Đào tạo bác sĩ: Thiếu còn hơn yếu!
Giáo sư Đặng Hanh Đệ, Chủ tịch sáng lập Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam:Xem trả lời của lãnh đạo Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội , tôi thấy buồn.
Tôi không đồng ý với quyết định cấp phép mở đào tạo ngành Y, Dược cho Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Thay vào đó, nên giao cho Bộ Y tế có cơ sở đào tạo chính thức.
Giáo sư Đặng Hanh Đệ
Đào tạo ngành Y bắt buộc phải có thí nghiệm, bệnh viện. Trong khi đó, ở các bệnh viện như Việt Đức (Hà Nội), lượng người thực hành sau đại học rất đông, nếu “nhét” thêm sinh viên thì không ổn (đã có quy định cụ thể lượng sinh viên/bệnh nhân).
Xem trả lời của lãnh đạo Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội , tôi thấy buồn. Buồn ở chính câu nói "chúng tôi đào tạo ngành này không vì lợi nhuận." Một người bác sĩ, làm trong ngành y không bao giờ có suy nghĩ hay nói như vậy. Câu nói ấy chợt khiến tôi suy nghĩ đến hình ảnh bác sĩ chữa cho bệnh nhân mà lúc nào cũng nghĩ tới chuyện phong bì. Làm như vậy thì hỏng rồi.
Có thời gian giảng dạy ở Trường ĐH Y Hà Nội 47 năm, đã về hưu được 7 năm nhưng giờ tôi không dám đứng lớp, không dám góp ý cho các thầy cô bởi vì kiến thức của tôi không còn được cập nhật nữa. Cho nên với đội ngũ giảng viên của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đưa ra tôi có chút lo lắng về chất lượng. Cộng với, dự kiến tuyển sinh đầu vào 20 điểm thì không hiểu sinh viên ra trường sẽ ra sao?
Xem những danh sách bệnh viện thực hành mà trường này ký kết, tôi thấy cơ sở thực hành mà chủ yếu ở dạng “khu phố” như vậy một lúc không khó để có trong tay cả chục nơi. Vấn đề là ai sẽ giảng dạy khi sinh viên đến thực tập ở đây. Cán bộ trường chỉ đi được vài người sang thôi. Hơn nữa họ làm sao nắm được bệnh nhân ở đó để dạy. Với trình độ bác sĩ ở những nơi này thì thật khó cho sinh viên muốn thực hành”.
Đó là chưa kể người có trình độ rồi nhưng năng lực sư phạm cũng phải đáp ứng yêu cầu. Như ở BV Việt Đức, mỗi lần tôi đưa sinh viên tới thực hành, có khoa có người là tiến sĩ nhưng vẫn không chọn dạy được vì năng lực sư phạm của các anh ấy không có nên không chọn.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT):"Mở ngành Y dược phải rất thận trọng"
Thực tế trước đây chỉ có các trường của Bộ Y tế đào tạo y dược. Mấy năm gần đây có xu hướng mở rộng hơn ngoài khuôn khổ các trường truyền thống, như ĐHQG Hà Nội, ĐH Thăng Long, ĐH Tân Tạo, ĐH Duy Tân…
Đó là chuyện bình thường. Khi trường chuẩn bị đủ điều kiện, năng lực thì phải cho mở vì nguồn nhân lực y tế đang rất thiếu.
TS Lê Viết Khuyến
Tôi không được tham gia vào các đoàn thẩm định nên không thể nói chuẩn bị như thế là đủ hay chưa. Đoàn thẩm định của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đi về xét thấy đủ thì phải tự chịu trách nhiệm về kết luận của mình. Mà nếu như có bằng chứng về việc trường không đủ điều kiện hai Bộ đã đồng ý cho mở ngành, thì trước hết, các thành viên của đoàn phải chịu trách nhiệm trước hai bộ. Và người ký quyết định cho phép cũng phải chịu trách nhiệm.
Câu chuyện này sẽ còn dài. Bây giờ là hứa, là cam kết, chưa có gì để nói là chất lượng đào tạo sẽ tốt hay không tốt. Việc khẳng định về chất lượng đào tạo không phải là lúc này, mà phải sau ít nhất một khóa đào tạo ra trường.
Kinh nghiệm thế giới là khi trường mới mở một ngành, chưa được kiểm định chất lượng đào tạo, sinh viên tham gia học rất rụt rè. Sau khi có kết quả học tập và đánh giá, nếu tốt, số lượng sinh viên theo học mới đông lên. Điều này trái ngược với hiện trạng Việt Nam, khi sinh viên theo học các ngành mới thường khá nhiều.
