Vì sao kỹ sư CNTT Nhật hơn kỹ sư Việt?
Một lập trình viên tại Việt Nam thông thường chỉ viết ứng dụng cho Android hoặc iOS, trong khi kỹ sư công nghệ Nhật có thể làm song song cả hai hệ điều điều hành và làm rất giỏi. Tinh thần làm việc đồng đội của kỹ sư Nhật cũng rất cao, hai người trong một nhóm thường góp ý cho nhau để cùng phát triển chứ không hề có thái độ chỉ trích, anh Nguyễn Đình Vĩnh An, một trong những Quản trị dự án trẻ nhất tại FPT Software chia sẻ tại chương trình “CEO Talk – You can make it too” do FPT tổ chức, diễn ra hôm 1/11/2015 tại Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM.
Anh Nguyễn Đình Vĩnh An (thứ hai từ trái sang) và chị Lê Thu Hà trong buổi giao lưu với sinh viên ĐH KHTN TP.HCM hôm 1/11.
Anh Nguyễn Đình Vĩnh An từng có thời gian làm việc dài tại Nhật Bản và rút ra kết luận: năng suất lao động của kỹ sư Nhật (ít nhất tại nơi anh An làm việc) cao hơn 3-6 lần so với kỹ sư Việt Nam. Anh An cho biết những ngày đầu đi làm tại Nhật, khi anh đến công ty lúc 9 giờ sáng thì hầu hết đồng nghiệp Nhật đã có mặt làm việc, khi anh An rời văn phòng lúc 9 giờ tối thì mọi người vẫn còn ở lại làm. Anh cho rằng người Nhật có thể lực rất tốt, một phần do tập luyện thể thao và thời gian đi bộ giữa các trạm xe điện đến chỗ làm.
Sau hai tháng làm việc tại Nhật, anh An kết luận rằng… không đủ sức đuổi theo khả năng làm việc của đồng nghiệp tại đất nước mặt trời mọc. Tuy nhiên, khi về nước thì anh An không thua kém ai tại công ty.
Trả lời câu hỏi của một bạn sinh viên về áp lực cuộc sống tại Nhật, anh An kể đã sút 5kg chỉ trong hai tháng làm việc tại Nhật. Anh cho biết thời gian đầu làm việc với kỹ sư ở đây rất áp lực vì họ làm việc nhiều hơn, giỏi hơn, nên phải gắng sức bắt kịp. Người Nhật rất kỹ tính, đòi hỏi làm việc tỉ mỉ từng chi tiết. Chằng hạn trước khi gửi một file Excel, anh An phải xem đi xem lại cả chục lần; trước khi lưu file phải đặt trỏ chuột ở góc trên cùng bên trái màn hình (ô A1), đồng thời zoom về 80% cho đúng yêu cầu chung!
Tuy vậy, quản trị dự án trẻ tuổi của FPT Software cho rằng càng làm việc lâu với người Nhật thì áp lực giảm xuống, do đã bắt kịp nhịp độ làm việc và quen với các thói quen, văn hóa công sở.
Cũng trong buổi chia sẻ, một cựu sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM khác là chị Lê Thu Hà, Quản trị dự án của FPT Software cho đối tác Criteo - Tập đoàn được mệnh danh là Google Châu Âu – nói về các đồng nghiệp tại Đức và cho rằng, kỹ sư tại đây làm việc rất tập trung và tự giác. Theo chị Hà, hình ảnh phổ biến tại Việt Nam là một lập trình viên có thể ngồi trước 3-4 màn hình máy tính, tuy nhiên màn hình thực sự làm việc chỉ có một, đa số màn hình còn lại là lướt web, mạng xã hội, nhắn tin… trong khi đó tại Đức, trong một phòng lớn chỉ có vài lập trình viên ngồi, rất tập trung và tự giác làm việc mà không cần có người hối thúc. Trái với vẻ nghiêm túc khi làm việc, những đồng nghiệp người Đức lại rất thân thiện khi giao tiếp, chị Hà kể.
Có thời gian làm việc tại Pháp, chị Hà cho biết các đồng nghiệp nước này cũng rất tự giác và trách nhiệm trong công việc. Đặc biệt tinh thần làm việc nhóm rất cao, với một đồng nghiệp mới như chị Hà, các lập trình viên trong nhóm thường chủ động hỏi xem có thể giúp gì được, chứ không đợi thành viên mớ phải hỏi. Việc giúp đỡ nhau giữa các thành viên trong nhóm rất tự giác, không ai yêu cầu.
Để làm việc được với các đối tác nước ngoài, các diễn giả cho rằng cần trang bị không chỉ ngoại ngữ mà phải am hiểu văn hóa của quốc gia mà đối tác đang sinh sống. Bên cạnh đó, cần trang bị kiến thức chuyên môn lẫn các kỹ năng mềm cần thiết để làm việc trong môi trường quốc tế.
Nguồn: http://www.baomoi.com/Vi-sao-ky-su-CNTT-Nhat-hon-ky-su-Viet/c/17902256.epi