2020: Ít nhất 40% hộ gia đình dùng viễn thông băng rộng cố định
Trong đó, có ít nhất 60% thuê bao được kết nối với tốc độ tải về (download) tối thiểu là 25 MB/s.
Ngoài ra, theo mục tiêu đề ra, có 100% các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng trên cả nước sử dụng dịch vụ băng rộng cố định, trong đó ít nhất 50% điểm có tốc độ tải xuống tối thiểu là 50 MB/s; đảm bảo tối thiểu 95% các khu vực dân cư được phủ sóng 3G/4G với tốc độ tải xuống trung bình lớn hơn 4 MB/s tại thành thị và 2 MB/s tại nông thôn...
Tạo điều kiện mọi người dân tiếp cận dịch vụ băng rộng
Một trong các giải pháp thực hiện Chương trình là giải pháp về thị trường, dịch vụ, trong đó tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường viễn thông , giảm các thủ tục trong cấp phép viễn thông, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng mạng viễn thông băng rộng cung cấp phong phú, đa dạng dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện quản lý theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh, có các cơ chế chính sách minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp. Tăng cường các cơ chế quản lý đặc thù đối với doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường để đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững.
Ảnh minh họa.
Thúc đẩy phát triển các ứng dụng nội dung, công nghệ thông tin trên hạ tầng viễn thông băng rộng đáp ứng sự phát triển kinh tế, xã hội như Chính phủ điện tử , thương mại điện tử, thanh toán điện tử, đào tạo từ xa, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, hỗ trợ người khuyết tật...
Thực hiện chuyển từng bước từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm, tinh giản các thủ tục nhập khẩu thiết bị đầu cuối, thủ tục hợp quy để đẩy nhanh tốc độ triển khai mạng và dịch vụ băng rộng và giảm áp lực cho cơ quan quản lý.
Kiểm soát giá cước dịch vụ truy nhập băng rộng trên cơ sở cạnh tranh, theo cơ chế thị trường phù hợp với điều kiện đại đa số của người dùng Việt Nam. Tạo điều kiện cho mọi người dân tiếp cận dịch vụ băng rộng, thúc đẩy sự sáng tạo và đa dạng hóa các dịch vụ nội dung.
Sản xuất, lắp ráp thiết bị đầu cuối băng rộng nhằm giảm giá thành
Chiến lược cũng đưa ra giải pháp về khoa học công nghệ. Cụ thể, công nghệ truyền dẫn mạng băng rộng hữu tuyến, vô tuyến là công nghệ cao thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin được ưu tiên đầu tư phát triển.
Đẩy mạnh việc xây dựng, áp dụng quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, triển khai ứng dụng công nghệ cao trong việc thiết lập mạng lưới, cung cấp dịch vụ và sản xuất, lắp ráp các thiết bị đầu cuối viễn thông, đặc biệt là thiết bị mạng và đầu cuối băng rộng, thiết bị thu xem truyền hình số thông minh nhằm giảm giá thành, phổ cập nhanh các dịch vụ viễn thông đến người dân với chất lượng tốt và giá cước hợp lý.
Cập nhật và khuyến khích các doanh nghiệp từng bước triển khai sử dụng các công nghệ mạng truy nhập, mạng truyền dẫn, mạng lõi chuyển mạch, mạng lõi Internet hiện đại, dung lượng lớn, hiệu quả cao phù hợp với nhu cầu phát triển trong nước và xu hướng phát triển chung trên thế giới.
Tổ chức, thúc đẩy nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ, quy trình tổ chức triển khai mạng băng rộng và nhằm áp dụng nhanh các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ vào thực tiễn.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, khai thác hạ tầng mạng viễn thông băng rộng, cung cấp đa dạng dịch vụ để giảm chi phí, giá thành và nâng cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp viễn thông.
(Theo Báo điện tử Chính phủ)
Nguồn: http://www.baomoi.com/2020-It-nhat-40-ho-gia-dinh-dung-vien-thong-bang-rong-co-dinh/c/18541635.epi