Nhìn lại OnlineFriday: khi doanh nghiệp phá hỏng ngày hội
Ngày 4/12/2015, ngày hội Mua Sắm Trực Tuyến lần 2 đã chính thức diễn ra tại website Onlinefriday.vn. Đây là sự kiện do Cục TMĐT và CNTT của Bộ Công Thương phối hợp cùng Hiệp hội TMĐT Việt Nam và báo điện tử VnExpress tổ chức. Ngày mua sắm trực tuyến 2015” đã có hàng ngàn doanh nghiệp tham gia và ước tính đã diễn ra cả triệu giao dịch.
Chiếc iPhone 6S 16GB được Lazada đẩy giá gốc lên gần gấp đôi trong ngày mua sắm trực tuyến
Tuy nhiên, thay vì kích cầu người dùng trong việc mua hàng trực tuyến, thì đa số các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT lại phá hỏng nó trong mắt người mua khi đưa ra chiêu bài “đại hạ giá ảo” để bán sản phẩm của mình.
Điều đáng tiếc là những doanh nghiệp dùng chiêu thức này lại là các doanh nghiệp lớn thuộc loại “top đầu” ở lĩnh vực TMĐT trong nước như Lazada, Sendo, HC.com.vn…Hàng loạt khuyến mãi “ảo” đã được các công ty này đưa ra bằng cách đẩy giá gốc của sản phẩm lên cao hơn cả giá thị trường, sau đó tiến hành “đại hạ giá” 30 – 35%, thậm chí là 50%, nhưng thực tế khi người mua mức giá được khuyến mãi này lại chẳng chênh lệch với giá sản phẩm đang bán trên thị trường bao nhiêu. Và một điều đáng nói nữa là trong ngày hội mua sắm này, có nhiều sản phẩm được các công ty bán ra cũng là hàng “nhái” mà điển hình là chiếc loa Bose được bán từ công ty Sendo.vn.
Rất nhiều người dùng đã vô cùng thất vọng khi họ phát hiện ra các doanh nghiệp TMĐT ở trên dùng cách này trong ngày OnlineFriday. Nhiều người đã hi vọng sẽ mua được món hàng mình thích, thậm chí có người canh từ thời điểm 0h00 ngày 4/12 để mua hàng, nhưng kết quả họ phát hiện ra mình bị lừa.
Anh Nguyễn Hải Long, một khách hàng ở TP.HCM đã vô cùng tức giận, bởi theo anh cách làm của các công ty như Lazada hay Sendo…là không thể chấp nhận được và nó thể hiện lối tư duy “chụp giựt” và “gian dối” trong kinh doanh ở Việt Nam. Và cái này trở thành cố hữu và thói quen của doanh nghiệp rồi, họ không chịu thay đổi để người dùng có thể nhìn nhận tốt hơn cho việc kinh doanh trực tuyến ở trong nước.
Đồng quan điểm, anh Lê Hoàng, cũng vô cùng thất vọng với cách làm ở trên, anh cho rằng các doanh nghiệp TMĐT cần có sự thay đổi trong tư duy bán hàng của mình. Bởi người dùng bây giờ đã khác trước, với việc Internet phát triển như hiện nay họ đã bắt đầu có thói quen mua sắm trực tuyến và dễ dàng nhận ra những hình thức bán hàng theo kiểu “lừa đảo”, đồng thời sẵn sàng tẩy chay những doanh nghiệp có cách làm như trên.
Cũng rất khó hiểu cho cách làm của các doanhn ghiệp như Lazada, Sendo hay HC.com.vn…bởi sự kiện Mua Sắm Trực Tuyến, mỗi năm chỉ có một lần và được Bộ Công Thương tổ chức nhằm kích cầu việc mua sắm trực tuyến của người dùng, giúp các doanh nghiệp TMĐT dễ dàng có cơ hội quảng bá, tiếp cận và bán hàng cho khách. Thế nhưng, thay vì làm ăn một cách nghiêm túc và tìm cách để cho người dùng nhìn nhận một cách tốt đẹp hơn cho TMĐT, tạo thói quen mua sắm cho họ thì các doanh nghiệp này lại phá hỏng nó đi.
Nhìn nhận một cách khách quan sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến (Online Friday) là một hoạt động tốt được Bộ Công Thương đưa ra và cần được cổ vũ để nó tiếp tục được tổ chức và ngày càng tốt lên theo hàng năm. Và các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT ở trong nước cũng đến lúc nên nhìn lại mình, cần có những thay đổi một cách tích cực và tham gia một cách hết mình, cũng như có những chương trình giảm giá một cách thật sự để tạo uy tín cho người mua, nhằm nhận được sự ủng hộ từ họ.
Nguồn: http://www.baomoi.com/Nhin-lai-OnlineFriday-khi-doanh-nghiep-pha-hong-ngay-hoi/c/18151192.epi