Sôi nổi bán kết SMAC Challenge phía Nam

on .

6 đội tại TP HCM với những sản phẩm xuất sắc đã tranh tài sôi nổi để giành vé vào Chung kết cuộc thi SMAC Challenge.

Chiều 15/11, vòng bán kết cuộc thi Số hóa giọng nói đã diễn ra tại phòng Hội thảo, tòa nhà FPT Tân Thuận, quận 7, TP HCM để tìm ra 2 đội xuất sắc vào chung kết tranh tài.

10h, nhóm UIT-Pirate King từ ĐH CNTT TP HCM đã có mặt tại tòa nhà để chuẩn bị máy, demon sản phẩm trước khi vào thi. 

Ban giám khảo của SMAC Challenge phía Nam gồm: thầy Vũ Hải Quân (hàng đầu, thứ hai từ phải qua), Hiệu phó ĐH KHTN, ĐHQG TP HCM; anh Trần Hải Linh (đầu tiên bên phải), TGĐ Sendo.vn và anh Trần Hồng Minh (thứ 3 từ phải qua), PGĐ Công ty Giải pháp công nghệ FPT (FTS).

 

Sau phần khởi động, các đội bốc thăm thứ tự dự thi và đây cũng là cơ sở xác định các đội đặt câu hỏi phản biện cho nhau.

Theo quy định, mỗi đội có 25 phút để hoàn thành phần thi bán kết với các nội dung cụ thể như sau: 5 phút thuyết trình về ứng dụng, 5 phút trình diễn ứng dụng, 10 phút phản biện, lắng nghe góp ý từ 2 đội bạn và 5 phút lắng nghe góp ý từ Ban Giám khảo.

Với mỗi hoạt động trong phần thi, các đội sẽ được tính điểm như sau: Thuyết trình (20%), chạy thử ứng dụng (60%), trả lời phản biện của Ban giám khảo và đội bạn (10%), đặt câu hỏi, góp ý cho đội bạn (10%). Trong thuyết trình, có một số nhóm được ban giám khảo đánh giá nổi trội hơn về ý tưởng, cách thức thực hiện.

 

Trình bày đầu tiên là Feed-Quit gồm các thành viên: Huỳnh Quang Thảo, Trần Quang Huy và Hà Kim Quy, đến từ ĐH FPT. Sản phẩm của nhóm là hệ thống hỗ trợ dẫn đường (xe bus và xe máy) trên thiết bị thông minh (smartphone, smartwear) bằng giọng nói.

 

Theo Huỳnh Quang Thảo, do hay đi xe buýt, thường phải tìm kiếm những chuyến đi lạ và phải ngồi rất căng thẳng để biết khi nào tới trạm bởi nhân viên soát vé do đông khách cũng ít khi nhắc mình khách. “Từ đó, mình đặt câu hỏi, tại sao chưa có hệ thống hỗ trợ dẫn đường khi trực tiếp tham gia giao thông”, Thảo nói. Sau đó, qua thảo luận, nhóm bắt đầu triển khai ý tưởng, mở rộng ra xe máy và cuối cùng thêm đồng hồ thông minh.

Sau vòng loại, Feed-Quit đã bổ sung thêm các chức năng đáng giá như: bản đồ offline (có thể hỗ trợ thông báo khi không có 3G), thông báo khi đi sai đường và nhiều thay đổi về giao diện để hỗ trợ người dùng sử dụng đơn giản hơn. “Sản phẩm tương tự là Google Map nhưng không hỗ trợ thông báo khi tham gia giao thông, chức năng offline còn rất nhiều hạn chế hay tìm kiếm nhiều hơn hai điểm”, đại diện Feed-Quit nói.

Giám khảo Vũ Hải Quân hỏi sâu về cơ chế khi người dùng đi nhầm đường. Theo Thảo, nhóm đang thử nghiệm nhưng một số lần vẫn còn lỗi.

