3G thất bại, các nhà mạng vội chuyển sang 4G để lấy tiếng?
Theo báo cáo của Công ty Cung cấp các Dịch vụ Viễn thông Ericssion, Việt Nam đứng cuối danh sách 9 quốc gia khảo sát về chất lượng mạng dữ liệu di động. Theo đó, tốc độ 3G ở Việt Nam đang thấp nhất khu vực, chỉ đạt 160 kb/giây, thua xa Philipine, Bangladesh, Myanmar, chứ đừng nói đến những nước thuộc TOP đầu như Singapore (thứ nhất, 21.870 kb/giây), Australia (thứ 2, 11,190kb/giây) và Thái Lan (thứ 3, 2.380kb/giây). Việc Việt Nam xếp cuối cùng không có gì ngạc nhiên khi mà trong các cuộc khảo sát trước đó chúng ta luôn xếp ở vị trí áp chót.
Thừa nhận thất bại
Ông Hồ Chí Dũng - Giám đốc Công nghệ của nhà mạng Viettel trong buổi tọa đàm Việt Nam tiến lên 4G như thế nào - cũng thừa nhận: Dù đã tập trung đầu tư cho 3G, nhưng Viettel đánh giá 3G chưa thành công. Thuê bao 3G chỉ chiếm khoảng 30% tổng thuê bao di động. Trong khi tỷ lệ này ở khu vực Đông Nam Á là 45%. Riêng Thái Lan, chỉ trong 5 tháng, quốc gia này đã chuyển 30% từ thuê bao 2G lên 3G, bằng Viettel thực hiện trong 5 năm. Ông Hồ Chí Dũng cũng thừa nhận nguyên nhân khiến việc triển khai 3G không thành công là do chưa có cách tiếp cận đúng khi cung cấp dịch vụ 3G.
Tuy nhiên, Viettel cũng không quên đổ lỗi cho tốc độ thấp của mạng 3G. Đó là môi trường phủ sóng ở Hà Nội phức tạp nhất, nhà bé, ngõ hẹp, đi bộ còn vướng. Việc lắp đặt trạm phát sóng ở nhiều vùng mất đến 4-5 năm không xin được giấy phép. Tần số 2.100MHz hiện tại của mạng 3G thì có những chỗ sóng trong nhà (indoor) không tốt.
VNPT-Net cũng bao biện: 3G không thành công như mong đợi. Các nhà mạng đều gặp khó khăn khi xin cấp phép xây dựng trạm phủ sóng. Trong năm qua, VNPT đầu tư mạng 3G phủ sóng 90% lãnh thổ Việt Nam, nhưng vẫn vướng mắc về đầu tư cơ sở hạ tầng, mua thiết bị rồi nhưng khó xây nhà trạm.
Nói về chất lượng mạng 3G Việt Nam, ông Lê Nam Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT - cho rằng: Mạng 3G đang rơi vào trạng thái nơi thì cực nhanh, nơi thì không thể truy cập. Ông Lê Nam Thắng ví von: Hình ảnh 3G của Việt Nam như là chiếc xe hơi lúc chạy trên đường cao tốc với tốc độ cao, khi phải đi vào tỉnh lộ, huyện lộ khiến tốc độ trung bình không thể cao. Đó là chưa kể đến tốc độ mạng trong nhà (indoor) còn quá kém.
Trong bối cảnh các nhà mạng lớn đều thừa nhận thất bại khi triển khai và phát triển mạng 3G, việc Bộ Thông tin - Truyền thông xác định năm 2015 là thời điểm thích hợp để triển khai công nghệ 4G tại Việt Nam và sẽ tổ chức cấp phép 4G từ đầu năm 2016 khiến dư luận không khỏi hoài nghi trước sự vội vã của các cơ quan chức năng cũng như các nhà mạng.
Đẩy nhanh mạng 4G chỉ để lấy tiếng
Dù thừa nhận thất bại khi triển khai 3G, nhưng Viettel vẫn cố gắng thuyết phục những người tham gia buổi tọa đàmViệt Nam tiến lên 4G như thế nào rằng: mạng 4G LTE chính là hạ tầng mạng cho phép triển khai các dịch vụ mang tính sáng tạo cao. Thậm chí, người dùng cũng có thể tạo ra ứng dụng để kinh doanh. Đồng thời, Viettel cũng hứa hẹn sẽ rút kinh nghiệm để có cách tiếp cận phù hợp khi triển khai mạng 4G trên diện rộng với chất lượng tốt, đưa những công nghệ phù hợp vào đúng thời điểm.
Viettel là nhà mạng trong nước đầu tiên triển khai thử nghiệm công nghệ 4G
Tuy nhiên, không ít chuyên gia trong ngành viễn thông cho rằng: Ở thời điểm hiện tại, các nhà mạng muốn triển khai sớm mạng 4G cũng chỉ để làm thương hiệu mà thôi. Trong đó, việc triển khai quá sớm mạng 4G tại Việt Nam sẽ tạo ra nhiều bất lợi cho các doanh nghiệp. Bởi giá thành của thiết bị đầu cuối và thiết bị mạng còn đắt. Khi chúng ta triển khai mạng, chi phí triển khai những thiết bị này sẽ đội lên rất nhiều.
Thêm nữa, nếu chọn không đúng thời điểm và lựa chọn công nghệ không đúng và không được nhiều nước sử dụng, thì chỉ vài năm sau sẽ bị bỏ đi, tạo ra sự lãng phí. Chỉ riêng công nghệ LTE+ cũng có nhiều chủng loại như CAT 4, CAT 6 với các tốc độ khác nhau. Nếu đi trước, tiền 4G thì sẽ xảy ra tình trạng lỡ nhịp, không tương thích với công nghệ 4G chuẩn.
Trong khi đó, 4G không có nghĩa sẽ đẩy được tốc độ truy cập Internet lên khi mà các nhà mạng chỉ triển khai một số trạm BTS thì điều đó không có ý nghĩa, tốc độ sẽ vẫn “rùa bò”. Các nhà mạng phải triển khai đủ trạm để người dùng đi đâu cũng có sóng, nhất là sóng trong nhà. Trong bối cảnh tốc độ mạng 3G vẫn chưa thỏa mãn người dùng, thì có lẽ nên dùng số tiền đầu tư cho 4G vào việc nâng cấp mạng 3.5G cho tốt để đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Vì thế, không ít ý kiến cho rằng: Việt Nam nên lựa chọn thời điểm phù hợp để triển khai 4G thay vì chạy đua để đẩy nhanh quá trình chỉ để lấy tiếng mà thôi.
Quang Huy
Nguồn: http://www.baomoi.com/3G-that-bai-cac-nha-mang-voi-chuyen-sang-4G-de-lay-tieng/c/17825683.epi