5 triết lý sâu sắc về lãnh đạo của "Ông vua phần mềm Ấn Độ"
“Ông vua phần mềm” Azim Premji
Xuất phát điểm từ công việc kinh doanh kế thừa đầy khó khăn của cha, người thanh niên trẻ Azim Premji đã lợi dụng thời cơ khi chính phủ Ấn Độ buộc Tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia IBM (Mỹ) rời khỏi thị trường Ấn Độ.
Đây là cách ông hạn chế tầm ảnh hưởng của nước ngoài lên các ngành công nghiệp còn non trẻ trong nước, để thành lập một bộ phận chuyên về công nghệ thông tin tại công ty năm 1977.
Năm 1981, ông bắt đầu bán ra chiếc máy tính đầu tiên của chính mình. Và cho đến nay, Wipro đã trở thành tập đoàn đa quốc gia có mặt trên hơn 50 nước.
Không những thế, Wipro còn là đối tác tin cậy của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Sony Ericsson, Microsoft, Boeing, Nokia, Cisco, NEC, Nortel và có liên doanh với công ty General Electric.
Năm 2003, ông được Forbes vinh danh là 1 trong 10 tỷ phú quyền lực nhất hành tinh.
Azim Premji đã tiên phong trong lĩnh vực phần mềm và rất thành công với tập đoàn Wipro của mình. Ông được coi là một vị thần bằng xương, bằng thịt, là tấm gương sáng chói cho thế hệ trẻ và được tôn vinh là một anh hùng dân tộc của nước này.
Ông đã làm nên một thương hiệu phần mềm “made in” Ấn Độ. Doanh thu từ xuất khẩu phần mềm của nước này lên tới hàng chục tỉ Đôla Mỹ chiếm tới gần 2% thị phần toàn thế giới.
Mặc dù sở hữu khối tài sản lớn và là một “ông vua” đầy quyền lực trong ngành công nghệ thông tin Ấn Độ, Premji vẫn được biết đến với sự khiêm tốn và giản dị của mình.
Ông thường lái một chiếc Toyota Corolla và chuyên bay hạng phổ thông trong các chuyên công tác hoặc du lịch.
Những triết lý lãnh đạo sâu sắc của Azim Premji
Câu chuyện khởi nghiệp và thành công của Azim Premji đã trở thành biểu tượng được giới trẻ Ấn Độ khâm phục và ngưỡng mộ.
Quãng đời thanh niên chưa bằng cấp, không kinh nghiệm nhưng lại có những thành công vượt bậc đã cho thấy lòng quyết tâm cùng sự kiên trì khi kết hợp giữa kiến thức, tầm nhìn sâu rộng và một tinh thần không khuất phục thất bại của Azim.
Những triết lý về lãnh đạo của ông dưới đây là những đúc kết từ những kinh nghiệm và bài học thất bại cũng như thành công của ông.
1. Đam mê hết lòng
Bất cứ nhà lãnh đạo nào để bước tới đỉnh cao của mình cũng cần phải có ước mơ và đam mê chinh phục ước mơ đó.
Với Azim Premji, ước mơ phải luôn được ấp ủ, có kế hoạch, có con đường và có niềm tin vào thành công dù thời gian có kéo dài và gặp thất bại bao nhiêu.
Câu nói “Tôi không hối tiếc vì thất bại này, phải biết học hỏi từ chúng” được đúc kết sau thất bại đầu tiên của ông năm 1984.
2. Biết dùng người
Để thực hiện các chiến lược phát triển kinh doanh của mình, Azim Premji đã phải có đội ngũ chuyên gia, nhân viên rất giỏi. Chính trong lĩnh vực quản lý nhân sự này, Azim Premji đã tỏ ra là một nhà doanh nghiệp tài ba.
Azim Premji rất quan tâm đến việc đào tạo cho nhân viên của mình. Hàng chục nghìn chuyên gia phần mềm đã được đào tạo từ các trung tâm của Wipro Technologies.
Theo số liệu thống kê, có đến trên 30% chuyên viên lập trình làm việc tại Silicon Valley (Mỹ) là người Ấn Độ, trong đó không ít người đến từ tập đoàn dịch vụ tin học của Azim Premji.
3. Có tầm nhìn chiến lược
Theo Azim Premji, chỉ những người có tầm hiểu biết, nhìn xa trông rộng thì họ mới có khả năng chiến lược tư duy sâu rộng.
Nếu ngủ quên trên chiến thắng của ngày hôm nay, hoặc chưa biết hi sinh lợi nhuận trước mắt để đạt được thành công về lâu dài thì đó chưa phải là nhà lãnh đạo tài ba.
4. Thúc đẩy cá nhân và khuyến khích làm việc nhóm
Azim Premji rất khuyến khích các cá nhân phát triển. Ông còn thường xuyên trực tiếp đi giảng dạy cho các khóa học do tập đoàn tổ chức và được nhiều trường đại học danh giá của Ấn Độ và quốc tế cấp bằng tiến sĩ danh dự.
Tuy nhiên, theo ông, cá nhân xuất sắc thôi chưa đủ, để gặt hái thành công lớn, cần có sự đoàn kết và sức mạnh của một tập thể. Chỉ khi được "đồng đội" tương trợ, thành công bền vững mới có được.
5. Luôn làm việc chăm chỉ
Để có được thành công như ngày hôm nay, Premji cho rằng chẳng có bí quyết gì đặc biệt. Ông khẳng định mình chỉ thực hiện nghiêm túc khẩu hiệu: “Làm việc, làm việc và tiếp tục làm việc”.
Ông cũng từng có câu nói nổi tiếng: “Nếu bạn không làm việc, đừng mong có một chỗ đứng cho riêng mình. Lao động chính là cách thức duy nhất để sống sót trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt hiện nay”.
Với ông, chăm chỉ và cần mẫn không trừ một ai, bất kể người đó là lãnh đạo cao nhất.
Ông của của Wipro đặt ra cho mình và tất cả nhân viên làm việc tại đây 4 tiêu chuẩn về giá trị: Con người, tính hoàn hảo của các dịch vụ, những giải pháp sáng tạo và các giá trị tài chính.
Đó chính là những đường lối giúp cho tập đoàn công nghệ, ông chủ và hàng trăm nhân viên của Wipro có được vị thế như ngày hôm nay.
*Tham khảo nhiều nguồn
Theo Trí Thức Trẻ
Nguồn: http://www.baomoi.com/5-triet-ly-sau-sac-ve-lanh-dao-cua-Ong-vua-phan-mem-An-Do/c/18139575.epi