60 nhà mạng thử nghiệm chuẩn truy nhập băng rộng cố định G.fast
Điều này cho thấy nhu cầu triển khai và thương mại hóa các mạng băng rộng cố định chất lượng cao để dần bổ sung và thay thế cho các mạng băng rộng cáp đồng truyền thống đang tiếp tục gia tăng.
G.fast là chuẩn công nghệ băng rộng cố định được ITU phê chuẩn vào tháng 12/2014
Theo mô tả, G.fast là một chuẩn công nghệ truy nhập băng rộng cố định trên nền cáp đồng, sử dụng tần số điều chế ở tần số 106 MHz (giai đoạn 1) và sẽ nâng lên là 212 MHz (giai đoạn 2), cao hơn hẳn so với tần số điều chế được sử dụng trong VDSL 2 (17 MHz và 30 MHz). Điều này giúp G.fast nâng cao đáng kể tốc độ truyền dẫn dữ liệu. Tốc độ thông thường nằm trong khoảng từ 200 – 500 Mbps. Ở khoảng cách dưới 250m, tốc độ truyền dẫn dữ liệu của G.fast có thể lên tới 1Gbps.
Theo Adtran, thị trường băng rộng cố định cáp đồng đã bị “vượt mặt” bởi công nghệ cáp quang FTTH. Tuy nhiên, trên thực tế, triển khai FTTH là một giải pháp khá tốn kém và không nhiều nhà mạng có đủ tiềm năng thực hiện ngay lập tức. Chính vì vậy, giải pháp G.fast mà Adtran đã giới thiệu với nhiều nhà mạng là triển khai cáp quang tới các điểm phân tán (FTTdp - Fiber-To-The-distribution-point), sau đó tận dụng mạng cáp đồng có sẵn để cung cấp dịch vụ tới tận nhà thuê bao. Dù chất lượng dịch vụ không bằng so với FTTH song với việc áp dụng công nghệ truy nhập G.fast, khoảng cách về chất lượng sẽ ngày càng được rút ngắn bởi ở khoảng cách gần, G.fast có thể cho tốc độ truy nhập lên tới cỡ Gbps.
Như vậy, chỉ sau tròn 1 năm được ITU chuẩn hóa, giải pháp G.fast của Adtran đã được hàng chục nhà cung cấp dịch vụ băng rộng cố định thử nghiệm và triển khai trên thực tế. Không chỉ là một giải pháp mới, tốc độ cao, G.fast còn được ITU công nhận là một chuẩn công nghệ “cứu vớt” cho thị trường băng rộng cố định cáp đồng, vốn đang bị giảm mạnh về thuê bao và thị phần.
Lê Hường (theo telecom.com)
Nguồn: http://www.baomoi.com/60-nha-mang-thu-nghiem-chuan-truy-nhap-bang-rong-co-dinh-G-fast/c/18531611.epi