 

Như buổi thi vòng loại, đội GC0962 của ĐH FPT chỉ có duy nhất Bùi Nguyễn Phúc Ân đến trình bày. Sản phẩm là Mini game Tetris2048: kết hợp giữa game xếp hình Tetris và game 2048. Điểm khác là Ân đã bỏ tính năng giọng nói trong việc hỗ trợ cho việc chơi game và quản lý thông tin. Một số tính năng mới cũng được Ân tối ưu theo gợi ý của Ban giám khảo từ vòng loại.

Ân thừa nhận Tetris 2048 không phải là sản phẩm mà anh muốn mang đến SMAC Challenge. “Tôi tự thấy ý tưởng của mình hơi 'lạc đề' so với tiêu chí của cuộc thi”.

Trong khi giám khảo Hồng Minh đánh giá cao tính giải trí thì giám khảo Hải Linh, cách tốt nhất để đo sản phẩm là "quẳng" lên kho ứng dụng để người chơi tải về 

 

Nhóm AWI đến từ ĐH CNTT TP HCM gồm các thành viên: Nguyễn Văn Tân, Trần Văn Toàn, Phạm Hoàng Long, Lưu Công Chình và Vũ An Khang với “Bạn đồng hành giao thông” bao gồm các chức năng: tìm địa điểm, chỉ đường đến điểm được yêu cầu, chỉ đường cho các phương tiện cụ thể, chỉ dẫn các lựa chọn ưu tiên khi di chuyển và tính toán khoảng cách, thời gian của hành trình.

Sau vòng loại, AWI quyết định bổ sung các chức năng như hiển thị bản đồ kết hợp giọng nói, chỉ đường có cung cấp thêm GPS, hỗ trợ thêm phương tiện xe buýt cũng như hoàn thiện hơn chức năng tìm kiếm địa điểm. Tuy nhiên, điểm trừ của nhóm là không demo trực tiếp mà thể hiện bằng video.

Theo giám khảo Hải Linh, trước khi xây dựng sản phẩm, những người tham gia phải bước ra bên ngoài xem xét, đánh giá tình hình. "Ứng dụng này không thể tìm đường ra thế giới được bởi hệ thống tàu điện của Paris hay London đang đáp ứng hàng triệu khách hàng mỗi ngày, kể cả người khuyết tật", TGĐ Sendo.vn nói.

 

Xen kẽ chương trình, Ban tổ chức trao giải cuộc thi ảnh. Theo đó, Nguyễn Vũ Huy và Vũ Viết Hoàng của nhóm Fiction, ĐH CNTT TP HCM, giành giải Nhất. Giài Nhì là 3TM và giải Ba thuộc về Fallen Soul.

Ảnh chị Đặng Ánh Tuyết, Trưởng phòng Thương hiệu kiêm Trưởng Ban tổ chức SMAC Challenge trao giải cho hai đội Nhất - Nhì.

 

Cuộc thi được tài trợ bởi Công ty HP Việt Nam (tài trợ Bạc) và Công ty Asus Việt Nam (tài trợ Đồng). Truyền hình FPT và Fshare (thuộc FPT Telecom) là hai nhà đồng tài trợ.

Ảnh: Chị Đặng Ánh Tuyết, thành viên Ban tổ chức trao điện thoại Zenfone2 cho các đội lọt vào vòng bán kết.

 

Nhóm Smrat Travel gồm các thành viên từ ĐH Giao thông Vận tải cơ sở 2: Trương Ngọc Sơn, Lưu Toàn Định và giảng viên hướng dẫn Lê Nhật Tùng.

Ý tưởng xây dựng ứng dụng Smart Travel với mục đích thực hiện một phần công việc của hướng dẫn viên du lịch là thuyết minh và giới thiệu về các điểm đến. Với lộ trình du lịch được xác định trước từ công ty du lịch, khách hàng có thể sử dụng ứng dụng để nghe thuyết minh, đọc thông tin nhiều sự lựa chọn khác nhau như ngôn ngữ thuyết minh, các địa điểm tùy chọn hoặc nhạc nền giải trí... một cách tự động qua GPS hoặc lựa chọn địa điểm trên bản đồ trên các thiết bị di động Android.

