Nhận diện khuôn mặt tội phạm trên phim ảnh là hoang đường
Chắc hẳn, bạn đã rất quen với cảnh quay này: nhân vật chính mở toàn bộ các camera trong thành phố và liên tục chuyển camera để theo dõi kẻ phản diện. Các bộ phim đình đám như RoboCop và Furious 7 đã có những cảnh quay tương tự, nhưng đáng tiếc là công nghệ của con người chưa đủ phát triển để thực hiện được tính năng nhận diện quá "đỉnh cao" như vậy.
Trong một sự kiện về sinh trắc học được tổ chức tại London (Anh), Jim Loudermilk, chuyên gia công nghệ cao cấp của bộ phận Khoa học Công nghệ trực thuộc FBI cho biết cơ quan này vẫn chưa sở hữu công nghệ nhận diện khuôn mặt trên diện rộng.
"Tại London, bạn đã quen với những chiếc camera có mặt khắp nơi. Nhưng điều mà phần lớn các bạn chưa nhận ra là những gì các bạn thấy trong phim khoa học viễn tưởng vẫn chưa thành hiện thực", ông Loudermilk cho biết.
Chuyên gia này cũng khẳng định công nghệ hiện tại chưa thể giúp nhận diện khuôn mặt một cách chính xác.
"Tôi đánh giá rằng công nghệ so sánh mẫu mặt người mới chỉ đạt độ trưởng thành ngang bằng với công nghệ nhận diện mẫu vân tay vào cuối thập niên 1980. Chúng ta chưa có các hệ thống tự động đủ tin cậy có thể tự động phân tích video và theo dõi ai đó từ camera này sang camera khác mà không cần trợ giúp của con người".
Nhưng, cũng giống như với các công nghệ khác, các khoản ngân sách đầu tư có thể giúp thay đổi tình thế này: "Nếu chúng ta có thể dành ra vài trăm triệu USD và thuê hàng trăm chuyên gia theo dõi, chúng ta có thể nhận diện khuôn mặt chính xác trong vòng một thập kỷ tới. Nhưng tôi nghĩ là chúng ta sẽ không thực hiện đầu tư như vậy".
Chuyên gia bảo mật Leo Taddeo, một cựu nhân viên của FBI hiện đã chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực tư nhân, vẫn bày tỏ niềm tin rằng công nghệ này có thể trở thành hiện thực: "Ngày hôm nay, chúng ta có thể không tìm ra một kẻ khủng bố trong bức ảnh đám đông tại một sự kiện thể thao, nhưng đến ngày nào đó điều đó sẽ trở thành hiện thực".
Gia Bảo
Theo IT Pro Portal