Tôi không đồng ý quan điểm chỉ đào tạo y dược ở các trường chuyên. Danh sách 200 trường đại học danh tiếng nhất trên thế giới đều là những trường đa ngành. Những trường y nổi tiếng trên thế giới cũng nằm trong các trường đa ngành. Đào tạo y đồng thời cũng phải phát triển toàn diện các kỹ năng, kiến thức nhân văn, xã hội, tư duy khoa học. Tư duy đào tạo đa lĩnh vực là không tốt là tư duy xa xưa rồi. Việc đào tạo đơn ngành là chịu ảnh hưởng của tư duy thời Liên Xô trước đây, mọi việc được kế hoạch hóa, các bộ ngành quản lý hoạt động từ A – Z, trong đó có cả đào tạo nhân sự cho ngành. Chuyển sang kinh tế thị trường nhiều thành phần, đương nhiên phải có đào tạo đa lĩnh vực.
Để nói mức điểm đầu vào là 20 hay bao nhiêu đã đảm bảo chất lượng chưa còn cần phải xem quá trình đào tạo như thế nào. Nhìn vào mức điểm 27, 28 điểm hiện nay ở các trường ĐH y, dược thì cũng chỉ có ngành bác sĩ đạt mức điểm đó, còn các ngành khác cũng không quá cao, và họ đạt được mức đó là do sự tín nhiệm của người học.
GS- bác sĩ Trần Đông A (nguyên Phó GĐ Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM):“Thà thiếu còn hơn…yếu”
Việc cho các trường có truyền thống điểm tuyển sinh đầu vào không cao được phép mở ngành y dược là đang làm trái với Nghị Quyết Trung ương VIII về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Trong đó, nêu rất rõ: Chuyển đào tạo chủ yếu từ số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả. Giáo dục đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển.
GS- bác sĩ Trần Đông A
Cá nhân tôi thấy nhà trường đang quan tâm tới số lượng chứ không phải chất lượng. Việc cho phép trường đại học kinh doanh mở ngành y là bước lùi chứ không phải bước tiến.
Việt Nam đang đào tạo các mô hình theo chuẩn quốc tế để hội nhập.
Tiêu chuẩn hội nhập quốc tế là đối với ngành y: Bác sĩ phải rất thông hiểu về bệnh nhân lúc khỏe lẫn lúc bị bệnh, hiểu môi trường sống của họ, biết các kỹ thuật hiện đại để áp dụng chẩn đoán và điều trị.
Muốn làm được điều này, phải bắt buộc đào tạo theo mô hình Viện – Trường. Nghĩa là bệnh viện và trường học phải có sự kết hợp chặt chẽ, Viện trước rồi trường sau.
Tại Việt Nam, ta chưa làm được như vậy nhưng thời gian giảng dạy của tôi và các giảng viên y khoa khác cũng chủ yếu là ở bệnh viện. Cùng một bệnh lý nhưng mỗi bệnh nhân lại có đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng giống hoặc khác nhau. Cái đó không thể học trên lý thuyết, trên mô hình được.
Chúng ta không thiếu y bác sĩ ở các thành phố lớn. Thực tế, cách đây 2 năm Bộ Y tế đã cảnh báo về việc dư thừa nhân lực ngành y tế.
Chúng ta thiếu là thiếu nhân lực ở vùng sâu vùng xa. Và nếu đào tạo bác sĩ cho vùng sâu vùng xa thì phải về đó đào tạo y khoa lâm sàng, đây lại đi đào tạo ở Hà Nội thì lập luận đó không hợp lý. Nếu không cho ra được các y bác sĩ chất lượng thì thà…thiếu còn hơn yếu.
Không chỉ Việt Nam mà trên thế giới đều rất khắt khe khi tuyển chọn sinh viên y khoa.
Về đội ngũ giảng dạy, đào tạo cho các y, bác sĩ tương lai, cần thiết phải là những người làm việc hết mình trong bệnh viện. Bởi quá khứ khác, hiện tại khác, phương tiện điều trị xưa và nay khác.
Từ năm 2013 tới nay, thế giới đã tiến tới và hình thành y học cá thể. Hệ quả của y học cá thể, nghĩa là không thể giảng dạy trong trường đại học y nếu người thầy không làm việc hết mình trong bệnh viện. Ngược lại, người chỉ thích thực hành mà không cập nhật kiến thức chẳng khác gì một thủy thủ đáp chuyến tàu không bánh lái ra khơi…
Văn Chung - Ngân Anh - Thanh Huyền (ghi)
Nguồn: http://www.baomoi.com/Dao-tao-bac-si-Thieu-con-hon-yeu/c/18115758.epi