WSJ: Hàng "Made in Vietnam" sẽ ngày càng bùng nổ
Việt Nam đang có những thay đổi rõ rệt nhờ các hiệp định thương mại đã ký kết, và tỉnh Long An, nơi nổi tiếng với những cánh đồng dứa và xoài, là một trong những ví dụ tiêu biểu cho sự chuyển biến này.
Tại Long An, nhiều nhà máy lớn sản xuất hàng hóa cho các tập đoàn Phương Tây, như hãng thể thao Nike, đã được xây dựng. Một trong những lý do các công ty nước ngoài đầu tư vào đây là nhằm tận dụng lực lượng lao động trẻ tại Việt Nam cũng như chi phí nhân công chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc.
Long An vốn là một tỉnh thuần nông nghiệp và nằm gần Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố đông dân nhất Việt Nam, nhưng hiện khu vực này đang có hơn 10 khu công nghiệp và số nhà máy hoạt động tại đây sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. Tính đến tháng 5/2015, tỉnh này đã thu hút khảng 3,67 tỷ USD vốn đầu tư quốc tế và 40% trong số đó thuộc ngành may mặc.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng sự tăng trưởng này tại tỉnh Long An và trên toàn Việt Nam có thể tăng tốc nếu nghị viện Mỹ và 11 quốc gia thành viên khác phê chuẩn Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thỏa thuận thương mại tự do này sẽ dỡ bỏ nhiều hàng rào thuế quan giữa các nước thành viên, trong đó những quốc gia đang phát triển phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam và Malaysia sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Phó Chủ tịch Frank Smigelski của Avery Dennison Corp, tập đoàn sản xuất nhãn mác cho ngành may mặc lớn nhất thế giới, nhận định hiệp định TPP sẽ có tác động vô cùng tốt nếu được thông qua. Trong tháng 7/2015, công ty Avery đã mở một nhà máy có diện tích 300.000m 2 tại tỉnh Long An. Theo ông Smigelski, hiệp định TPP sẽ thúc đẩy các công ty may mặc mở thêm nhà máy hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam và điều này là một tin tức tốt đối với công ty.
Tình trạng chi phí nhân công tăng và ngày càng thiếu hụt lao động tại Trung Quốc đang khiến thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư. Trong khi đó, chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện những cải cách nhằm mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Năm 2014, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 12,4 tỷ USD, tăng gần 1/4 so với năm 2009. Tập đoàn Samsung là một trong những doanh nghiệp đầu tư lớn nhất vào Việt Nam và công ty này đang có kế hoạch tăng gấp đôi mức đầu tư 4,5 tỷ USD hiện tại trong ngành sản xuất thiết bị điện tử ở đây.
Nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho thấy nếu hiệp định TPP được thông qua, Việt Nam sẽ là thành viên được hưởng lợi lớn nhất do tiếp cận được nhiều hơn với các thị trường tiêu dùng lớn như Mỹ và Nhật Bản.
Chính phủ Việt Nam ước tính hiệp định TPP có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thêm 33,5 tỷ USD trong 10 năm tới, tương đương 1/5 tổng GDP hiện tại. Ngành xuất khẩu may mặc và giày dép của Việt Nam sẽ là lĩnh vực được hưởng lợi lớn nhất từ hiệp định TPP.
Hiện những nội dung chi tiết của hiệp định TPP vẫn chưa được công bố đầy đủ, nên lợi ích cụ thể của ngành may mặc Việt Nam vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, theo Viện Peterson, khi mức thuế giảm dần xuống 0%, ngành xuất khẩu trên sẽ tăng 46% lên 165 tỷ USD vào năm 2025.
Trong khi đó, hãng PwC nhận định tình trạng các dòng vốn đang đổ về khu vực Đông Nam Á cũng các hiệp định thương mại có thể khiến Việt Nam trở thành một trong 2 nền kinh tế, cùng Nigeria, tăng trưởng nhanh nhất thế giới từ nay đến năm 2050.
Trước tình hình khả quan trên, hãng Avery cho biết đã chuẩn bị cho sự bùng nổ các đơn đặt hàng nhãn mác may mặc của công ty. Trong khi đó, nhiều khu nhà cho công nhân ở vẫn đang được tiếp tục xây dựng trong khu công nghiệp có nhà máy của Avery, dấu hiệu cho thấy sẽ còn có các công ty khác tiếp tục chuyển vào đây.
Ngoài ra, ông Smigelski cũng cho biết dù cơ sở sản xuất tại Long An đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động kinh doanh của Avery từ nay đến năm 2020, nhưng công ty vẫn sẽ xem xét mở rộng thêm nhà máy nhằm tăng cường công suất đáp ứng nhu cầu bùng nổ sau khi hiệp định TPP có hiệu lực.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia phân tích dự đoán rằng hiệp định TPP sẽ yêu cầu ngành may mặc của các thành viên phải nhập khẩu nguyên liệu từ những nước trong nhóm nếu muốn được hưởng thuế quan ưu đãi. Đây vốn là một quy định thường được các công ty may mặc của Mỹ sử dụng trong các thỏa thuận thương mại trước đây.
Quy định như vậy có thể khiến các nhà sản xuất tại Việt Nam phải có nhiều thay đổi do hầu hết nguyên liệu may mặc hiện nay được nhập khẩu từ Trung Quốc hay những nước không thuộc hiệp định TPP. Theo ông Smigelski, quy định này về dài hạn có thể thúc đẩy nhiều công ty mở thêm nhà máy tại Việt Nam khi những cơ sở sản xuất nguyên liệu sợi buộc phải thiếp lập tại các nước thành viên hiệp định TPP nếu muốn được hưởng lợi ưu đãi thuế quan.
Hãng Avery cũng cho biết kỹ năng của công nhân Việt Nam đang ngày càng tiến bộ nhanh chóng và lực lượng lao động tại đây đã có thể thực hiện những quy trình sản xuất phức tạp hơn bao gờ hết.
Phó Giám đốc Smigelski cho rằng sự tăng trưởng của Trung Quốc trong 30 năm qua hiện đang và sẽ lặp lại tại Việt Nam trong 10 năm tới. Đây là lý do khiến ngày càng nhiều công ty quốc tế đầu tư vào Việt Nam.
Hoàng Nam - Theo Wall Street Journal