9 dấu hiệu cho thấy máy tính của bạn bị tấn công
1. Thông báo của trình chống virus giả. Khi máy tính của bạn đã bị tấn công sẽ xuất hiện một chương trình (thường là giao diện web dạng pop-up) hiện ra với thông báo máy tính đang bị xâm nhập và gặp nguy hiểm. Hiện tại đa phần đều có thể biết những thông báo này là giả mạo, tuy nhiên, vẫn còn những người ngây thơ làm theo và vô tình đã “rước giặc về nhà”.
2. Xuất hiện thanh công cụ lạ. Trình duyệt tự dưng có rất nhiều thanh công cụ (toolbar) mặc dù bạn chưa từng cài. Đó là dấu hiệu thứ 2 cho biết máy tính đã bị tấn công.
3. Kết quả tìm kiếm hiển thị ở một trang “lạ”. Những kẻ đột nhập sẽ tìm cách thu thập thông tin của người dùng bằng cách khi nạn nhân nhấn vào các kết quả thì sẽ chuyển đến những trang độc hại, mặc dù người dùng tìm kiếm với Google hay bất cứ công cụ tìm kiếm nào.
4. Xuất hiện liên tục các pop-up. Những triệu chứng phổ biến cho dấu hiệu này là bạn thực sự rất phiền phức với nhiều cửa sổ với nhiều nội dung từ quảng cáo, chứa banner khiêu dâm cho đến yêu cầu tải phần mềm miễn phí giả mạo… xuất hiện trên màn hình.
5. Người thân nhận được email hoặc tin nhắn giả mạo tài khoản của bạn. Phương thức gửi email chứa nội dung dẫn tới trang chứa mã độc đến toàn bộ danh sách địa chỉ liên hệ trong Contacts thường được hacker sử dụng, hiện nay, với sự phát triển vượt trội của mạng xã hội, kẻ tấn công sẽ dễ dàng “dẫn dụ” con mồi của mình thông qua các trò chơi, thông báo và link dẫn tới trang web độc...
6. Mật khẩu của tài khoản trực tuyến đột ngột bị thay đổi. Nếu một hay nhiều mật khẩu của tài khoản email, mạng xã hội… của bạn bất ngờ bị thay đổi thì chắc chắn các tài khoản này đã bị hack. Khi gặp phải vấn đề này, tốt nhất hãy thông báo đến người thân, bạn bè rằng tài khoản của bạn đã bị mất cắp, sau đó tìm cách lấy lại mật khẩu nhờ công cụ “Quên mật khẩu” trên các dịch vụ trực tuyến.
7. Máy tính tự cài những phần mềm lạ. Máy tính tự động cài những phần mềm không mong muốn mặc dù người dùng cố gắng nhấn nút Hủy (Cancel) và không thể nào gỡ bỏ được, là dấu hiệu tiếp theo cho thấy máy tính đã bị tấn công.
8. Con trỏ chuột chạy lung tung và dừng lại đúng mục tiêu chỉ định của hacker. Nếu con trỏ chuột trên máy tính của bạn không thể điều khiển được, mà nó tự chạy và cuối cùng dừng lại ở một tùy chọn nào đó được định sẵn, rất chính xác thì chắc chắn máy tính đã bị tấn công.
9. Các chương trình chống virus bị vô hiệu hóa. Đây là những cách cần thiết và cơ bản nhất để chiếm quyền điều khiển một máy tính của mọi hacker. Khi bị vô hiệu hóa, các trình antivirus, Task Manager không thể khởi chạy được, các tùy chọn liên quan sẽ bị mờ. Lúc này, hacker tha hồ lộng hành trên máy tính của bạn mà không sợ bị ngăn chặn.
Nguồn: http://www.baomoi.com/9-dau-hieu-cho-thay-may-tinh-cua-ban-bi-tan-cong/c/18540864.epi