"Với lộ trình du lịch được xác định trước từ công ty du lịch, khách hàng có thể sử dụng ứng dụng để nghe thuyết minh, đọc thông tin của điểm đến với nhiều sự lựa chọn khác nhau như: ngôn ngữ thuyết minh, các địa điểm muốn nghe hay nhạc nền giải trí”, sinh viên Trương Ngọc Sơn trình bày.

 

Các giám khảo đều cho rằng ý tưởng của Smart Travel hay nhưng nên hướng đến khách du lịch bụi. "Tư duy công nghệ mạch lạc nhưng tính thực tế yếu", giám khảo Hải Linh chỉ ra.

 

3TM gồm các thành viên: Lê Văn Tiên, Trần Văn Vũ Toàn, Trần Thạch Thảo và Tạ Văn Minh. Ứng dụng của nhóm nhắm đến đối tượng khách hàng là những bậc phụ huynh và trẻ.

Khi vượt qua vòng ý tưởng, nhóm đã thu gọn lại và chỉ chọn một chức năng chính làm trung tâm song song với việc tập trung phát triển tính năng mới cũng như hoàn thiện tính năng cũ.

Tại bán kết, 3TM đã bổ sung tính năng tạo lịch chích vacxin cho trẻ theo góp ý của giám khảo ở vòng loại. "Tôi rất thích ý tưởng này. Các bạn nên xác định là công cụ kết nối đến bác sĩ uy tín hay bệnh viện để thông tin được khách quan và chính xác", giám khảo Hồng Minh chia sẻ.

 

Đội UIT-Pirate King gồm: Trần Đình Đạt, Qunga Tuấn Đạt, Nguyễn Viết Danh, Nguyễn Hoàng Dương và Lâm Quốc Dũng trình bày sản phẩm/Ứng dụng SmartLearn. Theo đó, để có thể sử dụng điện thoại, trẻ cần phải trả lời đúng một số câu hỏi. Nội dung câu hỏi có thể được phụ huynh cài đặt thêm. Sau mỗi khoảng thời gian nhất định, ứng dụng sẽ khóa máy, và yêu cầu trẻ trả lời một số câu hỏi để có thể tiếp tục sử dụng điện thoại.

Sau một khoảng thời gian do phụ huynh cài đặt, điện thoại sẽ tự tắt và trẻ không thể sử dụng điện thoại được nữa. Phụ huynh có thể vô hiệu hóa ứng dụng bằng một mật khẩu xác nhận.

Tại bán kết, nhóm đã bổ sung các tính năng số hóa giọng nói, các module phân tích dữ liệu và tính năng chia sẻ dữ liệu cho các thành viên (phụ huynh) khác.

Theo giám khảo Hồng Minh, ứng dụng này sẽ khó phù hợp với trẻ học cấp tiểu học.

 

Với mỗi lượt trình bày sẽ có hai đội được phản biện. Phần này cũng được Ban giám khảo tính điểm.

 

Trong khi chờ Ban giám khảo công bố điểm, các thành viên cùng tham gia các game như: đoán chữ, múa Hawaii...

 

Kết quả, 3TM giành số điểm cao nhất trong bán kết SMAC Challenge phía Nam với 8.47 điểm. Về Nhì là Feed-Quit, 8.30 điểm. Đây là hai đội đại diện cho phía Nam tham dự trận chung kết được tổ chức vào giữa tháng 12.

SMAC Challenge là cuộc thi viết ứng dụng công nghệ thường niên, dành cho các bạn trẻ, do Tập đoàn FPT tổ chức. Ngoài giải thưởng bằng tiền mặt giá trị lớn, cuộc thi còn mang đến nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực công nghệ mới, cơ hội được Quỹ FPT Ventures hay các công ty thành viên FPT rót vốn đầu tư cho các ứng viên. Năm 2015, FPT mở rộng phạm vi cuộc thi ra toàn quốc.

Nguyên Văn