Việt Nam sẽ là cường quốc về gia công phần mềm

on .

Các chuyên gia nhận định Việt Nam hiện có rất nhiều lợi thế tạo nên sức hút về gia công CNTT trên thị trường toàn cầu.

DN gia công phần mềm quốc tế trao đổi bên lề hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Hiền)

Nhiều lợi thế hấp dẫn

Gia công phần mềm là ngành có tốc độ tăng trưởng cao và liên tục trong suốt 15 năm qua tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những ngành xuất khẩu về công nghệ cao hiếm hoi có giá trị gia tăng lớn.

Phát biểu tại hội nghị Phát triển Gia công Công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam-VNITO 2015 được tổ chức mới đây tại TP.HCM, bà Yuko Adachi, đại diện cho Công ty nghiên cứu thị trường Gartner chia sẻ, Gartner đánh giá Việt Nam là một thị trường mới nổi cấp 1 về ngành gia công phần mềm ở khu vực châu Á. Ngành gia công phần mềm Việt Nam đang chứng tỏ khả năng cạnh tranh trong khu vực. Theo báo cáo năm 2014 của Gartner, Việt Nam nằm trong Top 10 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Top 30 trên toàn cầu về lĩnh vực gia công phần mềm.

Ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH KPMG cho biết, kết quả khảo sát vừa được Công ty KPMG thực hiện tại 80 DN gia công phần mềm ở Việt Nam cho thấy, có 98% DN đánh giá Việt Nam là thị trường hấp dẫn cho ngành gia công phần mềm và cho biết họ sẽ tăng đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh tại đây trong thời gian tới.

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT công ty FPT Software chỉ ra rằng khi làm các dự án gia công phần mềm trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây (cloud computing), DN Việt Nam có lợi thế về khả năng thích ứng nhanh chóng với công nghệ mới, có nguồn lực nhân lực CNTT dồi dào và khả năng học hỏi, nắm bắt xu hướng công nghệ mới rất nhanh… Ông Tiến khẳng định, trình độ của các công ty tại Việt Nam hoàn toàn có thể sánh vai với các đối thủ lớn trên thế giới.

Theo báo cáo mới nhất của Tholons - tổ chức quốc tế chuyên tư vấn đánh giá xếp hạng về gia công phần mềm - TP.HCM đứng ở hạng 18 và Hà Nội hạng 20 trong Top 100 địa điểm hấp dẫn hàng đầu về gia công phần mềm trên thế giới. Đặc biệt, báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Cushman & Wakefield năm 2015, Việt Nam lần đầu tiên đứng vị trí số 1 trong số các điểm đến hấp dẫn về dịch vụ gia công quy trình DN trên toàn thế giới. Sách trắng CNTT 2014 do Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho thấy, tổng doanh thu công nghiệp CNTT của thế giới năm 2013 đạt trên 39,5 tỉ USD, tăng 55,3% so với năm 2012. Công nghiệp phần mềm cũng tăng trưởng tương ứng là 12,7%, đạt doanh thu hơn 2,6 tỉ USD.

Tác giả hàng loạt phần mềm

Tại hội nghị, các chuyên gia đã đưa ra hàng loạt các dẫn chứng về những phần mềm hữu ích đã được các kỹ sự CNTT của Việt Nam xây dựng và phát triển. Ông Paul Smith, Chủ tịch Harvey Nash, một công ty chuyên “săn đầu người” và cung cấp dịch vụ thuê ngoài chia sẻ, 4 triệu học sinh Vương quốc Anh đang được quản lý trong suốt giờ học tại trường bằng một phần mềm được viết bởi người Việt; 400 ngàn người dùng xe Ford đang giám sát xe của họ bằng một ứng dụng di động do các kỹ sư Việt Nam lập trình; 200 triệu người dùng Google tìm kiếm các nội dung trên mạng đang sử dụng một phần mềm gắn ảnh được viết bởi kỹ sư Việt Nam…

Ông Hoàng Nam Tiến cũng chia sẻ hàng loạt dự án cung cấp dịch vụ/ giải pháp trên nền công nghệ đám mây ở nước ngoài mà FPT Software đã triển khai thành công. Tiêu biểu, FPT Software đã hợp tác với nhà mạng AT&T (Mỹ) để đưa các chương trình của nhà mạng này lên cloud, qua đó có khoảng 60 triệu người dùng tại Mỹ sử dụng các ứng dụng trên cloud này. Khoảng 800 kỹ sư Việt Nam hàng ngày đã làm việc với AT&T trong dự án. Để đạt được hợp đồng này, FPT Software phải cạnh tranh với các đối thủ lớn ở tầm thế giới.

Ngoài ra, FPT Software cũng đã triển khai thành công dự án phát triển các ứng dụng cho tivi thông minh, dự án chuyển dịch các ứng dụng sang dạng phầm mềm dịch vụ… cho một số công ty hàng đầu tại Nhật Bản như Toshiba, Calsonic Kansei, Gulliver… Tại Mỹ, FPT Software cũng đang cung cấp dịch vụ trên nền công nghệ cloud cho một só khách hàng trong dánh sách Fortune 500. “Nếu như những năm 2000, sự kiện Y2K đã giúp Ấn Độ nổi lên như một cường quốc gia công phần mềm, thì nay ở giai đoạn mobility (di động), cloud (đám mây), big data (dữ liệu lớn), Việt Nam có thể tận dụng để trở thành Ấn Độ thứ hai” – ông Tiến phát biểu.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Viet-Nam-se-la-cuong-quoc-ve-gia-cong-phan-mem/c/17815519.epi