội đồng Chung khảo đánh giá.

Tuy nhiên, nhìn chung sản phẩm đã tạo ra được một dịch vụ mới khá hữu ích cho doanh nghiệp và có thể nói rằng, sản phẩm đang đi đúng hướng theo yêu cầu của thị trường Việt Nam, Tiến sĩ Lịch nhận định.

Trong khi đó, BOMCHAT- ứng dụng gọi điện thoại HD miễn phí đến từ công ty khá “non trẻ” - Công ty Cổ phần BOMCHAT Việt Nam, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn cho người sử dụng, đặc biệt là các bạn trẻ. Ứng dụng cho phép người dùng có thể dễ dàng làm quen, kết bạn, kết nối bạn bè, nhắn tin, gọi điện miễn phí…Điểm nổi trội đặc biệt của sản phẩm này là khả năng gọi thoại miễn phí với chất lượng cuộc gọi đạt chuẩn HD cùng những dịch vụ lần đầu tiên xuất hiện trên một ứng dụng OTT như nhạc chờ, nhạc nền cuộc gọi, chữ ký cuộc gọi…

Giám khảo NTĐV cùng nhóm thí sinh dùng thử chức năng gọi điện thoại chất lượng HD của BOMCHAT.

Với sản phẩm này, Tiến sĩ Lịch cho rằng, nhóm cần sử dụng công cụ test chất lượng để có sở cứ so sánh thực tế với các ứng dụng có tính năng tương tự như Viber, Zalo…từ đó nêu bật được tính năng nổi trội trong sản phẩm của mình. Ngoài ra, nhóm cũng cần hoàn thiện sản phẩm hơn nữa, đầu tư server, quảng cáo để tăng lượng người dùng, tỉ lệ người dùng còn sử dụng sản phẩm này (tỉ lệ giữ) thấp, điểm này khá quan trọng đối với một dịch vụ OTT. Giao diện sản phẩm cũng cần mang lại cho người dùng cảm giác thân thiện. Tiến sĩ Lịch cũng ví dụ trường hợp WhatApp - một ứng dụng nhắn tin miễn phí trên smartphone, có thiết kế siêu đơn giản và mở rộng người dùng theo hình thức tự lan truyền, đầu tư 500 nghìn USD nhưng bán lại cho Facebook với giá lên tới 19 tỷ đồng. Do đó, các sản phẩm OTT mang tính xã hội nhiều hơn và người dùng càng lớn càng tốt cho sản phẩm phát triển.

Về những góp ý của đại diện Ban Giám khảo NTĐV 2014 khi đi thị sát, anh Đậu Ngọc Huy, trưởng nhóm tác giả BOMCHAT cũng thừa nhận rằng, khả năng cạnh tranh của BOMCHAT tại Việt Nam khá khó và nhóm đang xúc tiến hợp tác với Nhật Bản để mang tới các thị trường tiềm năng hơn.

Theo VnMedia