Cách phát hiện chiêu trò gian lận ở cây xăng

on .

Việc ăn gian, đổ thiếu ở cây xăng là vấn nạn nhức nhối mà các cơ quan chưa giải quyết hết được và chính người tiêu dùng nên biết cách tự bảo vệ mình.

Một cây xăng ở Bình Dương "bố trí" nhân viên ngủ ở trạm để lừa khách. (Ảnh: Tuoitre)

Chỉ bằng một số “thủ thuật”, các nhân viên cây xăng có thể qua mặt khách hàng và thu lợi riêng. Những hình thức này đã tồn tại nhiều năm, và nếu để ý quan sát, người tiêu dùng có thể tránh bị mất tiền oan.

Số nhảy “tung tóe”

Đây là chiêu trò “cổ điển” với hai nhân viên cùng tham gia “lừa đảo”. Khi khách đến đổ xăng, ngoài nhân viên cầm vòi còn có một người khác đứng ở trạm xăng, lợi dụng lúc khách hàng không để ý sẽ nhấn nhanh đồng hồ điện tử để nhảy lên số khách muốn đổ. Ví như đổ 50.000, nhưng mới chỉ đến 30.000 đồng hồ đã nhảy lên 50.000.

Tinh vi hơn là thủ đoạn nhân viên bơm xăng nhấn cò 2 cái để đồng hồ nhảy lên số tiền định mức dù trên thực tế chưa đến. Vì thế, người tiêu dùng cần để ý tới người ngồi trong trạm và nhìn đồng hồ, đồng thời nghe xem nhân viên bơm xăng có nhấn cò nhiều lần và đồng hồ có bị nhảy hay không.

Cần để ý tới bảng số. (Ảnh: Petronews)

Đổ nối số

Nhiều người khi tới trạm xăng là mở nắp bình và loay hoay rút tiền mà không để ý đồng hồ điện tử trạm xăng đang ở số bao nhiêu (theo đúng chuẩn là số 0). Trong lúc khách đông, một số nhân viên sẽ đổ “nối số”, tức là vừa đổ cho người này, chưa reset đã đổ cho người kế. Như vậy, người sau sẽ phải trả thêm số tiền của người trước mà không hề hay biết.

Để tránh tình trạng này, bạn phải quan sát đồng hồ điện tử đã về số 0 chưa, nếu chưa hãy yêu cầu nhân viên reset lại.

Tống hơi vào bình

Khách yêu cầu đổ 50.000, nhưng khi màn hình đang hiện 45.000 thì nhân viên sẽ ngắt còi bơm, nhè nhẹ dốc vòi cho xăng chạy ngược về trạm và bấm còi thêm lần nữa để tống hơi vào bình xăng của khách dù đồng hồ vẫn nhảy về 50.000 như thường.

Nếu chưa đến số tiền mình yêu cầu mà thấy nhân viên ngắt còi, bạn cần phản ánh ngay để không bị ăn gian.

"Râu ông nọ cắm cằm bà kia"

Tương tự, lúc khách hàng đứng ở cột xăng bên này thì nhân viên dùng cột bên kia để đổ. Vì thế mà khách hàng không để ý kỹ đồng hồ lúc đầu chỉ bao nhiêu. “Trò” này rất dễ nhận ra, vì nếu bạn thấy một nhân viên ở cột khác đến đổ, hãy yêu cầu được nhìn số tiền đã về 0 chưa.

Người tiêu dùng cần để ý quan sát kỹ khi đổ xăng. (Ảnh: Pháp luật TPHCM)

Dắt khách ra chỗ khuất

Lấy lý do đông khách, nhân viên bơm xăng có thể gọi bạn ra chỗ khuất tầm nhìn với bảng điện tử. Nhiều người do vội, hoặc muốn cho xong việc đã “vô tư” làm theo mà không quan sát kỹ.

Nếu gặp tình huống này, người tiêu dùng thẳng thắn yêu cầu nhân viên cho xem bảng điện tử đã về 0 chưa và chọn vị trí để dễ quan sát nhất, không nhất thiết phải đứng cạnh xe.

Nhấp cò liên tục

Đây là chiêu khá phổ biến, đặc biệt khi nhân viên không nhấn số định trước mà chỉ ước lượng đến số tiền khách yêu cầu. Lúc bơm được khoảng hơn nửa tiền, nhân viên sẽ bóp cò liên tục, vờ như phải làm thế để tránh tràn bình hoặc vượt mức khách yêu cầu.

Việc nhấp cò nhiều lần sẽ làm tăng áp suất không khí trong vòi, vì thế số trên bảng điện tử nhảy nhanh hơn so với lượng xăng thực tế được đổ. Trong một số trường hợp, nhấp cò xăng liên tiếp có thể khiến đồng hồ vẫn chạy nhưng xăng thì không. Người dùng cần để ý quan sát và nhắc nhở nhân viên.

Nhanh tay xóa số

Giả vờ vội để đổ cho người kế tiếp, nhân viên trạm xăng tự reset lại bảng điện tử trước khi khách hàng kịp kiểm tra. Chiêu trò này hay được áp dụng cho những khách không để ý kỹ, nhân viên chỉ đổ đến 30.000 nhưng vội reset về 0, dù khách yêu cầu đổ 50.000.

Cảnh giác lúc đưa và thối tiền

Không chỉ sử dụng trò bịp trong việc đổ xăng, nhiều nhân viên còn trắng trợn trả tiền thừa thiếu hoặc “già mồm” cãi khách là chưa nhận tiền. Một số giả vờ đếm tiền trước mặt khách, lúc khách sơ ý liền rút một tờ. Tất nhiên, người này cứ ngỡ là đã đếm đủ nên không kiểm tra lại.

Đưa tiền cũng cần cảnh giác. (Ảnh: Petrotimes)

Có những nhân viên còn “nhanh tay lẹ mắt” khi gấp đôi tờ tiền để khách nhìn thành 2 tờ. Trong trường hợp bị phát hiện, họ sẽ giả vờ như mình đếm nhầm rồi xin lỗi để hòng cho qua.

Chưa hết, khách vào chưa đổ xăng đã đưa tờ 500.000, đến khi đổ xong nhân viên lại đòi tiền và chối phăng là chưa hề nhận đồng nào. Hay như nhận tờ 500.000 thì bảo là tờ 100.000 rồi “cãi chày cãi cối”. Người tiêu dùng nên cảnh giác với những chiêu trò này, tốt nhất là trả tiền sau khi đã “đâu vào đấy” và chú ý tiền thối lại.

Những điểm cần lưu ý khi đi đổ xăng

Người tiêu dùng cần quan sát kỹ mỗi lần đi đổ xăng, đặc biệt không đổ ở trạm có hai người cùng thao tác, để ý tới màn hình trụ bơm đã về số 0 hay chưa, cảnh giác với các trò bấm cò của nhân viên.

Ngoài ra, cần nhìn kỹ xem vòi bơm cho xe mình xuất phát từ cột xăng nào, kiểm tra số tiền với số lít có trùng khớp không.

Nên chọn các trạm xăng uy tín, những trạm nhiều xe taxi và xe tải đi vào vì họ là những người “lõi đời” và không dễ gì các nhân viên ở đây sử dụng trò lừa. Bạn có thể “hưởng ké”.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Cach-phat-hien-chieu-tro-gian-lan-o-cay-xang/c/17840310.epi